Hiện cả nước có 20 dự án nạo vét khơi thông luồng lạch có tận thu cát nhiễm mặn đã triển khai trước ngày 16/11/2009 tập trung tại 10 tỉnh từ Quảng Ninh đến Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng khối lượng cần nạo vét 129.332.000 m3, trong đó nhu cầu xuất khẩu cát nhiễm mặn là 123.519.000 m3 (chi tiết tại phụ lục 1). Theo Vụ VLXD, tình hình triển khai các dự án khơi thông luồng lạch có tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu sau ngày 16/11/2009 gặp rất nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan do thời tiết không thuận lợi từ cuối tháng 11/2009 đến tháng 3/2010. Miền Bắc ảnh hưởng gió mùa đông bắc. Miền trung bị ảnh hưởng của mùa gió chướng việc tổ chức nạo vét, vận chuyển bằng phương tiện tàu thuyền ở cửa sông và ngoài biển gặp nhiều khó khăn. Hợp đồng xuất khẩu cát nhiễm mặn tại một số dự án bị đối tác hủy bỏ vì lý do đối tác đưa ra là chính sách xuất khẩu cát của Việt Nam chưa ổn định. Ngoài ra thủ tục triển khai từ khi dự án được phê duyệt đến lúc triển khai nạo vét còn nhiều thủ tục, đặc biệt nguyên nhân chính gây chậm trễ là do chủ đầu tư vướng mắc trong các khâu thỏa thuận với chính quyền và nhân dân địa phương như: việc xây kè chống sạt lở, bảo vệ môi trường…. nên đến nay nhiều dự án vẫn chưa triển khai được.
Tất cả các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu triển khai với tiến độ rất chậm. Một số dự án, chủ đầu tư đã phải tạm thời dừng triển khai vì chưa tìm được đối tác xuất khẩu hoặc một số nơi dự án đã triển khai nạo vét, khối lượng cát nhiễm mặn nạo vét lên do chưa xuất khẩu được phải chứa tại những khu vực bãi chứa với diện tích hàng chục hécta (ha), gây tốn kém cho nhà đầu tư và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xung quanh, có nguy cơ tái bồi lấp trở lại. Mặt khác, các đơn vị triển khai hiện nay đã đầu tư một lượng lớn kinh phí để mua sắm thiết bị phương tiện. phần lớn các chủ đầu tư từ khi triển khai dự án tới nay đang gặp nhiều khó khăn do đã đầu tư hàng tỷ đồng vào việc xây kè chắn sóng, đập ngăn nước mặn, làm đường cho địa phương, mua sắm phương tiện nạo vét cát, nhưng đến nay vẫn chưa xuất khẩu được cát nhiễm mặn tận thu. Tới thời điểm hiện nay, điều kiện thời tiết cho phép tàu thuyền có thể thực hiện việc thi công nạo vét, khơi thông thì do thời hạn được phép xuất khẩu cát nhiễm mặn còn rất ngắn nên các chủ phương tiện không mạnh dạn đưa các phương tiện, thiết bị vào vì lo không đủ thời gian và khối lượng xuất khẩu để bù đắp chi phí Quan điểm của Bộ Giao thông vận tải: Nhu cầu các dự án thuộc Bộ quản lý trên toàn quốc đối với việc nạo vét, khơi thông các tuyến luồng tầu biển mỗi năm là 6,5 triệu m3 (chi tiết tại phụ lục 3). Bộ Giao thông vận tải cơ bản đồng tình với chủ trương kiến nghị cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu trong quá trình nạo vét, khơi thông luồng lạch ở các cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển sau ngày 30/6/2010 nhằm mục tiêu giảm vốn đầu tư bố trí từ ngân sách hàng năm (nguồn vốn này chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu nạo vét trên), đảm bảo an toàn giao thông đường sông, hàng hải v.v… Việc thu hút vốn để nạo vét, khơi thông luồng lạch cũng là một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ tại Quyết định số 202/1999/QĐ-TTg ngày 12/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2010 và Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06/8/2008 của Bộ Giao giao thông vận tải về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch tổng thể phát triển Giao thông vận tải đường thủy, nội địa đến năm 2020 với những mục tiêu đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, hệ thống cảng biển. Nhà nước tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp và bảo trì luồng tuyến, tham gia đầu tư các cảng đầu mối quan trọng cùng với các doanh nghiệp. Y kiến của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn: đồng tình với chủ trương kiến nghị cho phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu trong quá trình nạo vét, khơi thông luồng lạch ở các cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển sau ngày 30/6/2010 với mục tiêu giải quyết bài toán vốn đầu tư thực hiện các dự án cảng phục vụ cho ngành thủy sản, các khu neo đậu tầu thuyền phòng chống bão, lũ hàng năm v.v… Việc thu hút vốn để nạo vét, khơi thông luồng lạch cũng là một trong những giải pháp để thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao tại các Quyết định số 346/QĐ-TTg ngày 15/3/2010 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 288/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường: cơ bản nhất trí đồng tình với nhận định đánh giá sự cần thiết phải thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch ở các cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển trước những nhu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng không nên cho phép tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu vì Việt Nam trong tương lai chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng cao rất nặng nề, có thể gây ngập úng nghiêm trọng nhiều nơi. Việc lấp trũng, nâng cao địa hình là vấn đề cấp thiết trong tương lai và cần rất nhiều vật liệu san lấp trong đó có cát nhiễm mặn. Các địa phương kiến nghị: 20 dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch được phê duyệt trước thời điểm 16/11/2009 có đủ điều kiện xuất khẩu cát nhiễm mặn theo yêu cầu tại văn bản số 8167/VpCp-KTN ngày 16/11/2009 của Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, còn có 25 dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển với nhu cầu khối lượng cần nạo vét là 148.484.000 m3 và đề nghị cho xuất khẩu 144.430.000 m3 trong giai đoạn 2010-2015 vì chưa có nhu cầu sử dụng trong nước tại 12 tỉnh, trong đó có 2 dự án đã được Bộ Xây dựng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính cho phép thực hiện dự án nạo vét, thông luồng tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu tại Quảng Ngãi và đảo phú Quốc tỉnh Kiên Giang. Đồng thời, các địa phương hiện có các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch có tận thu cát nhiễm mặn đều kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ việc nạo vét, khơi thông luồng lạch, ngoại trừ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu không cho phép xuất khẩu mà để bổ sung vào nguồn cát san lấp mặt bằng trong tỉnh hiện đang có nhu cầu rất lớn. Tất cả các cửa sông, cảng biển bị cát, phù sa bồi lắng đều có nhu cầu cần thiết và đề nghị trung ương hỗ trợ tạo điều kiện để thực hiện việc nạo vét, khơi thông luồng lạch hàng năm. Tuy nhiên, đặc thù vốn đầu tư cho mỗi dự án nạo vét lớn (100-200 tỷ đồng cho 1 dự án) do đó nguồn ngân sách của trung ương và các địa phương không đáng kể nên chỉ thực hiện được một số dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các tỉnh ven biển. Vì vậy, vốn đầu tư để triển khai các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch tại các cửa sông, cảng sông giáp biển, cảng biển nêu trên chỉ huy động được từ nguồn vốn xã hội, được bù đắp khi các doanh nghiệp được phép tận thu cát nhiễm mặn xuất khẩu Bộ Xây dựng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: thống nhất với chủ trương của các Bộ Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn và kiến nghị của các địa phương. Về ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ không xuất khẩu cát nhiễm mặn tại các tỉnh còn đang có nhu cầu sử dụng cát nhiễm mặn vào việc san lấp lớn, đặc biệt là các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ và chỉ xuất khẩu cát nhiễm mặn trên địa bàn các tỉnh bị bồi lắng nhiều, không có nhu cầu sử dụng tại chỗ, chủ yếu là các tỉnh miền trung. Việc nạo vét, khơi thông luồng lạch hiện đang là vấn đề bức thiết đối với sự phát triển của các địa phương và các Bộ, Ngành. Mặt khác việc ứng phó với nước biển dâng cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có chiến lược lâu dài và các giải pháp cụ thể. |
Liên quan đến xuất khẩu cát nhiễm mặn: Các Bộ, ngành liên quan và địa phương nói gì?
4