Có thể bạn chưa biết: Về bức tượng “chú bé” người gỗ PINOCCHIO (ITALIA) cao nhất thế giới





Bức tượng gỗ chú bé Pinocchio cao nhất thế giới đã được Chính quyền thị trấn Collodi, miền Trung Italia cho dựng tại Công viên chủ đề Pinocchio.


Việc dựng bức tượng trên nằm trong khuôn khổ một chiến dịch rộng lớn nhằm tăng cường sự hiểu biết và hành động để bảo vệ quyền của trẻ em do Quỹ Collodi khởi xướng. Quỹ đã gửi đơn thỉnh cầu lên Liên minh Châu Âu (EU) và Liên Hợp quốc, yêu cầu các tổ chức này đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động nhằm giúp đỡ trẻ em bị thiệt thòi trên thế giới.


Bức tượng Pinocchio với chiều cao 16 mét đã phá kỉ lục về chiều cao 13 mét của một pho tượng Pinocchio khác ở thành phố Vevey (Thụy Sĩ).


Tượng của chú bé người gỗ nổi tiếng này được hàng trăm thợ mộc và nhân viên kĩ thuật Thụy Sĩ hoàn thành sau 800 giờ làm việc và chuyển đến công viên chủ đề Pinocchio của Italia.


Chú bé người gỗ Pinocchio là nhân vật do nhà văn nổi tiếng người Italia Carlo Collodi (1826-1890) sáng tạo năm 1883. Cho đến nay, tác phẩm của nhà văn Collodi về nhân vật Pinocchio vẫn là một trong những cuốn sách được trẻ em thế giới yêu thích nhất, và là tác phẩm văn học được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới chỉ sau Kinh thánh, với hơn 2.000 bản dịch trong hơn 200 ngữ.


Trong dịp này, bản in đầu tiên của cuốn Pinocchio (xuất bản năm 1883) đã được một nhà sưu tập (đề nghị được giấu tên) mua với giá kỷ lục 35.000 euro trong một buổi đấu giá tại thủ đô Roma, Italia.


Câu chuyện về Pinocchio


Một câu chuyện vô cùng thú vị về một người bạn nhỏ có tên là Pinocchio mắc phải rất nhiều lỗi lầm, nhưng rồi sau khi trải qua một cuộc phiêu lưu ly kỳ với vô vàn thử thách và khó khăn, cậu ấy đã biết sửa sai và trở thành một người tốt.


Pinocchio là một chú rối bằng gỗ nhưng trông rất giống một cậu bé bình thường. Cậu muốn làm những điều tốt để cha mình vui lòng, nhưng rồi cậu lại mắc phải hết lỗi lầm này đến lỗi lầm khác. Chẳng hạn như vì ham vui tại rạp múa rối của ông Giôvanni, cậu đã bán cuốn sách mà cha mình phải đánh đổi bằng chiếc áo khoác duy nhất trong mùa đông giá buốt. Hay việc Pinocchio mắc mưu Mèo và Cáo làm mất năm đồng tiền vàng, rồi lại nói dối cô tiên Tóc Lam khiến cho chiếc mũi cứ thế bị mọc dài ra. Không những thế, Pinocchio còn nghe lời đám bạn xấu trốn học tới Xứ sở đồ chơi, kết quả là bị biến thành lừa, rồi bị nuốt chửng vào bụng cá mập. Tại đây, cậu gặp lại cha mình… Và cuối cùng Pinocchio biết sửa sai lỗi lầm và trở thành cậu bé thực sự.


Hơn một trăm năm qua, những cuộc phiêu lưu kỳ thú trong hành trình gian nan để trở thành người thật của chú bé gỗ Pinocchio đã làm say lòng bao thế hệ trẻ em trên khắp thế giới.


Những điều chưa biết về “chú bé” người gỗ Pinocchio


– Cha đẻ của chú bé người gỗ Pinocchio là Carlo Collodi có tên thật là Carlo Lorenzini. Ông là một phóng viên tại thành phố Florence vào thế kỷ 19, và ông đã buộc phải viết câu chuyện Pinocchio chỉ để trả nợ tiền mua giấy.


– Collodi đã định “giết” Pinocchio bằng cách “treo cổ” nhân vật này nhưng biên tập của tờ báo nghĩ rằng như vậy sẽ không phải là một kết thúc phù hợp cho những độc giả nhỏ tuổi. Cuối cùng Collodi quyết định người gỗ sẽ không thể chết vì ngạt thở được.


– Pinocchio là bộ phim thứ hai của hãng Walt Disney mặc dù công đoạn chuẩn bị của bộ phim này trước cả phim “Nàng bạch tuyết và bảy chú lùn”, bộ phim đầu tiên của hãng.


– Collodi đã dựa trên rất nhiều địa danh có thực để đưa vào câu chuyện. Quán trọ Tôm hùm đỏ (The Red Lobster Inn) hay là nhà hàng Osteria Gambero Roso đều có thật; ngay cả ngôi làng là hình mẫu cho xưởng mộc của Geppetto.


– “Bà tiên xanh” được xây dựng trên hình mẫu một cô gái hàng xóm của tác giả và vẫn sống cho tới những năm 70 ( thế kỷ XX). Và có một sự trùng hợp kỳ lạ khi “bà tiên xanh” của Collodi có mái tóc màu xanh nước biển thì hình mẫu lại có mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh, giống hệt với bà tiên trong phiên bản phim hoạt hình.


– Bức tượng gỗ Pinocchio được làm cho bộ phim từng bị mất tích hơn 50 năm, chỉ còn lại một bức hình mà nhân viên của Walt Disney đang hoàn thành nó. Sau đó bức tượng được tìm thấy trong tầng hầm của hãng phim, trong một chiếc tủ khi công ty điện thoại sửa đường dây cho hãng.


– Đã có 750 người góp sức vào bộ phim Pinocchio, và bộ phim đã được áp dụng công nghệ camera mới cho cảnh ngoài biển khơi trong phim sao cho sống động và trong năm đó bộ phim đã giành được Giải Oscar cho kỹ xảo điện ảnh./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *