Chỉ là chợ bán ở ngoài trời, nhưng là văn hóa, là mặt sau và phần nào phản ánh chân thực cuộc sống người lao động pháp.
Chợ ở đây không phải là những cửa hàng siêu thị choáng lộn ánh đèn với hàng két i nốc bóng bẩy và các máy tính hiện đại, với những cầu thang máy xoáy tròn chóng mặt, đầy chặt các loại hàng được xếp ngăn nắp thứ tự, đẹp mắt để cho người ta có một hình ảnh về một đất nước văn minh, giàu có mà là chợ trời. Ở pháp có ba kiểu bán chợ trời chủ yếu: một là chợ trời bán đều đặn tối đa một tuần ba buổi sáng vào những địa điểm nhất định. Ở đây có rau quả, thực phẩm và các loại hàng hóa mới. Những người bán chợ này là người bán hàng chuyên nghiệp, phải trả tiền mua chỗ cố định cho cả năm và khai thuế thu nhập.
Kiểu thứ hai là chợ bán “brocante”: đa số là chuyên bán đồ cũ, đồ cổ, có pha trộn các hàng hóa mới, không được phép bày bán thực phẩm, tại những địa điểm cố định vào mỗi chủ nhật hoặc các địa điểm khác nhau tùy theo lịch tổ chức của các thành phố, các vùng, một năm vài lần. Người bán cũng là những người chuyên nghiệp, phải ít nhiều khai thu nhập và đóng thuế chính thức. Những ai đã từng sang pháp học đều biết đến hai chợ trời nổi tiếng: Montreuil và Clichy. Hàng hóa ở đây nếu là mới thì thường được nhập “chui”, có giá rẻ hơn trong siêu thị, hay nếu là đồ hiệu thì đa số là đồ giả. Còn nếu là đồ cũ, đồ cổ thì là đồ mua đi, bán lại, giá bán phụ thuộc vào giá họ mua vào. Kẻ trộm cũng hay mang đồ ra đây bán lại cho các chủ quầy và thông thường muốn giải quyết món hàng không trong sạch nhanh chóng đều chấp nhận bán giá rẻ.
Kiểu thứ ba là kiểu bán “vide greniers” (dọn kho): được chính phủ cho phép tổ chức một năm hai lần vào một ngày chủ nhật, với mục đích để cho dân chúng bán đồ cũ không dùng tới nữa trong nhà, tiền thu được hoàn toàn không phải đóng thuế. Đi chợ kiểu này vô cùng thú vị với vô số những phát hiện bất ngờ về các đồ vật mà ta đang tìm kiếm hay ưa thích với giá rẻ đặc biệt: một chiếc bình cổ, một bức tranh, một cuốn sách có dấu tích của các nhà văn tên tuổi, một tấm thiệp in hình thành phố quê hương của những năm pháp thuộc… Người ta bán cả những quà tặng mà họ không dùng tới. Các ông bà cụ ở nhà buồn nên họ coi như đây là một lễ hội, cũng đặt một quầy nhỏ, bán những thứ đồ của mấy đời để lại. Thôi thì đủ thứ thập cẩm, đồ quý, hay đồ đồng nát, đồ chơi, quần áo của trẻ em lan tràn, đồ cũ mới lẫn lộn, bình lọ, đèn, tranh, khung, sách, đủ loại sưu tập, chân mắt búp bê, giường ghế, nồi niêu bát đĩa, đèn bạc, xô đồng… đa số giá 0,5 hay 1 euros, lên đến 5 euros là không ai muốn mua vì những ai đã ra đây thì chỉ để tìm mua đồ rẻ. Do không phải đóng thuế nên hình thức bán “dọn kho” này được ưa chuộng hơn cả.
pháp cũng là một nước có hệ thống theo dõi thu nhập rất chặt chẽ. Chủ trả lương đã khai số tiền họ trả cho sở thuế, người lao động khai số tiền họ thu nhập được, lương được chuyển khoản thẳng vào ngân hàng, nếu ba số không trùng nhau sẽ bị coi là có vấn đề. Một khoản tiền nhỏ chuyển vào tài khoản thì không bị để ý, nhưng hơi lớn một chút hoặc đều đặn thường không thoát đi đâu. Ngoài đồng lương chính thức ra, người lao động pháp dù muốn cũng khó có thể làm ăn gian lận gì. Rất nhiều người đã tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng hình thức bán chợ trời, từ vài năm nay trở nên rất phổ biến. Bán hết đồ trong nhà, họ đi mua đồ của các chợ “vide grenier” khác về bán. Người ta ghi tên bán ở vùng mình ở, nhờ bạn bè gia đình ghi tên bán ở những vùng lân cận hoặc chịu trả tiền cao để có một quầy bán ở những nơi khác. Giá dành cho người bán trong vùng là 8 – 10 euros một mét chỗ, người không phải vùng đó thì trả gấp đôi. Đa số họ đều có công ăn việc làm ổn định trong tuần. Người pháp không xấu hổ khi kể với đồng nghiệp ngày chủ nhật hôm qua đã phơi mặt đứng bán chợ trời, trừ những người “làm nghề gì ăn nghề nấy”, có nghĩa là mang bán những đồ thải ra hay lấy được của cơ quan: đồ văn phòng phẩm, mỹ phẩm, sách, đồ chơi trẻ em…
Do đòi hỏi của công việc nên tôi có thời gian ở nhiều Cty thuộc các ngành nghề khác nhau. Tôi thường hay được chứng kiến các nhân viên cả nam lẫn nữ kháo nhau trước máy cà phê, ghi chép lịch bán chợ các nơi, hay mỗi chiều thứ sáu trước khi về hẹn hò bán chung quầy sáng chủ nhật tới, mỗi sáng thứ hai vừa kể vừa khúc khích cười về chuyện bán lời bán lãi được món nọ đồ kia hay đứng đấm lưng thùm thụp cho nhau (vì đứng cả ngày đau lưng) trước khi ai về phòng nấy. “Nhóm chúng tôi năm người cùng làm chung trong xưởng chuyên về đúc đồng. Những đồ ở đây: chân đèn, lọ hoa, khung tranh… đều do chúng tôi tự vẽ và làm lấy. Tôi sắp có em bé, cần phải có thêm một khoản để sửa lại một phòng, cậu này sắp mua xe mới, cậu kia muốn hè này đi du lịch ở Úc, thằng này thì chỉ muốn vui vì nó nhiều tiền rồi… Chúng tôi rủ nhau đi bán khắp các chợ vide grenier ở vùng ngoại ô 94 này. Chúng tôi đăng ký mười mét. Một lần bán được gần 900 euros, sau khi trả tiền chỗ và ăn uống, tiền thuê xe xong chúng tôi chia đều” – một cậu thanh niên kể. phía bên kia đường là một phụ nữ đứng tuổi, ăn mặc khá sang trọng, đang kể về nội dung của một cuốn sách nào đó chị muốn bán với giá hai euros bằng giọng nói đầy hấp dẫn. Cuốn sách còn mới nguyên. Những cuốn khác trên bàn cũng phát hành chưa lâu, đa số có ghi đề tặng. Người mua trả lại chị cuốn sách cười cười “một euros được không?”. Chị rụt rè lắc đầu nhưng rồi cũng cúi xuống lấy cái túi ni lông cho cuốn sách vào đưa cho khách. Tôi nghĩ chị làm ở một tòa soạn nào đó.
Ở góc phố, có ông cụ trải một chiếc khăn rộng dưới đất chỉ để bày bán một chiếc áo vét cũ, một cái mũ thời xa xưa, đôi giày và chiếc thắt lưng. Người quản lý chợ chẳng nỡ lấy tiền chỗ của cụ. Thảo nào trông cụ thong dong thế, ngả dài người gối đầu lên viên đá, bật cái radio sắt gỉ léo nhéo, chân rung rung theo nhạc… Từ bốn giờ sáng, những đoàn xe chồng chất đồ đạc giống như xe dọn nhà xếp hàng rồng rắn trước các điểm bán để chờ lấy chỗ. trời còn tối đen. Mỗi gia đình đặt một bàn nhỏ trong phạm vi hai đến bốn mét của mình, trải một chiếc khăn bàn và bắt đầu dọn “hàng” ra, tay không ngừng lau chùi hơi sương chớm lạnh của mùa đông đang làm ướt dần những món đồ mới xếp, chân buốt cóng tê dại như muốn khụy xuống khi phải đứng lâu một chỗ. Mùi cà phê, thuốc lá, xì gà nồng nặc, dù trời đổ mưa rào phải đứng co ro dưới những cái dù nghiêng ngả trong gió, ít ai trong số họ dọn hàng về. Đơn giản là vì họ đã trả tiền thuê chỗ. Vãn chợ, người ta chất đồ không bán hết lên xe, mệt mỏi hò hét quát khách qua lại dẹp đường cho xe chạy. Ta lại chứng kiến một cảnh khác: nhiều gia đình từ đâu đổ ra, đi lục lọi lượm nhặt trên hè đường, cạnh các thùng rác. Đâu đó có tiếng reo vui của trẻ con: một con búp bê gãy chân, một con gấu chột mắt… Mưa đổ… mùi ẩm mốc… đâu có sao khi những đứa trẻ tìm được niềm vui, dù trong rác. Chợ trời trong công viên tremblay nằm ở Champigny, ngoại ô paris có một luật riêng không giống các chợ kể trên, được bảo vệ bằng một thế lực vô hình. Chợ chỉ họp một lần vào thứ bảy đầu tiên của mỗi tháng, đa số bán những đồ được gọi là đồ “rớt cam nhông”: máy móc đồ điện, máy vi tính, túi xách, thắt lưng, kính, quần áo, mỹ phẩm, nước hoa… đa số là những đồ nhãn hiệu nổi tiếng và có thể nói chỉ có đồ thật. Người mua là những người sành điệu, chuyên nghiệp, ở các tỉnh xa tới mua về bán lại. Họ mang theo kính lúp để soi tìm dấu hoặc số série sau các đồ nữ trang hiệu, có catalogue để so sánh thật giả. Cả một chiếc bàn lớn này chỉ để bán mấy con búp bê thôi ư? Không đâu, bạn có thể hỏi bà “có gì đặc biệt không?”. Một chiếc hòm nhỏ sẽ được kéo ra từ dưới gầm bàn lấp ló chồng túi “xịn” vẫn còn đính nguyên những mẩu nhựa cứng in mã vạch và tên của các cửa hàng lớn nhất paris. Mỗi tháng Năm, khi những tia nắng ấm áp xuất hiện cũng là lúc mùa “dọn kho” lại đến. Năm nay người có nhu cầu “dọn kho” đông hơn và người đi tìm mua đồ cần dùng bằng chiếc ví tiền xu lẻ cũng tấp nập hơn. Chợ trời pháp dường như mang thêm cả nỗi ám ảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. paris tháng 12/2009 |
Chợ trời nước Pháp
0
Bài trước