Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, từ cuối năm 2003 đến 2007, lợi dụng quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho nhân dân trên địa bàn phường Hải Hòa, thị xã Móng Cái (nay là thành phố Móng Cái), một số cán bộ cấp phường, Phòng Tài nguyên – Môi trường, Chi cục Thuế và UBND thị xã Móng Cái đã tự ý hợp thức hóa trái pháp luật các hồ sơ xin đăng ký cấp quyền sử dụng đất từ không đủ điều kiện thành đủ điều kiện, từ phải nộp tiền sử dụng đất thành không phải nộp tiền sử dụng đất; cấp GCN QSDĐ cho các trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp, tạm giao 20 năm, tự ý chuyển đổi mục đích làm đất ở; và không thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp đất có nguồn gốc sử dụng trước ngày 15.10.1993. Thậm chí, nhiều cán bộ lãnh đạo của địa phương còn lợi dụng việc làm trái này để vụ lợi cá nhân, cấp GCN QSDĐ trái phép cho vợ, con, anh chị em ruột, người thân, hoặc nhận tiền của người dân. Tổng cộng đã có 268 hồ sơ được cấp GCN QSDĐ gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hơn 32 tỉ đồng.
Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh mặc dù đến thời điểm này chưa có văn bản nào của Thủ tướng Chính phủ quy định Hải Hòa là xã miền núi nhưng tổ công tác liên ngành, chính quyền địa phương, Hội đồng đăng ký xét duyệt cấp GCN QSDĐ của phường Hải Hòa vẫn vận dụng Khoản 3, Điều 50, Luật Đất đai năm 2003, đưa Hải Hòa vào diện xã miền núi và hải đảo để thực hiện miễn giảm tiền sử dụng đất.
Theo lời khai của một số bị can và những người có liên quan đến vụ án tại bản Kết luận điều tra số 06 ngày 18.12.2008 và Cáo trạng số 06 ngày 21.1.2009, ông Phạm Văn Tiêu, nguyên Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Móng Cái là người đã trực tiếp chỉ đạo không bằng văn bản các cấp, ngành liên quan với nội dung: tìm cách nghiên cứu, “lách luật” để dân được cấp GCN QSDĐ, số hộ dân phải nộp tiền sử dụng đất càng ít càng tốt, mục đích để yên dân (dân không khiếu kiện). Sau đó, việc chỉ đạo bằng miệng còn được “cụ thể hóa” bằng thông báo số 241/TB-UBND ngày 5.7.2007, thông báo kết luận của Thường trực UBND thị xã Móng Cái để mau chóng thực hiện nội dung trái luật trên.
Sai phạm đã rõ như vậy, lời khai của các bị can cũng khá nhất quán ngay từ đầu về những nội dung chỉ đạo trái luật của ông Phạm Văn Tiêu. Thế nhưng không hiểu tại sao cơ quan tố tụng tỉnh Quảng Ninh lại “tạm tách” ông Tiêu ra khỏi vòng tố tụng với lý do vụ án phức tạp và thời hạn điều tra đã hết. Điều này đã khiến dư luận địa phương rất bức xúc và không khỏi nghi ngờ về dấu hiệu bỏ lọt tội phạm của cơ quan tố tụng trong vụ án này.
Theo tổng hợp của cơ quan công tố, trong vụ án này, tổng cộng có 268 hồ sơ đất đai đã được cấp GCN trái pháp luật, gây thất thu cho Nhà nước hơn 32,7 tỉ đồng; diện tích đất ở đã cấp GCN sai là 77.900m2, đất vườn, đất tạm giao là 44.300 m2. |
Phạm Hải Sâm
Chia sẻ với bạn bè qua: |