Hối hả trên công trường cầu Đồng Nai





Là một cây cầu đường bộ quan trọng trên QL1A bắc qua sông Đồng Nai, cầu Đồng Nai cũ ở giữa địa phận TP Biên Hòa (Đồng Nai) và huyện Dĩ An (Bình Dương) được xây dựng đã lâu, đến nay xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Việc khẩn trương hoàn thành cây cầu mới để đưa vào sử dụng giảm tải cho cầu cũ càng cấp bách.




Đúc nhịp tại cầu Đồng Nai.


Được khởi công xây dựng vào tháng 6/2008, do TCty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư, theo hình thức BOT, cầu Đồng Nai mới có chiều dài 461,6m, rộng 20m với 5 làn xe (3 làn cho xe cơ giới, 2 làn cho xe hỗn hợp và 1 lề cho khách bộ hành); kết cấu nhịp đúc hẫng gồm 6 nhịp liên tục bê tông cốt thép dự ứng lực và 2 nhịp liên tục. Hiện nay các trụ cầu đã cơ bản xong phần móng và đang tiến hành đúc nhịp trên đà giáo cố định, tiến tới hợp long nhịp đầu tiên (nhịp T3-T4) dự kiến vào ngày 17/8/2009 và thông xe vào ngày 31/12/2009.


Đến cầu Đồng Nai vào những ngày này mới thấy hết được không khí nhộn nhịp, khẩn trương của cán bộ và anh em công nhân trên công trường đang ngày đêm làm việc chạy đua với thời gian để sớm kịp tiến độ. Bên cạnh cây cầu cũ, giữa dòng sông mênh mông các mố cầu, trụ cầu bằng bê tông cốt thép sừng sững xuất hiện. Cả công trường có khoảng 300 người kể cả cán bộ và công nhân, tất cả được chia thành nhiều tốp, nhiều ca thay nhau làm việc trên các trụ cầu và mố cầu.


Tạm nghỉ tay, anh Vũ Quang Minh quê ở Bắc Ninh tâm sự: “Đi làm xa nhiều khi cũng nhớ nhà, nhớ vợ con lắm, nhưng đành phải chấp nhận vì mình là dân xây dựng mà. Những lúc đổ bê tông, công việc nhiều hơn mình cũng tranh thủ làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập đồng thời cũng vơi đi nỗi nhớ quê. Được làm những công trình lớn, quan trọng như cầu Đồng Nai chúng tôi phấn khởi lắm”. Với nước da ngăm đen kỹ sư Phan Việt Đức luôn tay nhắc nhở anh em phải  bảo đảm an toàn trong lao động. Rồi anh kể: “Do nền móng công trình đặt trên nền đá gốc có cường độ cao nên việc thi công khoan cọc nhồi gặp không ít khó khăn. Nhiều khi phải cho thợ lặn xuống lấy từng cục đá lên mới tiếp tục khoan được, nếu như là đá tảng thì khoan lại dễ, ở đây lại là đá cục nên cả mũi khoan và đá đều xoay, không khoan xuống được. Công trình nằm ở hạ lưu hồ Trị An, trên dòng Đồng Nai nên vào mùa xả lũ nước sông chảy xiết khó khăn cho việc thi công. Hơn nữa cầu mới và cầu cũ nằm gần nhau (2 tim cầu cách nhau 23m) do đó ngoài việc bảo đảm an toàn trong quá trình thi công còn phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cầu cũ”.


Mỗi người một công việc, người thì cuốn ống chờ, người thì cắt sắt, đục bê tông, người thì loay hoay với những mối hàn, người lại kéo cáp đo độ căng của cáp. Tất cả đã tạo nên một quy trình nhộn nhịp trên công trường. Quy trình để hoàn thành đúc xong một đốt cầu dài 2,5m, 3m hoặc dài 3,5m cần 6 ngày. Từ khâu ra xe đúc tới chỉnh ván khuôn rồi lắp thép đổ bê tông, đợi bê tông ổn định từ 2 ngày đến 2 ngày rưỡi mới kéo cáp dự ứng lực. Mặc dù không khí thi công khẩn trương là vậy nhưng công trình vẫn chậm 2 tháng so với tiến độ thi công ban đầu đặt ra. Lý do là phải thanh tải chướng ngại vật dưới lòng sông và các tai nạn va quệt của phương tiện thuỷ vào trụ đang thi công.


Dáng hình cầu Đồng Nai đang lộ dần. Sau 6 tháng nữa cây cầu này sẽ đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu lưu thông, đi lại, giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông tại nút giao Tân Vạn và ngã ba Vũng Tàu hiện nay.








Cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP Biên Hòa được xây dựng theo hình thức BOT. Cầu rộng 20m, dài 461,6m; đường dẫn vào cầu xây dựng theo tiêu chuẩn đường phố chính cấp I với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.877 tỷ đồng (trong đó vốn xây dựng hơn 1.200 tỷ đồng và vốn giải tỏa mặt bằng hơn 600 tỷ). Thời gian xây dựng toàn bộ công trình là 24 tháng. TCty Xây dựng số 1 cũng là đơn vị thi công.   Mai Thanh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *