Khi sao đầu tư BĐS: Địa ốc không như sân cỏ








Đối với các cầu thủ siêu sao bóng đá, ngoài lương rất cao tại CLB họ còn kiếm được rất nhiều tiền từ quảng cáo. Chính vì vậy mà chuyện các ngôi sao sân cỏ dùng tiền để đầu tư vào danh mục khác là chuyện khá bình thường. Trong 5 năm qua, nhiều ngôi sao M.U cùng nhiều đồng nghiệp khác ở giải Ngoại hạng Anh đua nhau đầu tư BĐS theo bước Robbie Fowler, từng rất thành công trong lĩnh vực tay trái này.


Khi sao đầu tư BĐS: Địa ốc không như sân cỏ



Tuy nhiên với tình hình hiện nay, hầu hết các cầu thủ đều không thành công. Nhiều người mất những khoản kha khá, kể cả “ông chủ” sân Old Trafford là Ngài Alex Ferguson.



Cùng với vài chục vận động viên thể thao và ngôi sao trong giới showbiz, tiền đạo Wayne Rooney đầu tư vào khu căn hộ Aldgate và Whitechapel ở khu đông của London thông qua lời khuyên của chuyên gia tư vấn về tài chính của Cty Formation. Toàn bộ 142 căn hộ trong tòa nhà 17 tầng Whitechapel đã được bán hết 18 tháng trước cho hầu hết những nhà đầu tư cá nhân. Họ đã trả tiền hết và nhận hợp đồng, nhưng tận cuối tháng 5 tới, may ra mới được nhận nhà. Đầu tư trong hai năm không thấy lãi gì, lại nhận nhà vào thời điểm thị trường giảm, cơ hội lỗ đang lộ rõ. Số phận của tòa nhà Aldgate còn thê thảm hơn khi ngân hàng đang đầu tư Heritable Bank đã bị phá sản tháng 11/2008. Mới chỉ có 11 trong số 22 tầng được hoàn thành. Phía Formation đang đàm phán để giải quyết tình hình và tương lai rất tối. Người phát ngôn của Rooney từ chối bình luận về hoạt động kinh doanh của tiền đạo này trong lĩnh vực địa ốc, nhưng đã úp mở về tính nhanh nhạy của anh đối với diễn biến của thị trường nhà đất Mỹ. Ngoài ra, hai năm trước, anh và Coleen (khi hai người còn chưa kết hôn) đã bỏ ra khoảng 3 tháng lương, tương đương 320 nghìn bảng để đầu tư vào một căn penthouse tại Harbor Pointe. Đây là một khu nhà ở sang trọng ven biển tại một thị trấn ở Florida, cách Tampa khoảng 110km. Nhưng sau đó, giá BĐS giảm mạnh. McLendon – người môi giới đã bán nhiều nhà cho các cầu thủ Anh cho biết ông vừa bán một căn nhà hai phòng ngủ ở khu vực này với giá 38 nghìn USD trong khi giá của căn nhà này cách đây 3 năm khoảng 155 nghìn USD.



Trong khi đó, Dubai đã chứng tỏ là một nơi rất triển vọng để các ngôi sao sân cỏ nhòm ngó. Cả Michael Owen, Joe Cole, David James, Paul Scholes, Kieron Dyer và Gary Neville mỗi người đã bỏ ra 900 nghìn bảng để mua nhà tại khu hòn đảo nhân tạo cây cọ Palm Jumeirah nổi tiếng, năm 2003. Nhưng hiện nay, nhà đất tại đây đã giảm khoảng 40% so với thời điểm đó. Ngoài hòn đảo cọ nhân tạo, một căn hộ trên “nóc nhà thế giới Burj Dubai Tower“, từng có giá 6.520 bảng/m2 nay đã giảm còn 4.800 bảng/m2. Nhiều người cho rằng mức giá này còn có thể giảm thêm, trước khi nó khánh thành vào tháng 9.



Steven Gerrard, vừa mới dính phải những rắc rối bên ngoài sân cỏ, đã bỏ 5 triệu bảng đầu tư vào một khu BĐS được coi là “sáng giá” ở ngay Liverpool. Anh mua 3 căn hộ penthouse tại đây, những căn hộ có view cực đẹp. Khu Mann Island của Gerrard lại khởi công vào thời điểm cuối của giai đoạn “sốt”. Thế nhưng, theo thông tin mới nhất vừa công bố thì một số dự án có cùng chủ đầu tư đang bị treo vì thiếu vốn. Một dự án tại Manchester và những nơi khác đang không rõ số phận.



Đối với Ngài Alex Ferguson thì sân chơi này cũng không phải là ngoại lệ. Ông đầu tư tiền vào Aim Ltd, một quỹ đầu tư BĐS thương mại, đang sở hữu hàng chục các quán bar, hộp đêm ở phía tây bắc nước Anh. Ông cũng góp vốn vào các showroom và nhà máy sản xuất ôtô khắp châu Âu. Trước khi hãng này công bố kết quả hoạt động tồi tệ năm qua. Hậu quả là giờ vị huấn luyện viên đầy kinh nghiệm và những người bạn của ông đều sớm muộn sẽ mất tiền.



Chàng tiền vệ đẹp trai tài hoa David Beckham và cô vợ nổi tiếng Victoria Beckham cũng đang bị lỗ khoảng 2 triệu bảng khoản đầu tư cho căn nhà của họ tại Madrid. Căn nhà này được cặp vợ chồng nổi tiếng xứ sở sương mù mua năm 2004 khi Beckham sang Tây Ban Nha thi đấu, với giá 5 triệu bảng. Ngoài ra, cặp đôi còn bỏ vào đó khoảng 500 nghìn để sửa chữa. Thế nhưng, tháng 10 năm ngoái, họ đã rao bán với giá chỉ 3 triệu bảng.



Có lẽ ngoài tuyển thủ Robbie Fowler gặp nhiều thành công trong lĩnh vực đầu tư BĐS do anh tham gia khá sớm, thì hiện đa số các ngôi sao sân cỏ tại xứ sở sương mù đang gặp nhiều khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng. Mọi chuyện dường như đi trái ngược với thuận lợi trong sân cỏ, nhưng có lẽ nó cũng không thể làm những ngôi sao này “nghèo” đi được bởi càng chói sáng trên sân cỏ, các cầu thủ sẽ kiếm được bộn tiền thưởng cùng nhiều show quảng cáo trị giá hàng triệu bảng. Chẳng thế mà trong danh sách các cầu thủ kiếm nhiều tiền nhất trong năm qua vẫn có tên của các ngôi sao của làng bóng đá Anh này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *