Dự án đường vành đai 4 và 5 của Hà Nội đang được xem xét chủ trương triển khai với quy mô lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp với quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô.
Theo báo cáo của cơ quan tư vấn, Vành đai 4 được coi là vành đai cao tốc của Vùng Thủ đô, có chiều dài 135,8km, có điểm đầu tại đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai, qua Khu đô thị Mê Linh, tới Đan phượng, Chúc Sơn, Thường Tín và Như Quỳnh (Hưng Yên) nối với Quốc lộ 18 tại Đông Sơn (Bắc Ninh). Quy mô vành đai 4 gồm đường cao tốc 6 làn xe, tương đương với đường Láng Hòa Lạc hiện tại, cùng 3 cầu gồm cầu Hồng Hà qua sông Hồng, cầu Mễ Sở, cầu qua sông Đuống, các nút giao cắt lập thể. Tổng mức đầu tư Dự án khoảng 50.700 tỷ đồng, chiếm 1.280 ha đất. Vành đai 5 được coi là đường vành đai tiếp cận vùng, dự kiến chiều dài 335km, quy mô đường cấp I và cấp II, đi qua 8 tỉnh thành phố và có vai trò là đường thuộc mạng lưới giao thông quốc gia liên kết các khu vực, đô thị trung tâm xung quanh Thủ đô. Hiện cơ quan tư vấn đang triển khai lập báo cáo dự án đầu tư. Đây là 2 dự án quy mô lớn và đóng vai trò quan trọng tạo hệ thống giao thông đồng bộ, phù hợp với quy hoạch điều chỉnh vùng Thủ đô. Vì vậy, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phải đẩy sớm việc lập dự án, thiết kế để phân kỳ đầu tư, tách các dự án thành phần để xem xét, tận dụng các nguồn vốn. Lưu ý phương án giải phóng mặt bằng, tiến độ triển khai cho phù hợp với sự phát triển và nhu cầu của Thủ đô mở rộng. Thống nhất chia thành 3 dự án thành phần, giao cho các địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất mô hình huy động vốn triển khai. Việc triển khai Vành đai 4 theo hướng chủ đạo đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, kết hợp giãn mật độ cơ sở y tế, trường học, dân cư, giảm sức ép nội đô. Đối với Dự án Vành đai 5, cơ quan tư vấn trong năm nay thực hiện thỏa thuận hướng tuyến với các địa phương để cuối năm hoàn thành báo cáo khả thi trình cấp thẩm quyền xem xét chủ trương đầu tư./. |
Hà Nội xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ
6