“Người tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”. Vào hồi 13h38 ngày 19/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, để lại niềm tiếc thương vô bờ bến cho con dân Việt Nam. Hơn cả một sự nghiệp lớn lao, Người đã để lại cho chúng ta cả một di sản văn hóa về tinh thần, giá trị đạo đức và niềm tin.
Ít ai biết được, trước khi chuyển đến nhà công vụ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình đã từng sinh sống trong căn nhà 25m2, tại khu tập thể trên phố Nguyễn Thương Hiền, Hà Nội. Giữa lòng Thủ đô, căn nhà 25m² nhỏ bé của Người trở thành chứng nhân thầm lặng cho một cuộc đời đầy ắp công lao và tình yêu tổ quốc. Trái tim của người đã ngừng đập vào buổi chiều ngày 19/7, nhưng những di sản của ông sẽ mãi còn vang vọng trong từng ngóc ngách của cuộc sống.
Nơi lưu giữ nhiều kỉ niệm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Trên con phố Nguyễn Thượng Hiền, có một ngôi nhà nhỏ nhắn, giản dị nhưng chứa đựng biết bao kỷ niệm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Căn nhà 25m², nằm trên tầng 3 của một căn biệt thự Pháp cổ, là nơi gia đình ông đã sinh sống trong suốt hơn một thập kỷ, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân. Được biết, đây là khu nhà tập thể Tạp chí Cộng sản, có diện tích hơn 100m2, có 3 tầng, gồm 8 phòng ngủ. Những hộ gia đình sinh sống tại đây đều là cán bộ, nhân viên công tác tại Tạp chí Cộng sản.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình sống trên tầng 3. Không bếp, không nhà vệ sinh, gia đình ông đã sống cuộc sống giản dị mà đầy đủ tình yêu thương. Những bữa cơm quây quần, những giờ phút học hành, làm việc và cả những giây phút thư giãn đều được bao bọc bởi không khí gia đình ấm áp, tình cảm.
Trải qua nhiều lần tu sửa, thế nhưng căn phòng vẫn giữ nguyên cửa 4 cánh nhìn ra con phố Nguyễn Thương Hiền. Khi bước chân vào căn nhà, ta như cảm nhận được sự hiện diện của thời gian, của những kỷ niệm đã khắc sâu vào từng viên gạch, từng bức tường. Bộ cửa bốn cánh cổ kính, dẫn lối ra ban công đầy lá xanh, vẫn giữ nguyên nét giản dị mà thân thuộc. Chính từ ban công này, ông Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình đã thường xuyên trò chuyện, giao lưu với những người hàng xóm, tạo nên một không gian ấm cúng, gắn kết.
Những bức tường với màu sơn trắng tinh, những đồ vật thân thuộc được sắp xếp gọn gàng, tất cả đều phản ánh tinh thần giản dị, gọn gàng và hết mình vì sự nghiệp của Đảng, của Đất nước Tổng Bí thư. Phòng khách của căn nhà nổi bật với kệ sách to bự, chiếm nguyên một mặt tường. Trên đó bày những quyển sách lý luận, chính trị nghiên cứu,… Dưới ánh nắng len lỏi qua từng kẽ lá, từng bậc thang, từng ô cửa, ta như thấy được sự ấm áp và trọn vẹn của một cuộc đời đầy ý nghĩa.
Kiến trúc của căn nhà vẫn còn giữ được nét đẹp cổ kính, mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa. Từng viên gạch, từng chiếc cửa sổ đều mang dấu ấn thời gian, lưu giữ những kỷ niệm, những câu chuyện đời thường mà không phải nơi đâu cũng có được. Cầu thang cũ kỹ dẫn lên tầng 3, nơi mà mỗi bước chân như dẫn ta quay lại những năm tháng xa xưa, nơi gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng sống và làm việc.
Đến tháng 8/1991, sau khi được bổ nhiệm làm Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được phân thêm căn phòng 16m2, có thêm phòng bếp và nhà tắm. Lúc này, gia đình 5 người không cần phải dùng chung nhà vệ sinh, cuộc sống trở nên thoải mái và tiện nghi hơn.
Căn nhà nhỏ bé, đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao ký ức, từ những tiếng cười giòn tan của các con, những buổi trò chuyện thân mật với hàng xóm, đến những đêm khuya miệt mài làm việc của Tổng Bí thư. Từng góc nhỏ, từng đồ vật đều mang dấu ấn của một thời kỳ đầy kỷ niệm, nơi đã chứng kiến sự trưởng thành và những bước đi đầu tiên trên con đường sự nghiệp của ông.
Ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi, căn nhà nhỏ bé trên phố Nguyễn Thượng Hiền như càng thêm lặng lẽ, trầm lắng. Nhưng dù ông không còn nữa, những kỷ niệm, những dấu ấn về ông vẫn còn mãi trong lòng mỗi người. Căn nhà vẫn ở đó, như một chứng nhân của thời gian, của tình người, của một cuộc đời đầy ý nghĩa
Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản, là nhà chính trị sắc sảo, trí tuệ, nhà lý luận xuất sắc của Đảng; suốt đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Người xứng đáng là học trò xuất sắc và gương mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sẽ mãi mãi trường tồn cùng thời gian, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Những thành tựu và đóng góp của ông sẽ tiếp tục được các thế hệ lãnh đạo kế thừa, coi đó như là kim chỉ nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển một đất nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, thịnh vượng và giàu đẹp. Ông không chỉ là một nhà lãnh đạo xuất sắc mà còn là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm và sự kiên định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Tang lễ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7, thể hiện lòng thành kính và sự tôn vinh cao nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với những cống hiến to lớn của ông.