TTO – Những họa tiết trang trí, những vật dụng trong gian bếp được thiết kế và sáng tạo mang đặc trưng của những vùng thôn quê, dân dã sẽ thật sự khiến căn bếp trở nên ấm cúng và lạ mắt hơn.
1. Mát mẻ ngày hè
Nhà thiết kế đã thổi hồn cho gian bếp cũ bằng cách tạo những điểm nhấn ấn tượng mang đậm nét thôn quê như những chiếc giỏ bằng mây tre đan thủ công.
Bên cạnh những họa tiết trang trí, những vật dụng được thiết kế và sáng tạo mang đặc trưng của những vùng thôn quê, dân dã, những bắp cải xanh non và giỏ trái cây còn giúp mang hương sắc thiên nhiên vào trong gian bếp.
Bên cạnh đó, ấm đồng cùng những chiếc bát với hoa văn cổ điển được xếp ngay ngắn gọn gàng trên giá cũng thật sự là những chi tiết nhỏ ấn tượng cho căn bếp.
2. Ấm áp mùa đông
Sự phối kết hợp màu sắc hài hòa tự nhiên giữa màu gụ, sữa, xanh và vàng nhạt trong trang trí nội thất khiến căn bếp mang đậm phong cách cổ kính này trông bắt mắt hơn rất nhiều.
Thay vì uống nước bằng những bộ ấm chén thông dụng, chủ nhân gian bếp lại dùng chiếc bình đồng và uống nước bằng bát hoa văn kiểu cổ theo đúng phong cách đồng quê.
Các vật dụng nội thất và bát đĩa theo đó cũng được sưu tầm từ những kho đồ cũ với những gam màu trầm ấm.
Trong không khí đầm ấm, một bình hoa huệ tây được cắm nghệ thuật trên chiếc bình đồng đã góp phần làm sinh động và tạo thêm nét độc đáo cho bếp.
3. Rộng thoáng
Một căn bếp mang phong cách hiện đại pha lẫn những nét thôn quê dân dã với những chú gà được đặt ngẫu hứng là hình ảnh thường bắt gặp tại vùng quê.
Bộ bàn ăn cũ được tận dụng lại với những chiếc ghế được sơn trắng đồng bộ với hệ thống tủ kệ bếp. Nếu màu trắng giúp tạo cảm giác mới mẻ, sạch sẽ thì bề mặt của những chiếc ghế làm từ chất liệu cói, vừa tạo độ thoáng mát lại thân thiện với thiên nhiên.
Góp phần tô điểm cho gian bếp, lọ hoa và giỏ hoa quả cũng giúp căn bếp trở nên sinh động hơn rất nhiều.
HÀ THU – V.N.A (Theo HGTV)