Đổi mới nhận thức & ứng dụng phong thủy trong kiến trúc












KTĐT – Thuật phong thủy đã được người Trung Hoa nghiên cứu từ lâu và đã được nhiều nước ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau phục vụ đời sống xã hội, đặc biệt ở các nước Châu Á… Ngày nay ở một số nước thuộc các châu lục khác nhau trên thế giới cũng đã đầu tư những nghiên cứu và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau theo thuật phong thủy rất bài bản.


Vài nét về thuật phong thủy


Trong cách ứng xử truyền thống, khi lựa chọn địa điểm xây dựng các khu dân cư, hoặc sắp đặt vị trí các thành phần ngôi nhà, người ta thường “nhờ cậy” đến người gọi là “thầy địa lý” với mong muốn đơn giản là sự lựa chọn và sắp đặt ấy phù hợp với điều kiện địa hình, sinh khí và đồng thuận với chủ sở hữu công trình đó. Đây là hiện tượng thường thấy và được hiểu là hiện tượng dị thường của tiềm năng con người. Hiện nay, ở đâu đó, trong một thời điểm nào đó, một số nhà quy hoạch và thiết kế kiến trúc có những ứng dụng thuật phong thủy đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong thực tế xã hội thuật phong thủy vẫn được hiểu như một vấn đề huyền bí, khó hiểu. Một số cá nhân đã lợi dụng thuật phong thủy để mê hoặc, kiếm lợi. Ngoài ra, không ít sách được in ấn bày bán đã thể hiện thuật phong thủy dưới dạng kỳ bí, thậm chí sai lệch với nguyên lý thuật phong thủy. Mặt khác, giới khoa học nói chung chưa thừa nhận hiện tượng dị thường của con người do thiếu các thí nghiệm cần thiết có kiểm soát thì những kết luận được đưa ra sẽ thiếu thuyết phục và “hiện tượng dị thường đòi hỏi bằng chứng dị thường”. Khoa học cũng chưa đưa ra được minh chứng bác bỏ nào theo các tiêu chí khoa học. Về những hiện tượng dị thường, trong đó có việc quy hoạch, lựa chọn hướng nhà, sắp đặt các thành phần ngôi nhà cũng không ngoài những quy luật mà chúng ta thường gọi là thuật phong thủy.


Tuy nhiên, hiện nay về khoa học cơ bản thì thuật phong thủy là một vấn đề chưa được khám phá và nằm ngoài giới hạn của khoa học hiện hành, vượt xa mức tưởng tượng của bất kỳ ai khi loài người sẽ thay đổi hoàn toàn cách đánh giá về vũ trụ và bản chất sự sống vì phong thủy nói lên tiềm năng, năng lượng của thiên nhiên, trời đất, vũ trụ, môi trường và con người… những tiềm năng này là khái niệm chính để khảo sát thế giới cuộc sống.


Về khoa học ứng dụng, nếu bản chất của thuật phong thủy được nhận thức đúng, được hiểu trên cơ sở khoa học và được ứng dụng thì sẽ tạo ra một cuộc cách mạng vô cùng to lớn trong quy hoạch đô thị, phát triển kiến trúc và những lợi ích khác như khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, an toàn về môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… đó cũng chính là phát triển bền vững mà toàn nhân loại đang hướng tới.


Sự thật về thuật phong thủy


Thuật phong thủy là vấn đề hết sức nhạy cảm và mang tính xã hội rất cao, ứng dụng nó không chỉ phụ thuộc vào lý thuyết mà còn phụ thuộc rất nhiều vào sự giác ngộ tâm linh. Nội dung cơ bản của phong thủy là một loại tri thức người ta dùng để lựa chọn và xử lý hoàn cảnh sống của phần dương trạch (quy hoạch, kiến trúc…) và phần âm trạch (lăng mộ, huyệt táng…) nhằm mục đích thỏa mãn tâm sinh lý của con người, tránh cái dữ, cái rủi ro, lấy cái lành, cáimay mắn.


“Phong thủy” có nghĩa là “gió và nước”, là hai đại lượng trong ngũ đại Dục giới (đất, nước, gió, lửa, thần thức). Hai đại lượng này rất linh hoạt, luôn chuyển hóa khi tương tác với các đại lượng khác. Mặt khác, nếu nhìn trên khía cạnh khoa học thì phong thủy là quan hệ tự nhiên vốn có giữa từ trường trái đất, địa tầng và sức khỏe, sinh lý con người. Từ xa xưa, phong thủy có hai trường phái: Hình (dựa vào thế đất) và khí (dùng âm dương bát quái suy ra lành, dữ). Do vậy, thuật phong thủy không thuần túy do “gió và nước” mà còn là siêu tương tác của Ngũ đại Dục giới. Địa lý phong thủy là môn nghiên cứu sự cảm ứng của dòng năng lượng khi đi qua các dạng địa hình, địa vật. Sự cảm ứng này là hàm số biến thiên bởi khí năng, thủy năng và tâm năng. Sự biến thiên đó phụ thuộc vào các yếu tố: khí tượng thủy văn; vị trí địa lý, địa hình, địa chất, con người. Các tác nhân này chính là thiên – địa – nhân.


Trải qua lịch sử phát triển của loài người, giai đoạn nào cũng có những học giả tài ba kế tục và phát triển. Bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều các học phái khác nhau, thậm chí có nhiều khi đối lập nhau và cho đến nay có nhiều luận điểm chưa rõ ràng. Tựu chung lại, thuật phong thủy nghe có vẻ huyền bí nhưng thực ra lại rất thực tế và gần gũi với đời sống. Người ta có thể xác định được nguyên nhân phát sinh quan niệm phong thủy chính là vì con người nhận thấy sự nhỏ bé, bất lực của mình trước thiên nhiên bao la đầy bí ẩn, trở nên sùng bái thiên nhiên, tìm mọi cách để thích ứng, hòa thuận cùng thiên nhiên.


Bản chất của phong thủy là học thuyết cổ xưa nghiên cứu sự ảnh hưởng của Gió (hướng gió, khí…), của Nước (mạch nước, nguồn nước…) đến đời sống, họa phúc của con người. Cũng từ đó phong thủy được chia làm hai lĩnh vực:


– Dương trạch: là cuộc đất được dùng làm nơi cư trú của người đang sống như làng mạc, thành phố, nhà cửa, đình chùa, miếu mạo…


Dương trạch cần phải hài hòa với thiên nhiên, có môi trường sạch đẹp, làm cho con người luôn cảm thấy vui vẻ, khỏe mạnh, thành đạt, hạnh phúc. Dương trạch tốt tức là môi trường tốt.


– Âm trạch: là cuộc đất dành cho nghĩa địa, mồ mả… thuật phong thủy cho rằng nếu người chết được an táng vào cuộc đất tốt về phong thủy thì sẽ truyền được phúc đức cho con cháu đời sau.


Dương và âm trạch theo quan niệm của con người có quan hệ hữu cơ với trời đất cả khi sống và sau khi chết.


Về thiên: Chấp nhận có sinh khí giáng xuống (gọi là Dương giáng) trên các đỉnh núi cao. Thừa nhận của các vì sao ảnh hưởng đến con người. Sự tương tác của các lực vũ trụ ảnh hưởng theo thời gian đến con người khác nhau. Ảnh hưởng theo chu kỳ của 9 hành tinh trong hệ mặt trời, được đại diện bởi Cửu tinh đồ xoay chuyển theo Quỹ đạo của Hà Đồ (không như quan niệm của cổ văn chữ Hán từ trước đến nay là theo quỹ đạo Lạc Thư). Phải chăng 9 Sao và Hạn (La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hán, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức và Tam Kheo, Ngũ Hộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Diêm Vương, Hoàng Tuyền) ảnh hưởng tuần hoàn theo chu kỳ sinh học của con người là đại lượng đo lường ảnh hưởng sự tương tác của 9 hành tinh trong hệ mặt trời đối với con người. Còn Cửu tinh đồ là đại lượng đặc trưng của sự tương tác các hành tinh trong hệ mặt trời với từng cuộc đất.


Ngoài ra còn ảnh hưởng của hệ Nhị Thập Bát Tú tới từng cuộc đất.


Về địa: Chấp nhận có sinh khí (còn gọi là Long) chảy theo các mạch nước, tụ lại và Thăng lên (bởi lẽ âm thăng, dương giáng).


Cho tới tận giờ phút này, khi chúng ta đang ngồi trên máy tính, người ta vẫn dùng các thủ thuật châm cứu, điện châm, xoa bóp, bấm huyệt.. để chữa cho người bệnh. Các thủ thuật đó của Đông y học đều dựa trên lý thuyết về hệ thống kinh mạch, huyệt lạc trong cơ thể người. Y học cổ truyền đã xác định được vô số huyệt đạo trong cơ thể người. Tùy theo từng bệnh khi châm cứu, người ta dùng kim tam lăng để châm vào các huyệt khác nhau, với thời gian và độ nông sâu khác nhau. Trong dân gian còn lưu truyền các bệnh pháp bấm, điểm huyệt có thể làm cho một bộ phận nào của cơ thể khi bị bệnh có thể trở lại hoạt động bình thường hoặc ngược lại, đang bình thường làm cho không còn khả năng cử động, thậm chí là bộ phận đó không còn sử dụng được. Ta vẫn biết rằng Thiên – Địa – Nhân là hợp nhất. Mọi vật thể dù là to hay nhỏ đều phải tuân theo những quy luật chung của sự tương tác vũ trụ, như vậy có thể tạm nhận định rằng trên trái đất này cũng có những đường kinh mạch, huyệt, lạc như cơ thể con người. Trái đất là một cơ thể sống chứ không bất động như nhiều người nghĩ, thế thì tại một thời điểm nào đó, người ta có thể dùng một thủ thuật nào đó có thể ngăn, bế chặn, giải thoát đường đi của một long mạch như các lương y làm trên cơ thể con người.


Như vậy về mặt lý thuyết thuật phong thủy vô cùng phức tạp và có lúc mang tính trừu tượng cao. Phong thủy có vai trò rất quan trọng, tuy nhiên nó chỉ hỗ trợ có tác dụng cải biến chứ không thể làm thay đổi hoàn toàn mệnh vận. Nếu phong thủy tốt sẽ giúp giảm thiểu được tai họa khi vào vận xấu, giúp gia tăng sự thành công, may mắn khi vào vận tốt.

Vai trò của phong thủy dưới góc nhìn khoa học hiện đại


Nếu nhìn nhận và phân tích thuật phong thủy theo quan điểm khoa học hiện đại thì rõ ràng là trên mặt đất có những vùng từ trường và điện trường (có cách gọi khác là tia đất) phân bố hoàn toàn khác nhau. Thời gian qua một số nước nghiên cứu rất kỹ những việc làm kỳ quái của các thầy địa lý và họ đã tìm ra khá nhiều điều thú vị. Bác sĩ Hager thuộc Hội khoa học Y tế Đức cùng đồng nghiệp Ba Lan tiến hành khảo sát trên 5.000 người chết vì bệnh ung thư ở thành phố Stettin – Ba Lan, kết quả bất ngờ là đa số các bệnh nhân ung thư do từng sống ở những nơi có tia đất mạnh. Kết quả đó cũng đã thức tỉnh các quốc gia quan tâm hơn đến vấn đề này, thậm chí người Đức coi trọng những phát hiện ấy đến mức họ thực hiện bổ sung luật về vấn đề mua bán nhà đất, xây dựng cơ bản, theo đó người bán đất hay công trình đã xây dựng trên đất, khi làm thủ tục chuyển nhượng phải kèm theo giấy chứng nhận đất ấy lành (môi trường tốt) không có tia độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.


Ở Việt Nam, gần đây cũng có nhiều hiện tượng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng những vấn đề có liên quan đến phong thủy. Mới đây, nhất là cách giải thích những tác động, ảnh hưởng của tia đất ở những khu vực đang được quy hoạch xây dựng và một vài điểm nóng về tai nạn giao thông, ví như kỹ sư Vũ Văn Bằng đã tìm ra tia đất bất thường ở đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, hoặc đầu năm 2007, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VACC) đã tổ chức nghiệm thu công trình hồ treo rộng 6.500m2, dung tích 30.000m3 nước trên trên núi đá xã Tà Lủng, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang cũng do anh tìm thấy mỏ nước ngầm chơi vơi trên núi cao. Kết quả tốt đẹp đó đã “hóa kiếp ngàn năn khát nước” cho đồng bào, bằng phương pháp kỹ thuật phát hiện gọi là tia đất. Rõ ràng đây là một hiện tượng nhà khoa học bình thường có đóng góp “không bình thường” cho lợi ích xã hội. Cũng như vậy, một hiện tượng gây xôn xao dư luận ở Hà Nội và trong nước về những kỳ bí xảy ra trên công trình cải tạo sông Tô Lịch. Để giải thích hiện tượng này, nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi trên khía cạnh học thuật đã được tiến hành, tuy rằng các nhà khoa học cũng đã có những đánh giá sơ bộ, song cho đến nay vẫn chưa có kết luận nào để có thể lý giải và khắc phục các sự việc trấn yểm đã được nêu ra. Sự thực đây là một vấn đề rất phức tạp trong địa lý phong thủy bí truyền. Vấn đề này liên quan đến phần Tý Ngọ lưu trù, linh quy bát pháp và thủ thuật trấn yểm đất. Nói đơn giản là mỗi một huyệt vị có thời gian đóng mở riêng của nó, tức là thời gian ứng nghiệm. Khi muốn tác động vào một huyệt vị nào đó phải đúng thời gian đóng hoặc mở của nó mới có tác dụng. Khi dùng thủ thuật trấn (đè lên), yểm (chôn xuống) cho thay đổi cả một vùng đất để có thể xây dựng cả một kinh thành thì sự hiểu biết phải vô cùng chính xác. Tiếc rằng kinh nghiệm này không được phổ biến rộng rãi nên đã thất truyền. Mà đó cũng là một điều mong muốn của nhân loại vì nếu ai cũng làm được thì trái đất này của chúng ta sẽ đi đến đâu? Tuy nhiên trong lịch sử cũng chỉ ra rằng có rất nhiều người tài ba, có khả năng đó.

Khái quát lại, thuật phong thủy là một hiện tượng xã hội tồn tại khá lâu bền, nếu phân tích kỹ, gạt bỏ những thủ pháp, nghi lễ, hình thức mê tín, bảo thủ, biết chắt lọc những kinh nghiệm dân gian đáng học hỏi để phục vụ cho việc nâng cao nhận thức và ứng dụng thuật phong thủy trong kiến trúc và quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại thì chúng ta phải ứng dụng nó dựa theo một hệ thống cơ sở khoa học biện chứng trên nền tảng những tìm tòi sáng tạo, kinh nghiệm tổng kết quy luật của bậc tiền nhân trong một quãng dài lịch sử phát triển nhằm phục vụ lợi ích của con người và tất nhiên không phải và không thể là bộ môn bí hiểm thần kỳ, càng không phải là loại tri thức cao siêu thần bí từ các thầy địa lý nói ra. Chỉ đơn giản là phương cách để chúng ta lựa chọn sắp đặt ngôi nhà của mình cho an toàn và tốt đẹp hơn.


Phong thủy – Dương trạch


Khi nói đến phong thủy, thường người ta chỉ nghĩ đến Âm Trạch, tức phần mộ táng của người quá cố mà không mấy khi để ý đến phần Dương Trạch, tức là nơi cư trú của con người. Nắm vững lý luận phong thủy về Dương Trạch sẽ giúp chúng ta tìm thấy những vùng đất an lành để tổ chức cuộc sống đô thị, mang lại môi trường sống an toàn cho các khu dân cư, sẽ giúp cho các kiến trúc sư khi sáng tạo tác phẩm kiến trúc của mình đạt được mục đích chính là tạo ra sự tiện dụng cho con người, mà vẫn đảm bảo dự hòa hợp cần thiết với môi trường xung quanh.


Khi nghiên cứu về kiến trúc nhiệt đới, chúng tôi được tiếp xúc với không tin các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này, đặc biệt với các chuyên gia nước ngoài. Họ bày tỏ sự quan tâm rất lớn đối với lý luận của các bậc tiên tri phương Đông và khẳng định rằng vật kiến trúc cần phải hài hòa với môi trường tự nhiên. Khi nghe kể về truyền thuyết Thăng Long – Hà Nội – kinh đô bậc nhất của các triều đại đế vương, họ khẳng định Lý Thái Tổ – người có quyết định rời đô từ Hoa Lư – Ninh Bình về Thăng Long cách đây gần nghìn năm thực sự là một nhà phong thủy, nhà kiến trúc môi trường đại tài. “Thăng Long phi chiến địa”, càng ngẫm lại càng thấy đúng, thật kính trọng tài năng của các bậc tiền nhân.


Xuất phát từ định hướng phái triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, việc nghiên cứu ứng dụng thuật phong thủy trong lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam hiện nay là vô cùng cần thiết trên cả 3 phương diện: Nhận thức, cơ sở lý luận, thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể của mỗi vùng miền nước ta.



Theo Báo Xây Dựng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *