Không gian công cộng của Hà Nội và Tp.HCM không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của cộng đồng dân cư. Không gian công cộng là không gian trống ngoài trời, dành cho các hoạt động của nhiều người, là những không gian mở, một phần của cấu trúc đô thị, nếu kết hợp tốt với việc tổ chức không gian cây xanh, mặt nước sẽ tạo thành những “khoảng thở” cho đô thị, góp phần tái tạo môi trường đô thị vốn đang chật chội.
Thiếu về số lượng – Yếu về cấp độ Đến nay Hà Nội mới có 4 quảng trường được đặt tên chính thức, đó là: Quảng trường Cách mạng Tháng 8 (khu vực Nhà hát lớn, Q.Hoàn Kiếm); Quảng trường Lao động 1/5 (khu vực Cung Hữu nghị Hà Nội, Q.Hoàn Kiếm); Quảng trường Ba Đình (Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Q.Ba Đình) và Quảng trường Mỹ Đình (Khu liên hiệp tdTT Mỹ Đình, huyện Từ Liêm). Như vậy, quảng trường không chỉ thiếu mà còn phân bổ không đều: 3/14 quận, huyện (trước mở rộng). Không những thế, các không gian dạng quảng trường này lại là không gian sinh hoạt công cộng không thường xuyên, chủ yếu phục vụ lễ hội, sự kiện lớn cấp độ trung ương và thành phố. Ở Hà Nội, ngoài khu Ba Đình với chức năng trung tâm chính trị (cấp độ trung ương) thì 3 quảng trường còn lại cộng với các không gian trống khác vẫn chưa tạo dựng được chức năng riêng, kể cả khu Mỹ Đình dù nằm trong khu tdTT quốc gia. Các không gian công cộng trong khu ở cũng đang dần bị lấn át bởi xây dựng và lấn chiếm. trước đây, kinh tế tập trung, quy hoạch mang tính chỉ đạo, bản vẽ quy hoạch xác định chức năng, khu ở tại vị trí nào thì người dân phải theo và chấp nhận. May sao là thời kỳ đó, dân số ít, các chỉ tiêu lại được tính “dư dả” do theo Quy chuẩn các nước XHCN nên trong các khu tập thể cũ đã có những không gian công cộng, đủ phân khu với các loại hình tĩnh – động. Nhưng những khoảng không gian quý giá này theo thời gian cũng nhanh chóng biến mất, trở thành khu ở trước sự bất lực về quản lý của chính quyền các cấp qua nhiều thời kỳ. Bước vào thời kỳ đổi mới, các thành phần kinh tế tham gia quy hoạch, đầu tư xây dựng, quan niệm và cách thức làm quy hoạch cũng khác nhưng chủ yếu quan tâm đến lợi ích của chủ đầu tư, tập trung khai thác xây dựng nhà ở kinh doanh thu lợi nhuận nhanh chóng, hoặc có chăng đầu tư không gian công cộng mới chỉ dừng ở một tuyến đường trục chính, có hè rộng, sân vườn làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng của cả khu ở, chứ chưa đầy đủ các loại hình, công trình để đáp ứng nhu cầu hoạt động. Nhiều khu đô thị mới, dù thừa cơ cấu dân số của đơn vị phường nhưng lại không có đủ các thiết yếu cấu trúc như hành chính, không gian sinh hoạt cộng đồng: nhà văn hoá, thư viện, khu cây xanh tdTT… đặc biệt là đối với các công trình xây xen cấy. Sự không rõ ràng về cấp độ, quy mô trong hệ thống, đã làm cho không gian công cộng tại hầu hết các đô thị của Việt Nam vốn đã thiếu về lượng lại càng yếu về chất sử dụng và không phân bổ có hệ thống, cấp độ.
Bị coi nhẹ Có thể thấy, đô thị hóa và công nghiệp hóa các Tp thời gian qua phát triển nhanh chưa từng thấy. trong hai mươi năm đô thị phát triển hơn cả mấy thế kỷ trước gộp lại. Với một quốc gia hầu như chưa có truyền thống văn hóa đô thị như Việt Nam thì đây là một bước ngoặt, thay đổi hoàn toàn lối sống, môi trường sống và các mối quan hệ của con người, thách thức mọi tính toán và dự đoán. Tiếc rằng không gian công cộng bị coi nhẹ, gần như không có mặt trong các quy hoạch. Tỷ lệ diện tích dành cho cây xanh, cơ sở hạ tầng quá thấp và tỷ lệ dành cho không gian văn hóa gần như bằng 0 (không)! Sự thực dụng tưởng như mang lại hiệu quả kinh tế thì lại gây tác hại to lớn về kinh tế, đặt ra những vấn đề môi trường không biết tới bao giờ mới giải quyết nổi. Đồng thời sự thiếu vắng các không gian công cộng quay lại làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng sống, một lần nữa làm cho tăng trưởng mang các giá trị âm. Không gian công cộng ở các đô thị Việt Nam hiện không có tổ chức, bị thương mại hóa và lấn chiếm trái phép. Nhu cầu lớn về nơi ở, sản xuất, buôn bán của người dân đô thị trong một quỹ đất ít ỏi, không có khả năng mở rộng đang càng khiến đô thị trở lên ngột ngạt hơn. Xu hướng xã hội hóa (thực chất là tư nhân hóa, không kiểm soát) các không gian công cộng tuy hiệu quả kinh tế, giảm đầu tư từ Nhà nước nhưng tiềm ẩn sự phân hóa sử dụng xã hội và sự phá hỏng cấu trúc cảnh quan, quy hoạch đô thị mà việc xây khách sạn trong Công viên Thống Nhất (ở Hà Nội) vừa qua là một ví dụ. Mỗi khu vực không gian công cộng hiện nay lại đang bị vây quanh bởi hệ thống dịch vụ tự phát, tạm bợ cả lề lối đến hình thức. Đó là chưa kể đến hiện tượng các nhà ở tạm rồi dần xây dựng kiên cố mà điển hình là các khu vực quanh đền chùa, miếu mạo.
phải bắt đầu từ quy hoạch Quy hoạch là đem đến sự tiện ích cho cộng đồng. Vì vậy, nghiên cứu, thiết kế quy hoạch, thiết kế đô thị trên cơ sở phân loại cấp độ, chức năng sử dụng của các không gian công cộng là yêu cầu không thể thiếu. trước mắt, tại các đô thị lớn, cần nhanh chóng đề xuất quy hoạch mạng lưới hệ thống quảng trường kết nối với các không gian công cộng trong các khu đô thị mới. Xây dựng các trung tâm mới góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá phát triển theo hướng bền vững; việc phân tán này cũng góp phần tránh tập trung quá tải vào các không gian công cộng trong các trung tâm cũ vào những ngày lễ hội lớn. Cũng cần đưa vào trong quy định tiêu chuẩn thiết kế, bắt buộc phải có đối với các KĐT, khu ở mới. Hiện mới chỉ là các tuyến đường giữa, không có một không gian, một công trình dịch vụ kèm theo (nhiều khu đô thị không có lấy một khu vệ sinh công cộng nào). Kết nối các không gian công cộng để tập thể dục, thưởng ngoạn, nghỉ ngơi trong từng khu đô thị mới như một tiêu chí bắt buộc, bất kể đó là loại hình nhà ở nà chính sách, xã hội hay tái định cư, cao cấp vì tất cả đều phục vụ cho con người. phải có chế tài, kiểm tra, có cơ chế bắt buộc chủ đầu tư khi xây dựng các khu đô thị mới phải triển khai đồng bộ việc xây dựng các khu công cộng, hạ tầng kỹ thuật trước các khu ở. Qua kinh nghiệm thực tế ở các nước phát triển, nếu khu dân cư có các cơ sở công cộng thuận tiện, môi trường cảnh quan cây xanh tốt thì lại càng thu hút dân cư đến sinh sống và giá trị của khu đất được nhân lên rất nhiều. Các khu trung tâm phải được mở hàng rào để mở rộng không gian cảm thụ thẩm mỹ và để chứng minh sự vì cái chung của đô thị. phá bỏ hàng rào các công viên như cách làm của Tp.HCM để con người, cư dân cộng đồng được dễ dàng tiếp cận không gian thiên nhiên và tham gia trách nhiệm trong bảo vệ, ngăn ngừa tội phạm, tệ nạn. Đó cũng là cách đưa không gian vỉa hè, công trình tham gia vào các không gian công cộng chung, giải quyết các dịch vụ (có tổ chức). |
Thiếu không gian công cộng – suy giảm chất lượng sống
2