Căn hộ “bản năng gốc”



TTO – Với hầu hết mọi người, khi chọn lựa một căn hộ mới, tiêu chí tiện nghi luôn được xem là một trong những điều kiện tiên quyết: một môi trường thân thiện, một căn nhà thoải mái với cách bài trí hợp lý. Thế nhưng một khu căn hộ được tô điểm sặc sỡ màu sắc với hình thù hỗn tạp mới xuất hiện gần đây ở một vị thế nổi bật tọa lạc tại ngoại ô Mikata, thuộc thủ đô Tokyo, lại đi ngược nguyên lý trên một cách “gàn dở”.


Đó chính là khu căn hộ Reversible Destiny Lofts (tạm dịch: Nơi trú ngụ để đối đầu với vận mệnh).








Dáng vẻ bên ngoài với các hình thù khác biệt chồng chất lên nhau, tất cả được sơn bằng những màu sắc tươi sáng, trẻ trung


Công trình được thiết kế bởi đôi vợ chồng người Mỹ gốc Nhật Shusaku Arakawa và Madeline Gins. Cấu trúc ngôi nhà là tổ hợp những khối cầu, khối trụ và khối lập phương được sơn đủ màu sắc tươi trẻ bên ngoài. Các mảng màu xanh, hồng, đỏ, vàng và những màu sáng tươi mát khác đem lại cảm giác thuần khiết như đang đứng trong một sân chơi của những đứa trẻ mới biết đi. Nội thất bên trong là những thách thức nhằm đem lại cho chủ nhân của căn hộ những trải nghiệm mới mẻ và tự nhiên nhất về chuyển động cơ thể trước độ dốc và khả năng chịu đựng va chạm.


Thoạt nghe ý tưởng thì chẳng ai có thể hình dung nổi thật ra thách thức đó được đưa vào áp dụng thực tiễn như thế nào. Tuy nhiên đó cũng là một trong những ý tưởng gây tò mò nhiều nhất cho những ai thích sự mới mẻ, khát khao khám phá, chinh phục và… đang cần nhà để ở. Đó cũng chính là giải thích cho việc tại sao cư dân khu căn hộ này đa số là những người trẻ tuổi.














Các khối cầu, khối trụ và khối lập phương tạo thành một hình thù khác biệt, độc đáo và ấn tượng
Bancông của mỗi căn hộ đều mang kiểu dáng, phương hướng và màu sắc khác nhau


Toàn bộ thiết kế cả khu đều trong tình trạng đối lập với khuynh hướng cấu trúc của thế giới. Tất cả cư dân đều được “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng” một cách cặn kẽ, tỉ mỉ và cả viết giấy cam kết nếu có tai nạn rủi ro khi đang sinh sống tại các căn hộ ở đây. Shusaku Arakawa và Madeline Gins sáng tạo nên sự khác biệt này dựa trên học thuyết được gọi là “Đối đầu với số phận” nhằm vào mục đích thay đổi cuộc sống dài lê thê và buồn tẻ của con người thông qua sự tương tác của chủ thể với môi trường xung quanh.


Sáng kiến này đặt ra câu hỏi cho thái độ sống luôn chạy theo những tiện nghi sẵn có một cách mù quáng của những người trẻ trong thời đại ngày nay.




















Nền nhà lồi lõm, các cây cột có mặt khắp nơi để làm tay vịn phòng khi té ngã
Góc phải là phòng làm việc hình cầu, gian bếp hình cánh cung nằm lọt thỏm chính giữa nhà
Có thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác bằng nhiều cách, kể cả tư thế leo núi như thế này
Bên trong một căn hộ với vòng tròn khép kín của phòng làm việc và gian bếp, một sự kết hợp lạ thường và “tiết kiệm” không gian


Bên trong các căn hộ không hề tồn tại cái gọi là định nghĩa của sự “cân bằng”. “Việc luôn xem ngôi nhà là nơi để nghỉ ngơi và thư giãn – theo Shusaku Arakawa và Madeline Gins – chỉ làm chúng ta thêm già và nhanh chóng lụi tàn. Phải có một môi trường để những người trẻ luôn cảm thấy kích thích các giác quan để tiếp thêm sinh lực cho cuộc sống của họ mới là điều quan trọng”.


Điển hình như phòng ăn là những sàn nhà lổn ngổn, không bằng phẳng, dốc không theo một phương hướng nhất định nào cả. Kề đó là nhà bếp lọt thõm và phòng làm việc hình lòng chảo. Thú vị nhất là các ổ cắm điện được “giấu” đâu đó trên các bức tường buộc chủ nhân phải động não lần tìm.


Một động thái tuy hết sức đơn giản như thế nhưng cũng khiến não được tập luyện liên tục. Một khung cửa bằng kiếng thông ra hành lang nhưng chỉ thấp lè tè và bé xíu, chỉ vừa đủ để cho chủ nhà phải khom người và bò ra ngoài – một kiểu tập luyện cho thân thể dẻo dai. Nền nhà trơn trượt hình cánh võng khiến cư dân ở đây thường xuyên mất thăng bằng, nhờ vịn vào các cột trụ gần đó khiến toàn thân như được “tái tạo” sinh khí mới bởi hệ thần kinh vừa trải qua “cơn chấn động nhỏ”.




















Một góc bếp nhỏ xinh
Ngay cả nhà tắm cũng không hề có sự kín đáo và riêng biệt
Phòng ngủ hình ống, không có cửa nhưng rất thoáng đãng và ngập tràn ánh sáng
Một góc phòng làm việc lòng chảo


Tệ hại hơn, không hề có không gian riêng trong mỗi căn hộ, chính chủ nhân phải là người xoay xở để thích ứng với cuộc sống ở đây. “Căn hộ khiến bạn trở nên cảnh giác, đánh thức bản năng trỗi dậy, và vì thế bạn sẽ sống tốt hơn, lâu hơn và dẻo dai hơn”. Thậm chí có một cư dân thích thú với cuộc sống ở đây đến nỗi đã gợi ý rằng: “Bệnh viện nên bắt chước thế này đi, bệnh nhân chắc chắn sẽ mau lành bệnh!”.


Mỗi căn hộ được rao bán với giá 763.000 USD, đắt gấp đôi một căn hộ có diện tích tương tự ở cùng khu vực. Một nhân vật tiếng tăm và cũng là cư dân lớn tuổi nhất đã quyết định sống nốt phần đời còn lại của mình trong căn hộ “quái dị” này là nhà văn Jakucho Setouchi, 83 tuổi.








Một trong những dự án có mô hình tương tự đang được triển khai tại thành phố New York


Arakawa và Gins hi vọng mô hình khu căn hộ này sẽ được nhân rộng khắp nơi. “Đó sẽ là một cuộc cách mạng làm thay đổi cách sống của con người trong tương lai. Mỗi ngày là một khám phá mới mẻ và thú vị ngay trong chính ngôi nhà thân yêu nhưng không dễ “quen thuộc” của mình”.


BẠCH NGỌC
(Theo New York Times, Worldarchitecturenews, Decojournal)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *