Trang chủ » Nghĩ từ Festival lúa gạo

Nghĩ từ Festival lúa gạo

bởi Kien Truc - Kientruc.vn

1 Sau nhiều những Festival (liên hoan): Festival Cà-phê, Festival trà, Festival hoa, Festival điều… thì rồi cũng đến lượt Festival lúa gạo.

Vậy là cây lúa đã được tôn vinh!

Dù hơi muộn so với nhiều nghìn năm gắn bó với người Việt!

Và có gì đó hơi tủi thân, hơi xót xa nếu tính đến sự gắn bó, đến đóng góp của cây lúa với dân mình.
Nhưng không sao! Vì lúa là cây mẹ. Lúa đã là văn minh Việt. Là biểu tượng cho nghề nông Việt Nam.

Xin cám ơn người Hậu Giang đã có sáng kiến này để chính thức hóa vị thế cho cây lúa.

2 Hiện Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới, năm 2008 xuất khẩu 5 triệu tấn, năm 2009 có khả năng xuất khẩu đến 6 triệu tấn. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn tiếp diễn, gạo xuất khẩu giá thấp, thị trường không ổn định làm cho đời sống người nông dân còn lắm khó khăn. Ngoài ra, việc giới thiệu tiềm năng thế mạnh về sản xuất lúa gạo cũng như xây dựng và quảng bá thương hiệu lúa gạo Việt Nam ở thị trường thế giới chưa tương xứng với thực tại.

Ðể lúa gạo Việt Nam phát triển xứng tầm ở thị trường trong nước lẫn quốc tế, thì đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Hơn hết, cần tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện gặp gỡ, giao lưu giữa nhà sản xuất và nhà tiêu dùng hay nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu để tiến tới hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết.

Ông Nguyễn phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang bảo rằng: Festival lúa gạo Việt Nam, ngoài việc nhằm tôn vinh nền văn minh lúa nước, tiềm năng, thế mạnh sản xuất và xuất khẩu lúa gạo Việt Nam trên trường quốc tế, thúc đẩy sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng giao thương buôn bán, xuất khẩu lúa gạo, xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam; là chiếc cầu nối cho những suy nghĩ, sáng kiến và những ước mơ cho lúa gạo Việt Nam thăng hoa… thì Festival còn cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 của BCH trung ương Ðảng khóa X về vấn đề “Tam nông” (nông nghiệp, nông dân và nông thôn).

3 Lại nói về “Tam nông”, tại Festival, bên dòng Xà No, có một lão nông đã tâm sự rằng: “Tui không nắm rõ lắm nghị quyết về Tam nông, nhưng tui nghĩ nói gì thì nói quan trọng là làm thay đổi đời sống của nông dân… Việc Nhà nước đầu tư hơn nghìn tỷ đồng để làm bờ kè Xà No, đã giúp cải thiện đời sống nông dân, thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn của miền Hậu Giang, đó chính là Tam nông! Nhưng vẫn chưa đủ. Bây giờ nỗi khổ của nông dân không phải là không đất, chỉ cấy được mỗi năm một vụ lúa mà khổ vì làm ra nhiều lúa gạo trên cánh đồng vàng mà luôn bị ép giá, mua rẻ”.

Lời tâm sự giản dị ấy chính là tâm nguyện của người nông dân Việt Nam, niềm mong mỏi của người dân với Đảng, với Nhà nước.

Và người dân thực sự trông chờ sự thăng hoa của lúa gạo Việt Nam từ sau Festival này!

Nhưng, để có được điều đó, nó đòi hỏi phải có những hành động cụ thể và thiết thực chứ không phải là những lời hứa, những “khẳng định miệng” đầy ngẫu hứng tại Festival.

Có thể bạn cũng thích

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.