Nghệ thuật ghép mảnh trong kiến trúc







Đơn giản nhưng sang trọng với gạch mosaic
Mosaic có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại với ý nghĩa nguyên thủy là “loại nghệ thuật xứng đáng với trí tưởng tượng bay bổng và lòng kiên trì vô biên”, thuộc loại nghệ thuật có tuổi đời lâu nhất của loài người




Biểu hiện tư duy tiền ngôn ngữ của con người bắt đầu bằng những kí hiệu thị giác chứa đựng và truyền tải ký ức, thông tin trong cộng đồng nguyên thủy. Đồ hoạ và ghép mảnh là hai phương tiện nguyên thuỷ về thông tin và mỹ thuật được con người sử dụng đầu tiên.


Khó có thể xác định được nguồn gốc chính xác của nghệ thuật ghép mảnh, bởi vì ở đâu cũng có nhưng những gì còn lại đến nay ở vùng cận Đông, Bắc Phi và Tây Ban Nha dễ dàng cho người ta thấy nghệ thuật ghép mảnh đã phát triển mạnh và đạt đến tầm cao nghệ thuật cũng như có quy mô áp dụng rộng lớn, phổ cập. Từ chốn dân dã đến nơi sang trọng, toát được cái hồn giản dị hay lộng lẫy thâm nghiêm; từ một vật dụng quen thuộc hằng ngày hay cả một lâu đài tráng lệ… Nghệ thuật ghép mảnh được người Ả-rập phát triển từ thời cổ đại, rồi được đế chế đông La Mã và các Vương quốc Hồi giáo phổ biến và nâng cao. Đạt đến cực điểm là các Thánh đường Hồi giáo ở Istanbul (Byzantin) và Thánh đường Corboda, Hồi cung Alhambra ở Tây Ban Nha.










Bay bổng và lãng mạn với những viên gạch mosaic đầy màu sắc

Ngày nay, nghệ thuật ghép mảnh đã lan toả khắp mọi nơi, ứng dụng rộng trong nhiều lĩnh vực, nhưng đắc dụng nhất là trang trí nội ngoại thất kiến trúc.


Những đặc tính nổi trội của vật liệu Mosaic như gam màu rộng, bền vững theo thời gian, chuyển tải mọi kỹ thuật thể hiện và nội dung diễn đạt, Mosaic dần thay thế những bề mặt rộng của mặt đứng kiến trúc; làm thành những bức tranh tường lớn trong đô thị, biến những tấm ngăn nội thất bằng bê tông phủ sơn tổng hợp đơn màu thành những tấm ngăn trong nhẹ, lung linh với ánh sáng đa màu, biến những mặt phẳng vô tri, phi hình thành hữu hình mang đầy ý nghĩa thi vị…




Vốn được tạo nên từ vô số phần tử nhỏ bé, nghệ thuật ghép mảnh được cảm nhận với một chút liên tưởng tạo hình về đường nét hình khối. Biểu chất thị giác trong suốt, bóng bẩy hay sần sùi thô nhám đều được các phần tử siêu nhỏ đó tạo nên. Điều kỳ diệu là khi ta đặt các hợp thể siêu nhỏ đó với một góc nghiêng rất bé, các mặt phản quang li ti của Mosaic tạo thành các mảng đốm nhỏ lung linh dưới ánh sáng ban ngày hay ánh sáng điện.


Từ kiến trúc cổ đại, kiến trúc Phục hưng, kiến trúc chiết trung hay hiện đại, kiến trúc kỹ thuật cao hay kiến trúc bản địa, kiến trúc hậu hiện đại hay kiến trúc sinh thái… bạn đều có thể tìm thấy nghệ thuật ghép mảnh – mosaic art. Chúng có mặt ở phòng tắm, nhà bếp, trong nền sảnh hay ngoài vườn, trên tường hay phủ cầu thang. Chúng là một thiết bị đô thị hay một điêu khắc trang trí trên quảng trường hay trong công viên và thực tế nhiều kiến trúc sư đã sử dụng các thủ pháp hay công nghệ ghép mảnh, vấn đề là mỗi tác giả có ý thức và ý đồ để biến các thuật pháp và công nghệ đó thành một thao tác nghệ thuật như thế nào.




Nền hè đường đô thị được ghép từ muôn vàn thành tố nhỏ. Tại sao cái bề mặt rộng và dài ấy không thể là một design ghép mảnh mà chỉ đơn thuần là một diện tích để đi bộ? Các mặt tường trong bếp nhà bạn chẳng được ghép được từ hàng trăm viên gạch men, ta có thể thêm vào đó vài phép biến hình của gốm thuỷ tinh hay gốm nghệ thuật để tạo nên cái riêng của bếp. Các bức tường lớn, các phân vị ngang hay đứng, hộp thang… đều có thể là các địa chỉ hấp dẫn của nghệ thuật ghép mảnh…


Với lợi thế chịu mài mòn, độ cứng cao, chịu nén tốt, chịu nước, chịu axít, kiềm muối, bền màu không bám bụi, bám rêu và cơ chế tự làm sạch và đặc biệt, với kiến trúc sư, là gam màu rộng thỏa mãn mọi yêu cầu tạo hình của kiến trúc sư. Được chế tạo từ những hạt nhỏ cùng với bảng màu phong phú của mình, mosaic giúp cho các nhà thiết kế tự do sáng tạo mà không phụ thuộc vào các nhà sản xuất vật liệu, còn đơn vị thi công thì dễ dàng trong việc ốp lát các mặt cong, gấp khúc, gồ ghề mà không cần đến các trang thiết bị cắt mài đắt tiền.










Những viên gạch mosaic tạo nên những sắc màu đa dạng. Ảnh: Art Glass

Màu sắc của gạch luôn tươi sáng và bền vĩnh cửu do được tạo thành từ các oxide kim loại trong quá trình nung chảy thủy tinh ở nhiệt độ cao và sự trong trẻo, sâu thẳm của màu sắc cùng với bề mặt bóng bẩy, lung linh đã làm cho vật liệu này trở nên sang trọng đúng như tên gọi của mình.


Theo Art Glass

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *