Đừng dùng mái MANSARD theo lối mòn












KTĐT – Ở góc độ cá nhân, tôi thấy mái Mansard là một công cụ để tạo hình rất tốt cho thức kiến trúc kiểu Pháp. Thế nên dùng từ “hội chứng mái Mansard”, “mái quan tài” như nhiều người có ác cảm vẫn nói là mang tính thiên lệch.

Với các công trình kiến trúc quy mô lớn có sử dụng thức kiến trúc Pháp, thì mái Mansard là một lựa chọn không sai. Trong trường hợp ấy, nếu dùng kiểu mái khác,dụ kiểu mái ngói dốc như biệt thự thì rất khó tìm tỷ lệ phù hợp với phần thân và đế. Mái Mansard không xấu, cái quan trọng là định hướng đầu tiên khi người ta thiết kế công trình. Cùng một ngôi nhà đó, có thể thiết kế theo kiến trúc Pháp, kiến trúc hiện đại, thậm chí là hitech… Vì vậy, không nhất thiết kiến trúc Pháp là duy nhất đúng, nhưng đã theo thức kiến trúc này thì phải thiết kế theo đúng chất của nó. Và tôi cho rằng với khối tích công trình lớn, mái Mansard bảo đảm được tỷ lệ đế – thân – mái của công trình thì không hề là sự lựa chọn sai lầm


Người Pháp dùng cả tầng trên cùng để làm mái. Chính vì thế mà có công trình, phần mái lên tới 2-3 tầng. Tỷ lệ phần mái được nâng cao, phù hợp với các công trình sử dụng thức kiến trúc Pháp quy mô lớn như khách sạn Dân chủ trên phố Tràng Tiền hay tòa nhà Pacific ở Lý Thường Kiệt. Về hiệu quả thị giác, mái Mansard giúp người ta có cảm giác ngôi nhà đó không cao lắm, tương đối phù hợp với khu phố cũ, phố cổ. Tuy nhiên, có một vấn đề tồn tại là với các KTS thành thạo trong việc sử dụng thức kiến trúc Pháp, nhiều khi quá trình thiết kế của họ đi theo lối mòn. Ví dụ xung quanh là lối kiến trúc cũ thì công trình mới (đặc biệt là ở khu phố cổ, phố cũ) cũng phải theo thức kiến trúc đó. Chọn giải pháp an toàn để công trình mới có thể ăn nhập lập tức với công trình xung quanh là sự lựa chọn không sai, nhưng thực thế là chính điều này đã làm giảm sự sáng tạo của nhà thiết kế. Nếu KTS dám thiết kế một tòa nhà theo thức kiến trúc khác, nhưng làm tốt, thì công trình đó tự thân nó đã nổi bật bởi ở đó đã có sự so sánh.




Hơn nữa, thiết kế công trình mái Mansard cũng cần có sự linh hoạt, sáng tạo. Không nhất thiết phải sử dụng thức kiến trúc Pháp bên dưới thì bên trên mới dùng được mái Mansard. Đã có những công trình mà sự sáng tạo linh hoạt trong thức kiến trúc kiểu Pháp đã tạo nên dấu ấn rất tốt. Ví dụ tại khu vực quảng trường Nhà Hát Lớn có một số công trình áp dụng thức kiến trúc kiểu Pháp nhưng các chi tiết trang trí đều tối giản. Tinh thần của kiến trúc của Pháp là giữ được tỉ lệ đế thân mái. Riêng về mái, vẫn là mái Mansard nhưng sử dụng vật liệu mới, dùng chớp thép, khung kính chứ họ không dùng bê tông dán đá. Vì thế, nên coi mái Mansard là cái cách thức tạo hình hơn là cái bộc lộ ra chủ nghĩa nào đó.


Theo Báo Xây Dựng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *