UBND thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận về nguyên tắc tiêu chí rà soát đợt 1 và danh mục 245 dự án được triển khai. Sau nhiều tháng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về yêu cầu trước khi phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Hà Nội không cấp phép các dự án phát triển đô thị mới; giao UBND TP Hà Nội rà soát và có phương án cụ thể cho từng dự án đầu tư, đồ án quy hoạch đã được các địa phương xem xét, chấp thuận đầu tư trước thời điểm hợp nhất. Đến nay, Tổ công tác liên ngành của TP Hà Nội đã có báo cáo đợt 1 kết quả rà soát các dự án trong khu vực vành đai III đến sông Đáy. Công tâm, khách quan khi rà soát dự án Theo đó, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận về nguyên tắc tiêu chí rà soát đợt 1 và danh mục 245 dự án được triển khai; Trong 245 dự án với tổng diện tích 7.298 ha đã rà soát, quận Hà Đông có 77 dự án; huyện Mê Linh có 46 dự án; Đan Phượng 9 dự án; Thanh Oai 3 dự án; Thanh Trì 20 dự án; Thường Tín 13 dự án; huyện Hoài Đức 45 dự án. Đáng chú ý, có 144 dự án đầu tư trong lĩnh vực đô thị và nhà ở; 46 dự án trong công nghiệp; chỉ có 23 dự án đầu tư cho y tế, giáo dục với quy mô nhỏ. Hai huyện Hoài Đức và Mê Linh có mật độ dự án dày đặc, riêng 90 dự án của hai huyện đã chiếm 4.000ha đất. Nguyên tắc và tiêu chí áp dụng để rà soát dự án được đưa ra là: Đối với các địa bàn chưa có quy hoạch chung xây dựng được lập, phê duyệt như các huyện: Đan Phượng, Thanh Oai, Thường Tín, Hoài Đức, thì cơ sở để xem xét đề nghị cho dự án tiếp tục triển khai là dự án đó đã có quyết định giao đất hoặc thuê đất theo quy định của Luật Đất đai, đặc biệt là các dự án đã và đang giải phóng mặt bằng. Hạ thấp tiêu chí đối với những dự án thuộc lĩnh vực cần ưu tiên như y tế, giáo dục, nước sạch, môi trường… nhưng phải đảm bảo yêu cầu dự án đã được phê duyệt hoặc cấp phép đầu tư theo quy định của pháp luật; riêng quận Hà Đông, do đây là địa bàn đã có quy hoạch chung xây dựng được lập, phê duyệt theo quy định, nên tiêu chí rà soát là các dự án đầu tư đã được phê duyệt hoặc cấp phép đầu tư; tại huyện Mê Linh, các dự án đầu tư đã có quyết định giao đất hoặc thuê đất theo luật định, đặc biệt là các dự án đã và đang giải phóng mặt bằng được đề nghị cho tiếp tục triển khai; đối với hai huyện Từ Liêm và Thanh Trì, yêu cầu bắt buộc các dự án muốn tiếp tục triển khai thì nó phải phù hợp với định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội, vì hai địa phương này đã có quy hoạch chung lại nằm trong đô thị trung tâm theo đồ án quy hoạch mới của Thủ đô. Do phần lớn các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án thuộc khu vực huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín… chưa có nền quy hoạch chung, đang tiềm ẩn nhiều bất cập. UBND thành phố Hà Nội kiến nghị, sau khi được Thủ tướng chấp thuận, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo và cho phép Tổ công tác liên ngành nghiên cứu đưa ra các yêu cầu bắt buộc, cụ thể về nội dung quy hoạch đối với các dự án được triển khai đợt 1 để đảm bảo sự khớp nối đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật-xã hội khung, đảm bảo tiết kiệm, sử dụng đất hiệu quả và phù hợp với định hướng quy hoạch và bối cảnh hợp nhất… Vì “Thủ đô phát triển bền vững” Điều khiến dư luận và các nhà đầu tư quan tâm, là sau khi rà soát, các dự án không nằm trong danh sách được tiếp tục triển khai sẽ xử lý như thế nào. Đây là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư, nó có liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật trong thu hút đầu tư, tạo việc làm ở các địa phương trước thềm hợp nhất. Mặt khác, việc xử lý các dự án diện này, không chỉ liên quan đến vấn đề đền bù tài chính, đất đai, quan trọng hơn là để đáp ứng tốt nhất tiêu chí để “Thủ đô phát triển bền vững” mà Chính phủ đã đề ra, người dân kỳ vọng. Chúng tôi được biết, UBND thành phố Hà Nội đã kịp nhận ra nhiều dự án đô thị mới có quy mô rất lớn, lại nằm ở khu vực nhạy cảm về quy hoạch thoát nước của cả thành phố, cũng như ý tưởng vành đai xanh và chuỗi đô thị vệ tinh của Thủ đô trong nhiệm vụ quy hoạch chung thành phố đang tiến hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo sau khi có định hướng quy hoạch chung Thủ đô. Bên cạnh đó, còn một số dự án đầu tư xây dựng đường giao thông theo hình thức BT (đầu tư, chuyển giao) trên địa bàn Hà Tây (cũ) và bốn xã thuộc tỉnh Hoà Bình, như đường trục Bắc-Nam; cao tốc kéo dài Hoà Lạc-Hoà Bình; đường Đỗ Xá-Quan Sơn… sẽ báo cáo, xin chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ quyết định. Góp ý về cách giải quyết những vướng mắc sau khi rà soát các dự án nêu trên, Tiến sĩ Trần Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kiến trúc quy hoạch Bộ Xây dựng, đại biểu HĐND thành phố Hà Nội nêu ý kiến: Trước hết, phải nhận dạng từng dự án xem nó là cái gì, căn cứ pháp lý có đủ, có đúng hay không. Trên cơ sở đó mới đưa ra cách xử lý đối với các nhóm dự án. Tiến sĩ Trần Hanh cho rằng, cơ sở quan trọng nhất để giải quyết vấn đề này, là dựa vào quy hoạch chung thành phố Hà Nội được phê duyệt. Với kinh nghiệm cá nhân, từng làm Trưởng đoàn xử lý những vướng mắc quy hoạch đô thị ở Vũng Tàu, TP HCM trước đây, Tiến sĩ Trần Hanh cho rằng các nguyên tắc mà thành phố Hà Nội đưa ra là chưa thật đủ để xem xét, xử lý khách quan các dự án. Ông nêu ví dụ, nếu căn cứ quy hoạch vùng thì mỗi dự án đều quá nhỏ rất khó phân minh; nhiệm vụ quy hoạch chung chỉ là đầu bài chứ chưa thể coi là lời giải bài toán cho hay không cho tiếp tục triển khai các dự án; hơn nữa, đành rằng cần tôn trọng lợi ích của các nhà đầu tư, nhưng cũng cần thấy các dự án được phê duyệt trước thềm hợp nhất vẫn là lợi ích tiểu cục chứ không phải là lợi ích đại cục (tức lợi ích phát triển bền vững Thủ đô). Một yếu tố nữa, là việc xem xét dự án nào đó có thuộc vùng xả lũ, ngập lụt hay không phải có đánh giá dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, không làm thiệt thòi cho nhà đầu tư và cả người dân nơi đó. Vì thế, muốn xử lý hoàn hảo vấn đề khá nan giải này, thì phải dựa trên quy hoạch Thủ đô được duyệt và đáp ứng tiêu chí cao nhất là để Thủ đô phát triển bền vững. Về phương pháp rà soát, phục vụ tốt yêu cầu quy hoạch Thủ đô bền vững, Tiến sĩ Trần Hanh nêu vấn đề: Cần thành lập Đoàn công tác do Chính phủ chỉ đạo. Vì lĩnh vực rà soát dự án có liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, tài chính, quy hoạch, vùng thoát lũ… Những căn cứ để rà soát là khách quan như: Yêu cầu phát triển đô thị đến mức nào, phục vụ bao nhiêu dân trong thời gian bao lâu làm cơ sở duyệt bao nhiêu dự án đô thị; hay như xác định vùng thoát lũ phải có đánh giá khoa học… Trên cơ sở đó, xét từng dự án cụ thể để phân loại, đánh giá. Với khối lượng và tính chất công việc như thế, chỉ thành phố Hà Nội, hoặc một Bộ, ngành thực hiện là hết sức khó khăn. Được biết, thành phố Hà Nội đang ráo riết hoàn thành toàn bộ việc rà soát các dự án và kiên quyết thu hồi những dự án không đáp ứng yêu cầu quy hoạch mới của Thủ đô. (Theo CAND) |