Công suất cấp nước sạch các đô thị Việt Nam khoảng 6,7 triệu m3/ngày song lượng nước thất thoát lên đến 1,8 triệu m3/ngày (tỉ lệ thất thoát 27%). Nếu quy lượng nước thất thoát này ta tiền, với giá nước bình quân 3.000 đồng/m3 thì mỗi ngày thất thoát khoảng 5,4 tỉ đồng.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng cho biết bên lề hội thảo chống thất thoát nước sạch tại đô thị Việt Nam diễn ra tại TPHCM sáng 18/10.
Theo ông Tiến, năm 2005 tỉ lệ thất thoát nước sạch bình quân cả nước là 35%, đến năm 2009 là 30% và hiện nay là 27%. Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2015 giảm xuống còn 25% và đến năm 2025 giảm tỉ lệ thất thoát nước xuống còn 15%.
Nếu so với các nước như Singapore có tỉ lệ thất thoát nước 5%, Đan Mạch 6%, Nhật 7% thì tỉ lệ thất thoát nước tại Việt Nam còn quá cao, lãng phí lớn.
Nguyên nhân thất thoát nước còn lớn là do hệ thống đường ống cấp nước nhiều đô thị quá cũ, có nhiều tuyến ống trên 30 năm sử dụng, bị rò rỉ nước ở mức cao và có cả sự gian lận trong sử dụng nước.
Theo ông Tiến, để giảm tỉ lệ thất thoát nước 1% mỗi năm cần có nhiều tiền đầu tư. Dự báo đến năm 2015 nhu cầu nước sạch các đô thị cả nước lên đến 8,5 triệu m3/ngày và theo tính toán, tổng vốn đầu tư xây dựng và mở rộng công suất các nhà máy nước để đáp ứng nhu cầu nước sạch từ nay đến năm 2020 cần khoảng 138.500 tỉ đồng.
Đan Mạch hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậuTrao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội thảo diễn ra ngày 18/10, ông John Nielsen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam và Lào cho biết trong giai đoạn 3 năm (2012 – 2015), Chính phủ Đan Mạch tài trợ 56 triệu đô la Mỹ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm toán năng lượng tại Việt Nam. Theo ông Nielsen, trong số kinh phí tài trợ trên, có 40 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ người dân khu vực ven biển hai tỉnh Quảng Nam và Bến Tre cải tạo nơi ở, tránh bão lũ. Ngoài ra, có 15 triệu đô la Mỹ tài trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiểm toán năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả và 1 triệu đô la Mỹ lắp đặt 32 tấm pin năng lượng mặt trời tại các tỉnh ĐBSCL. Ông Nielsen cho biết hiện đang có 140 doanh nghiệp Đan Mạch, trong đó có 15% số doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, môi trường, xử lý nước tại Việt Nam. Hiện nhiều doanh nghiệp Đan Mạch tiếp tục quan tâm đầu tư vào Việt Nam ở các lĩnh vực như y tế, chế biến thực phẩm, thiết kế nội thất… |
Văn Nam (TBKTSG Online)