Đang ngồi uống cà phê bên hè phố ở ngay trung tâm Q.1, tôi thấy một người khách nước ngoài cúi xuống nhặt rác do ai đó đã vô tình hay cố ý vứt xuống. Việc làm lặng lẽ của người khách nước ngoài ấy khiến ly cà phê đắng ngắt trong miệng: Phải làm gì để có những tuyến đường thực sự không rác và tuyến phố văn minh?
Thực tế khó khăn Trả tiền ly cà phê đang uống dở, tôi xách xe lao ra đường đi tìm tuyến phố văn minh, không rác. Thực tế trên địa bàn TP. HCM rác thải, bao nilon, giấy gói… vương vãi có thể tìm thấy ở bất kỳ tuyến phố nào, ở quận trung tâm hay không trung tâm. Tiêu chí để đánh giá một tuyến đường văn minh dễ mà khó, bởi tất cả các tuyến đường đều là nơi cư dân thành phố sinh sống, những nhu cầu thiết yếu cũng diễn ra tại đó, mật độ dân cư ngày càng cao, lao động nhập cư ngày càng nhiều… Do vậy, theo quy định tuyến đường văn minh là phải đảm bảo lòng đường, vỉa hè luôn sạch, không vẽ quảng cáo, không phơi quần áo, đồ dùng sinh hoạt trước mặt tiền, không có người ăn xin, níu kéo du khách, không để súc vật chạy rong và phóng uế trên đường phố… Tuy nhiên, tình trạng, tờ rơi quảng cáo, nước thải sinh hoạt, rác tập kết rải rác, buôn bán hàng rong quà vặt vẫn xuất hiện như một chứng bệnh nan y. Ông Lê Văn Thanh, trưởng phòng Đô thị – Môi trường HĐND TP.HCM cho biết: “Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, nhất là đoạn trước bệnh viện Chợ Rẫy, là tuyến đường hàng rong tập trung đông, đồ ăn thức uống và rác vô tư xả ra. Việc này tồn tại đã lâu dù TP đã chỉ đạo thành lập tổ liên ngành giữa Q.5 và Q.11 để cùng kiểm tra, nhắc nhở, dọn dẹp nhưng vẫn chưa đâu vào đâu”. Đường Điện Biên Phủ tuy đã được lựa chọn là tuyến đường không rác, tuyến đường văn minh cấp TP nhưng rác, hàng rong vẫn tồn tại, những mảnh đất bỏ hoang cỏ mọc um tùm, che chắn nhếch nhác, tờ rơi dán khắp nơi… Lãnh đạo Q.3 rất muốn thay đổi diện mạo của quận, nhưng “Năm nay chúng tôi chỉ tập trung vào việc thay đổi nhận thức của người dân bằng việc tuyên truyền vận động bà con hiểu tầm quan trọng của việc gìn giữ môi trường nơi mình sinh sống. Quận cũng tập trung giải quyết dứt điểm một số điểm tập kết bán hàng rong dưới lòng lề đường, cho các phường lập bãi giữ xe” – ông Phạm Ngọc Hữu – Phó chủ tịch UBND Q.3 cho biết như vậy.
Trước sự gia tăng chóng mặt của rác thải, từ ý thức giữ gìn đường phố sạch đẹp của người dân, từ lâu TP.HCM đã có ý tưởng đề xuất “đường phố không rác” và đã nhận được sự đồng thuận từ các cấp lãnh đạo TP tới người dân. Khi đó, đã có nhiều phương án đưa ra để thực hiện ý tưởng như: tuyên truyền, giáo dục để nâng cao ý thức của người dân là điều kiện bắt buộc, bao bì sản phẩm hàng tiêu dùng sẽ được in những khẩu hiệu vận động và những logo màu xanh được gắn cho những sản phẩm thân thiện với môi trường. Có quận đưa ra sáng kiến lập ra những CLB giữ gìn môi trường, kêu gọi mọi người tham gia theo khu vực mình sinh sống, rác thải sẽ được quản lý từ hộ gia đình, để nhà sạch sẽ thì hẻm cũng sạch và đường đương nhiên sẽ sạch. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng phải có mức xử phạt và phạm vi xử phạt lớn hơn, quy mô hơn, mạnh mẽ hơn và “đánh thẳng” vào kinh tế với bất kỳ cá nhân, đơn vị nào có hành vi xả rác bừa bãi, thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan đường phố. Đầu năm 2008, Cty Công trình Đô thị đã lắp đặt 480 thùng rác các loại trên địa bàn các quận: 1, 3, 5, 6, 10 và Bình Thạnh. Sở TN&MT đã phối hợp với các cơ sở, đơn vị để tìm ra những mô hình phù hợp cho từng quận huyện như: tiếp tục duy trì các tuyến đường không rác, chợ không rác, công viên không rác tại Q.1. Với các quận vùng ven và các huyện ngoại thành thì “xác định điểm nóng, xử lý tồn đọng” để ra quân tổng vệ sinh, khơi thông cống rãnh, kênh rạch. Cũng theo thống kê của Sở TN&MT, từ giữa năm 2008 tới nay, chương trình đã huy động được gần 6.000 người tham gia, thu gom trên 10.000 tấn rác, nạo vét 1.000 tấn bùn tại một rạch, xóa nhiều tụ điểm tập kết rác tự phát và bàn giao cho chính quyền và người dân địa phương quản lý nhằm tránh tình trạng “vớt rác hôm trước hôm sau lại đầy”. Cũng theo Sở TN&MT, sau những triển khai chương trình con đường kiểu mẫu và thực hiện Quyết định 74/QĐ-UB của UBND TP, tới nay đã gần 1 năm nhưng kết quả không chuyển biến được nhiều, bởi cho dù các cấp các ngành đã nỗ lực hết mình thì những khó khăn vẫn còn nhiều do thói quen của người dân, công tác thu gom rác chưa chuyên nghiệp, kinh phí để các dịch vụ công hoạt động chưa có, các đơn vị phải tự cân đối thu chi. Hoạt động xử phạt còn mang tính phong trào chưa mang tính đồng bộ, mức phạt còn quá nhẹ chỉ mang tính nhắc nhở và còn nhiều bất cập. Kể cả cho tới nay, Sở TN&MT có Kế hoạch số 2216/KH-TNMT-CTR ngày 3/4/2009 về việc triển khai thực hiện tuyến đường không rác, nhưng nội dung của kế hoạch này cũng chỉ tập trung vào việc vệ sinh đường phố và tuyên truyền mà chưa có biện pháp chế tài xử phạt mạnh. |