Cuộc đời của con người có đến một phần ba thời gian là dành cho việc ngủ. Vì thế từ uyên ương mới xây dựng tổ đến các cụ nghỉ hưu đều muốn đầu tư sắm sanh cho cái phòng ngủ của mình thật tươm tất. Con gái đầu của tôi vốn mê phim Hàn Quốc nên khi ba mẹ xây nhà mới, cô nàng tha thiết xin được trang hoàng phòng ngủ theo kiểu Hàn Quốc “thấp sàn” với lối décor kéo lùi xuống dưới. Cửa sổ cách chân tường 80 cm, rèm cửa chấm nền còn giường ngủ chỉ là một khối gỗ cao chừng 20 cm đặt bệt xuống sàn. Giường thấp như vậy nên đi kèm với nó là hệ thống đèn ngủ, tủ kệ cũng chỉ ở độ cao nằm trên giường với tay là tới. Bàn trang điểm vẫn còn cần đến ghế nhưng bộ bàn hai ghế thường hay được bày trong các phòng ngủ cổ điển thì biến mất hẳn. Thay vào đó là những chiếc gối lười, gối tựa được đặt ngay trên sàn gỗ. Chính nhờ lối thiết kế này mà cái căn phòng tí tẹo có 10 m2 bỗng nhiên rộng thoáng hẳn ra. Chỉ có điều với kiểu thiết kế đơn giản như thế, muốn tạo được sự sang trọng và phá cách cho phòng ngủ này thật không hề đơn giản chút nào. Đường nét bố cục phòng phải ăn nhập với nhau, nội thất phải hiện đại, ánh sáng phải hài hoà và làm nổi bật vẻ đẹp của nội thất. Cầu kỳ, tinh tế và tốn nhiều công, nhưng với một cô kiến trúc sư đầy lãng mạn thì điều này đâu có là gì. Chồng tôi dù rất dễ tính, nhưng khi thiết kế phòng ngủ cho đôi vợ chồng không còn xuân cũng khá cầu kỳ. Anh quán triệt nguyên tắc phong thủy phải đặt lên hàng đầu. Căn phòng của chúng tôi được đặt trên tầng hai và ở hướng Bắc của ngôi nhà. Đây là hướng mà theo phong thủy là yên tĩnh nên tốt cho sức khỏe, đặc biệt là bệnh mất ngủ kinh niên của tôi. Hai cửa sổ hướng ra hồ điều hoà của thành phố khiến cho phòng của chúng tôi luôn thoáng mát. Dù căn nhà của chúng tôi không quá rộng nhưng với quan điểm là chốn để thư giãn sau cả ngày bươn bả ở công sở nên vợ chồng tôi quyết định để phòng ngủ của mình rộng ở mức tối đa 30 m2. Với diện tích này, chúng tôi có thể thoả thê bài trí phòng theo cái cách mà phải đi hết nửa đời người chúng tôi mới có thể. Đó là kiểu phòng ngủ kinh điển với chiếc giường gỗ lim cỡ rộng đặt ở giữa phòng. Bên cạnh là hai chiếc ghế bành nhưng có lưng ngả mềm nhũn để chồng có thể thoả thuê dõi theo những trái bóng trên màn hình hàng giờ mà không biết mỏi, còn vợ thậm chí có thể thu tròn người ngủ ngay khi vừa rời trang tiểu thuyết. Ngoài hành lang phòng cũng có một bộ bàn hai ghế nhưng là để dành cho những lúc vợ chồng vừa nhâm nhi tách trà vừa ngắm những dòng xe cộ lượn vòng quanh hồ sinh thái. Lùi ra phía tường bên trái của căn phòng là những cánh tủ âm có ván gỗ lên nước bóng loá. Đồng bộ với đó là những chiếc kệ, bàn trang điểm, hộp đèn bàn bằng gỗ ở phía dưới. Song có lẽ chi tiết khó khăn nhất và khiến vợ chồng tôi tranh luận nhiều nhất đó là ý tưởng đưa bồn tắm vào phòng ngủ mà chồng tôi học lỏm được từ resort nào đó. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng phòng tắm ngay sát vách sao phải đưa cái thứ ẩm ướt đó vào phòng ngủ. Nhưng quả thực khi thả mình vào trong bồn tắm ngào ngạt mùi tinh dầu, hoa hồng hay thuốc bắc, nhắm mắt lắng nghe từng nốt nhạc, hay rủ rỉ chuyện trò cùng nhau mới thấy ý tưởng của chồng quả thực đáng giá. Những nguyên tắc phong thủy nghiêm ngặt cũng được áp dụng vào phòng ngủ của bố mẹ chồng tôi, để các cụ có được những phút giây nghỉ ngơi thật tĩnh tại. Mỗi thế hệ trong gia đình tôi đều quan niệm, phòng khách có thể đơn giản, bếp cần tiện dụng nhưng phòng ngủ luôn cần đầu tư kỹ càng nhất.
(Theo GĐ Trẻ) |