Nhà tái định cư Hà Nội: Nơi thiếu, nơi thừa





Nhà tái định cư ở Hà Nội hiện đang tồn tại tình trạng: Có dự án chậm tiến độ, được giao nhà tái định cư thì chưa dùng đến; ngược lại, có dự án rất cần có nhà tái định cư ngay lại không có. Giai đoạn năm 2011 – 2020 nhu cầu nhà tái định cư của Hà Nội sẽ tăng mạnh nên TP cần thực hiện nhiều giải pháp để nhà tái định cư có thể “đi trước một bước”.



Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, khi Thủ đô được mở rộng, số dự án liên quan GPMB tăng gấp 3 lần so với trước đây. Với khoảng 1.000 dự án, sẽ có gần 186.000 tổ chức, hộ gia đình thuộc diện phải di dời, 19.000 hộ dân sẽ phải tái định cư. Theo tiến độ triển khai các dự án, Hà Nội cần khoảng 5.000 căn hộ tái định cư mỗi năm. Hà Nội đang triển khai nhiều dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long như dự án vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa – Cầu Giấy), đường vành đai 2, cầu Nhật Tân, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô, Đường sắt đô thị đoạn Cát Linh – Hà Đông… Ngoài ra, các dự án cải tạo chung cư cũ sẽ cần tới 1.000 căn hộ tái định cư mỗi năm.


Trên thực tế, một số dự án đã được UBND TP cân đối, bố trí quỹ nhà từ kế hoạch năm 2008 nhưng đến nay vẫn chưa sử dụng hoặc mới sử dụng rất ít. Cụ thể, TP đã bố trí tổng số 1.220 căn hộ cho dự án đường vành đai 3 Thanh Xuân, đến nay mới sử dụng khoảng 900 căn hộ, còn lại khoảng 320 căn. Dự án đường vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác – Nguyễn Khoái) bố trí 804 căn chưa sử dụng, dự án đường Văn Cao – Hồ Tây bố trí 200 căn mới sử dụng 32 căn, dự án đường vành đai 2,5 bố trí 425 căn hộ mới sử dụng 65 căn. Trong khi đó, một số dự án đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư thực hiện quá chậm so với kế hoạch, dẫn đến việc quỹ nhà tái định cư thực tế không kịp hoàn thiện để bố trí cho dân vào ở nếu công tác GPMB thực hiện đúng tiến độ. Trong số các dự án chậm tiến độ phải kể đến các dự án xây dựng nhà tái định cư do các quận, huyện làm chủ đầu tư như nhà A1, A2 khu di dân Cánh Đồng Mơ, chủ đầu tư là Q.Hai Bà Trưng; nhà X1, X2 Hạ Đình, A1, A2 Kim Giang chủ đầu tư là Q.Thanh Xuân…


Để tăng tính chủ động thực hiện các dự án nhà TĐC, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội vừa giới thiệu 3 địa điểm để xây dựng KĐT tái định cư quy mô lớn tại Thượng Cát (Từ Liêm), La Phù (Hoài Đức) và Thanh Liệt (Thanh Trì). Ngoài ra, Sở còn nghiên cứu các KĐT tái định cư tại các huyện Đông Anh, Gia Lâm, khu Tây Nam các trường đại học tại huyện Từ Liêm. Mỗi KĐT này có quy mô từ 50ha trở lên, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng đô thị. Xây dựng các khu tái định cư theo quy chuẩn KĐTM với hạ tầng đồng bộ được xem là giải pháp căn bản của đề án “Xây dựng các KĐTM phục vụ tái định cư và nhà ở xã hội, nhà ở chính sách”. Thực hiện chủ trương công tác tái định cư đi trước một bước, Đề án này của Sở Xây dựng đã được TP thông qua và triển khai thực hiện với dự kiến triển khai từ 3 – 5 KĐTM nhằm tạo quỹ nhà có chất lượng sống tốt.


Tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại, Sở Xây dựng đề xuất UBND TP thực hiện một số giải pháp. Theo đó, cần chỉ đạo các chủ đầu tư nhà tái định cư đẩy nhanh tiến độ các dự án, nếu chủ đầu tư thực hiện quá chậm sẽ thu hồi lại dự án để giao cho đơn vị khác đủ năng lực. Với quỹ nhà tái định cư đã bố trí cho các dự án GPMB mà sau 12 tháng chưa sử dụng cần bố trí cho dự án khác có nhu cầu. Sở này cũng kiến nghị nên đa dạng loại hình tái định cư như khuyến khích các hộ nhận tiền để tự mua nhà tái định cư nhằm giảm áp lực cho TP. Bên cạnh đó, cần đánh giá các mô hình đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư nhằm đảm bảo hiệu quả nguồn vốn, chất lượng công trình cũng như tiến độ đầu tư xây dựng quỹ nhà này. Việc đăng ký trước nhu cầu quỹ nhà tái định cư của các chủ đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách cũng sẽ giúp TP chủ động hơn.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *