Tập đoàn kinh tế giữ ổn định kinh tế vĩ mô ĐB ĐB Quốc hội nhất trí đánh giá cao vai trò, đóng góp quan trọng của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đối với nền kinh tế, giải quyết một số vấn đề xã hội, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá khách quan một cách sâu sắc hơn giữa lợi thế của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước với kết quả, hiệu quả đạt được cũng như các hạn chế, tồn tại của các tổ chức này trong thời gian qua. Đánh giá hiệu quả hoạt động của Tập đoàn, TCty Nhà nước cần xem xét toàn diện giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội. Góp phần ổn định vĩ mô về kinh tế là rất quan trọng, nhưng xét về hiệu quả kinh tế ngoài chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, cần xem thêm chỉ tiêu lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư kinh doanh, trong tỷ trọng vốn nhà nước và vốn vay; trong quan hệ tỷ lệ nợ phải thu và nợ phải trả, hệ số an toàn vốn phải được phân biệt ở từng ngành, từng lĩnh vực. phải có tiêu chí đồng bộ, rõ ràng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước trong đó có các Tập đoàn, TCty Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, trong quá trình triển khai, sắp xếp cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, chúng ta đã đạt được một số kết quả cũng như từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách. Các doanh nghiệp Nhà nước trong quá trình chuyển đổi vừa phải tiếp tục sản xuất kinh doanh, vừa tiến hành chuyển đổi cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Đặc biệt trong năm 2008 và 2009 vừa phải chống lạm phát, vừa phải chống suy giảm kinh tế thì vai trò của doanh nghiệp Nhà nước đã được thể hiện rõ, dưới sự điều hành của Chính phủ như: Tập đoàn Điện lực, Hàng không, Bưu chính Viễn thông… không được tăng giá; giá bán than của ngành Than cho 4 hộ (điện, xi măng, phân bón, giấy) vẫn dưới giá thành; Tổng công ty Lương thực mua gạo tạm trữ, giữ giá thành cho nông dân thì Nhà nước cũng phải bù lỗ… trong thời kỳ khủng hoảng thì hầu hết các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã cam kết với Chính phủ không sa thải công nhân…
Xử lý một số Tập đoàn, Tcty thua lỗ
Báo cáo giám sát của UBTVQH chỉ ra rằng, có những TCty càng kinh doanh càng lỗ, số lỗ năm sau cao hơn năm trước. TCty Dâu tằm tơ lỗ lũy kế đến 31.12.2007 là 59,78 tỉ đồng (phát sinh lỗ 301 triệu đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 61,28 tỉ đồng (lỗ phát sinh 1,75 tỉ đồng). TCty Cà phê lỗ lũy kế đến 31.12.2006 là 589,68 tỉ đồng (phát sinh lỗ 16,14 tỉ đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2008 là 482,53 tỉ đồng (lỗ phát sinh 19,04 tỉ đồng)… ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, chiếm tới 60% tổng lượng cho vay của các ngân hàng thương mại, kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền, trong đó có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản nhưng các TĐ, TCty chỉ đóng góp 40% GDp là chưa tương xứng. Theo kết quả giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, chỉ có 35/91 TĐ, TCty có tỷ suất lợi nhuận trên 15%, nhưng ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng ngay cả với mức lãi này cũng không thể gọi là cao được, so với những lợi thế vô cùng lớn mà Nhà nước ưu ái. Bỏ qua các lợi thế về tài nguyên, đất đai, chỉ riêng chuyện đi vay vốn thôi thì “không có đơn vị nào đi vay tiền dễ bằng các TĐ, TCty” – ông Xuân nói. ĐB Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình), sở dĩ có những tồn tại, bất cập tại các Tập đoàn, TCty Nhà nước là vì môi trường pháp lý của chúng ta có nhiều vấn đề chưa phù hợp, không đồng bộ, bất cập. Chúng ta chưa làm rõ vị trí của các Tập đoàn, TCty này về phần trách nhiệm xã hội, cũng như phần kinh doanh của họ… Theo ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) thì: “phải giải quyết dứt điểm các đơn vị thua lỗ triền miên kể cả về tổ chức, kể cả về các cá nhân”. ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) tiếp: “Để càng lâu thì tài sản Nhà nước càng thất thoát, thua lỗ càng nhiều thêm, quyền lợi của người lao động, của các công ty đối tác… bị ảnh hưởng, trong khi đó trách nhiệm của những người làm ra thua lỗ này ngày một mờ nhạt đi và nhiều người đã hạ cánh an toàn”. Các đại biểu Quốc hội thống nhất đề nghị trong thời gian tới, cần xử lý dứt điểm một số Tập đoàn, Tổng công ty lỗ lớn, khéo dài, không khắc phục được. Nếu cần cho phá sản và xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý đúng theo pháp luật. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách Chính phủ cũng cần nghiên cứu một đầu mối chủ trì quản lý, theo dõi, kiểm soát vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nhà nước. phân cấp rõ ràng giữa các Bộ, ngành với nhau, giữa các bộ ngành trung ương và địa phương về cả quyền và trách nhiệm trong quản lý nhà nước về vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Cần có quy định của pháp luật và phải thực hiện đúng trên thực tế các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở các tiêu chí được xác định rõ ràng.Để Tập đoàn, TCty Nhà nước hoạt động hiệu quả các ĐB cho rằng cần đổi mới nhiều khâu, nhiều lĩnh vực và đặc biệt lưu ý vấn đề lựa chọn nhân sự lãnh đạo vì đây là đối tượng thay mặt nhà nước quản lý, sử dụng nguồn vốn nhà nước. Tiếp tục rà soát, chỉ đạo kiên quyết đổi mới, sắp xếp cổ phần hoá Cty nhà nước. Quá trình sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cần chú ý đến các nhân tố cấu thành giá trị của doanh nghiệp và gắn với việc phát triển thị trường vốn trung và dài hạn, đảm bảo không để thất thoát vốn nhà nước, đảm bảo doanh nghiệp nhà nước phát triển mang tính ổn định, lâu dài.
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh hiện Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện các cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có việc hoàn thiện mô hình Tập đoàn kinh tế và ban hành Nghị định về Tập đoàn kinh tế; sửa đổi, bổ sung Nghị định 109 về cổ phần hoá, các quy định liên quan đến chế độ đại diện chủ sở hữu, cơ chế tiền lương và chính sách bán cho nhà đầu tư chiến lược, cho người lao động…; xây dựng Nghị định về đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại doan nghiệp và tiến đến việc trình Quốc hội ban hành luật về đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước và doanh nghiệp.
|
Tập đoàn, TCy Nhà nước làm ăn thua lỗ: Phải xử lý nghiêm khắc
1