Đã gần hết quý I/2009, nhưng những động thái về một thị trường BĐS khởi sắc dường như vẫn còn ở khá xa. Song đây cũng là cơ hội để đánh giá và hình dung rõ nét hơn về bức tranh tương lai của thị trường này.
Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có giảm đi, nhưng vẫn không phải là âm. Đây đang là một dấu hiệu lạc quan cho thị trường BĐS, là cơ sở để các doanh nghiệp kinh doanh BĐS có thể tiếp tục triển khai các dự án của mình. Mặc dù các doanh nghiệp kinh doanh BĐS không được hỗ trợ lãi suất một cách trực tiếp để đầu tư vào các dự án, nhưng việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ là một động lực lớn để người dân mua nhà ở. Nhiều khả năng, tính thanh khoản của thị trường địa ốc sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, chắc sẽ khó có được một hiệu ứng tức thì vì sẽ có một độ trễ nhất định do phải mất từ 3-6 tháng cho những thủ tục về đàm phán, thẩm định dự án cho vay của các ngân hàng. Đó là chưa kể các ngân hàng sẽ khó có thể “bạo” tay cho vay như trước sau một năm chao đảo với thị trường này. Cộng thêm, họ vẫn còn “bận” lo thu hồi những khoản vay vốn bùng nổ vào thời điểm cách đây hơn một năm. Về phía nhà đầu tư, ngay đầu năm 2009, họ đã phải đối mặt với việc trả nợ ngân hàng. Khi giá nhà đất giảm, giao dịch cầm chừng thì các nhà đầu tư này càng gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi vốn để trả nợ, nếu không tài sản sẽ bị ngân hàng phát mãi. Từ đó, áp lực tiếp tục giảm giá nhà đất ngày càng tăng. Sẽ sửa đổi chính sách thuế nhà đất Theo kế hoạch năm 2009, Bộ Tài chính sẽ sửa đổi chính sách thuế nhà đất theo hướng tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, đảm bảo công bằng xã hội, chống đầu cơ nhà, đất, thực hiện điều tiết đối với những người sở hữu nhiều nhà và có quyền sử dụng nhiều đất đai. Chính sách thuế nhà, đất hiện hành bộc lộ một số hạn chế như đã xuất hiện tình trạng đầu cơ về nhà, đất, đẩy giá lên cao mà chưa có công cụ điều tiết; căn cứ tính thuế đất phi nông nghiệp bằng từ 1 – 32 lần mức thuế sử dụng đất nông nghiệp có phần chưa phù hợp với cơ chế giá thị trường… Vì vậy, việc sửa đổi chính sách thuế nhà đất sẽ hướng tới tăng cường quản lý nhà nước đối với nhà, đất, đảm bảo công bằng xã hội, chống đầu cơ nhà, đất, thực hiện điều tiết đối với những người sở hữu nhiều nhà và có quyền sử dụng nhiều đất… Ở một chiều hướng khác, việc huy động vốn từ thị trường chứng khoán để phát triển các dự án BĐS cũng bế tắc vì chứng khoán cũng đang bấp bênh. Ngay cả khi gói kích cầu gần 800 tỷ USD của Mỹ được triển khai thì khả năng tác động tới thị trường Việt Nam cũng không nhiều. Và các nhà đầu tư trong nước khó có thể tính tới giải pháp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài như chuyển nhượng dự án, liên kết kinh doanh. Như vậy, khó khăn cho thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2009 sẽ vẫn còn. Theo đánh giá của các chủ đầu tư, trong năm 2009, những dự án nhỏ, trực tiếp phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Còn với những dự án lớn, nhà ở cao cấp, phải những dự án nào thật sự hiệu quả mới có cơ hội. Mặc dù vậy, vẫn có nhận định cho rằng, trong năm 2009, sẽ có một dòng tiền gửi ngân hàng trong dân cư đến kỳ đáo hạn. Cùng thời điểm lãi suất tiền gửi và cả lãi suất cho vay đều xuống thấp, khả năng người dân có tiền tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng không nhiều. Khi đó, BĐS sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn. Nếu gói kích cầu của Chính phủ có tác dụng và người có tiền nhận thấy thị trường chứng khoán đã đến đáy và giá BĐS đã giảm xuống mức hấp dẫn thì họ sẽ đổ tiền vào hai kênh đầu tư này. Nếu đúng như vậy thì thị trường chứng khoán sẽ phục hồi trước và tiếp đó sẽ kéo theo giao dịch BĐS tăng lên từ quý III/2009 trở đi. Đến thời điểm này vẫn chưa có một nhận định cụ thể nào cho thị trường BĐS vốn đầy biến động thời gian qua. Những dang dở trên thị trường BĐS hiện nay cho thấy sự mất cân đối trầm trọng ở rất nhiều góc độ, rất cần một sự điều tiết kịp thời ở tầm vĩ mô. Sự nóng – lạnh của thị trường BĐS ở nước ta đã và sẽ còn tiếp tục chịu ảnh hưởng đậm nét của sự nhận thức và kỹ thuật thích ứng của nhiều cấp quản lý, của các doanh nghiệp và người dân về vai trò, cơ chế và xu hướng vận động của thị trường BĐS mà các hoạt động đầu cơ, tâm lý “bầy đàn”, “hiệu ứng đám đông”, vừa có tính a dua phong trào, vừa có tính nghe ngóng xem sao trong việc mua bán BĐS chính là kết quả, là thước đo của mức độ nhận thức và thích ứng này. Thị trường BĐS như một quả bóng, khi rơi xuống chạm đất, sẽ bắt đầu cho một cú nẩy mới, tăng dần lên theo đà tăng trưởng của nền kinh tế. Lộ trình hội nhập, cú hích kích cầu, sức mua dần tăng mạnh đang được hy vọng là những yếu tố làm cho thị trường BĐS cuối năm 2009 gượng dậy và dần hồi phục vào năm 2010. |
Thị trường BĐS: Chờ một cú nẩy mới
2