Chủ Nhật, Tháng mười hai 22, 2024
Trang chủ » Phiếm luận với các Kiến trúc sư nhân ngày đầu năm

Phiếm luận với các Kiến trúc sư nhân ngày đầu năm

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Tôi được đào tạo về đô thị học ở philippines và xã hội học đô thị ở Liên Xô, tuy có dính dáng đến đến phát triển đô thị nhưng chắc chắn không phải là KTS. Thỉnh thoảng có viết lách tý chút, lên diễn đàn nói ba câu dăm điều về đô thị, hay giao du với dân kiến trúc đâm ra nhiều người nhầm là KTS.

 

 

Nghe họ gọi nhầm thế nhưng sướng rơn và cũng không lắc không gật, vì không học hành gì mà có người gọi thế là oách rồi. Cũng phải có nhời trước như thế để lỡ có sảy miệng thì các KTS cũng thể tất cho kẻ ngoại đạo đang đưa lời mua vui.

 

Ai cũng thừa nhận 100 KTS thì có đến 105 ông lãng mạn đến thấy sợ. Bằng chứng là nhiều vị chỉ đi có một nhoáng về là có hẳn một bản đồ quy hoạch xanh xanh đỏ đỏ rất chi là hoành tráng. Nhìn vào thấy chỗ này công viên, chỗ kia là trường học cho con nít, chỗ nọ là hồ sinh thái thấy mà ham. Mấy chục năm sau nó vẫn cứ là đất trống hoác trống huơ, hoặc có mọc lên khu dân cư thì soi kính lúp mãi chả thấy công viên đâu, thế mới thấy trí tưởng tượng của các KTS thật sáng láng.

 

Nguồn cảm hứng thiết kế từ búp sen

Mấy năm gần đây các KTS ngoại quốc đổ bộ rầm rộ vào Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, chiếm hết mất thị phần ở “chiếu trên”, đẩy các KTS quốc nội xuống “chiếu dưới”. Bất cứ toà cao ốc nào mọc lên cũng có bóng dáng của các KTS không Hàn Quốc thì Singapore, hay Mỹ…


trong lĩnh vực vẽ vời, xây cất này phải nói các KTS cả Ta lẫn Tây đều bay bổng rất mãnh liệt, nhất là trong giai đoạn hình thành ý tưởng thiết kế mà các KTS gọi là tìm concept. Nghe các KTS thuyết trình quá trình đi tìm cảm hứng mới thấy thật dày công. Nhưng có điều lạ là các cảm hứng cho sáng tác thiết kế của các KTS trong nước lại bắt đầu từ nước ngoài, còn với các KTS từ xứ khác đến xứ ta thì ngược lại. Hãy xem khi quy hoạch một khu vực hay thiết kế một toà nhà thì thế nào trong phần luận giải, KTS Việt Nam cũng chứng minh bằng được


sản phẩm của mình có “bà con” với các trường phái tên tuổi trên thế giới, là sản phẩm đích thực của Tân cổ điển hay phục hưng của ý, pháp, hay chí ít cũng là ả Rập. trong khi các KTS nước ngoài thì lại ra sức chứng minh sản phẩm của tôi tuy hiện đại nhưng lại lấy cảm hứng và nguồn gốc từ văn hoá dân tộc bản địa một trăm phần  trăm, các “tứ” của nó là từ tà áo dài tha thướt, từ cây tre trăm đốt bền bỉ mà dẻo dai, từ nón lá chịu thương chịu khó, từ cánh buồm đỏ thắm, từ búp sen, bông sen đậm đà tinh thần phật giáo từ bi bác ái, từ lá dừa nước rất chi là văn hoá Nam Bộ…

 

Ý tưởng thiết kế từ búp măng

Các thành viên hội đồng quy hoạch – kiến trúc của thành phố, các vị lãnh đạo nghe thuyết trình vừa xúc động đến nao lòng vừa cảm phục về tình yêu quê hương đất nước từ một người lạ hoắc. Nhưng (lại nhưng) chỉ có điều sản phẩm thực và nguyên bản mô phỏng sao thấy khác xa nhau quá!


Một vài năm nữa toà nhà trung tâm tài chính hơn 70 tầng mọc lên giữa quận Nhất (Tp. HCM) có tên là “Lotus Tower” (cao ốc hoa sen vì theo nhà thiết kế nó mang hình dáng của một búp sen), nhưng tôi dám quả quyết là một “Hai Lúa” của đồng bằng sông Cửu Long ngó lên mà nói nó đích thị là hoa sen hay búp sen thì dám chết liền tắp lự. Nếu nhìn kỹ thì nó có dáng của cây măng tây hay con cá dốc ngược đầu xuống đất. Tôi ngờ rằng mẫu thiết kế các toà cao ốc này nó đã có sẵn trước khi ông Lee, Ông Tae, ông Liu đến Việt Nam. Khi đến xứ này các ông chỉ có việc dạo phố zòng zòng (kiểu nói người Nam Bộ) tìm hình ảnh cây trái, con vật nào đó rồi gán ghép vào tác phẩm của mình, tiếp sau nữa là thổi vào cho nó một cái lý lịch văn hoá thật gần gũi. Ðiều này giống như ông Marx hay Engel (một trong hai ông, lâu quá chẳng nhớ nữa) có nói một con ong thợ giỏi nhất cũng không thể sánh được với một KTS tồi nhất, bởi vì trước khi bắt tay vào xây dựng thì đã có hình ảnh cái nhà trong đầu của người thiết kế rồi. Có lẽ vì thế mà thỉnh thoảng các công trình  được coi là “điểm nhấn” là “biểu tượng” ở Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội bị tố giác là anh em song sinh với cao ốc a, b, c nào đó ở KualaLumpur hay Seoul,…

 

Tà áo dài – Nguồn cảm hứng thiết kế tòa nhà Tower Isnpiration

Quả thật, một người trí tưởng tượng phong phú đến mấy cũng khó có thể tin được một toà cao ốc cao hơn 40 tầng lại được lấy cảm hứng từ 2 cái sọt của bác nông dân gánh trái cây. Cũng khó có thể nào hình dung ra được một tòa cao ốc có hình dáng uốn éo thế thế mà lại phóng tác từ các cô gái Việt Nam trong tà áo dài tha thướt. Hay một tòa nhà cao vút chọc thẳng lên trời lại mang dáng hình của một cánh buồm trong chiều sương bảng lảng và thơm mùi khói nướng cá. Nghe có vẻ hơi kỳ kỳ, nhưng xem ra có lý khi có người nói những chuyện biểu tượng văn hoá, hay sen, súng gì đó gán cho các công trình kiến trúc mà thật ra nó chả mấy ý nghĩa với dân trong nghề.


Vẫn biết sáng tác kiến trúc là chuyện đại sự, là sự kết hợp của thơ ca, nghệ thuật và kỹ thuật chỉ có một vài người được “thượng đế” tin cậy trao cho sứ mệnh lịch sử. Nhưng ý nghĩa mỹ thuật ẩn chứa bên trong sâu lắng quá đến mức hàng triệu “thảo dân” ít học không nhận ra nó là cái gì thì thấy nó làm sao ấy! Bởi lẽ, một bức tranh sáng tác đôi khi chỉ để thỏa mãn có một người, nhưng toà nhà cao to ngật ngưỡng đứng giữa trời xanh mây trắng thế kia là để cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng, xuýt xoa.

Ngày tết, bên chén rượu ngoại, đọc những dòng này xin các KTS niệm tình tha thứ!

 

You may also like

Leave a Comment

About Us

We’re a media company. We promise to tell you what’s new in the parts of modern life that matter. Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Ut elit tellus, luctus nec ullamcorper mattis, pulvinar dapibus leo. Sed consequat, leo eget bibendum sodales, augue velit.

@2022 – All Right Reserved. Designed and Developed byu00a0PenciDesign