Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở năm 2005 và sửa đổi, bổ sung Điều 121 của Luật Đất đai năm 2003. Theo đó, sửa đổi, bổ sung Điều 126 “Quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài” của Luật Nhà ở như sau: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng sau đây được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam: Người có quốc tịch Việt Nam; Người gốc Việt Nam thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam ở trong nước. Người gốc Việt Nam không thuộc các đối tượng quy định trên được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ ba tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam. Về Điều 121 “Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam” của Luật Đất đai năm 2003, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi bổ sung như sau: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 Luật Nhà ở và sửa đổi, bổ sung Điều 121 Luật Đất đai, có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây: Các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 105 và Điều 107 của Luật Đất đai năm 2003; Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, đổi, để thừa kế nhà ở cho các tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho các đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì các đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở đó; Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; Cho thuê, uỷ quyền quản lý nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở. Như vậy, so với quy định cũ, các đối tượng đã được mở rộng, đặc biệt những đối tượng là công dân Việt Nam (còn quốc tịch Việt Nam) thì không nhất thiết phải về nước đầu tư lâu dài hoặc là người có công đóng góp với đất nước, nhà hoạt động văn hóa, nhà khoa học không cần thiết phải về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam mới được sở hữu nhà ở không hạn chế số lượng. |
Mở rộng quyền cho Việt kiều về sở hữu nhà đất tại Việt Nam
3
Bài trước