Bồi dưỡng kiến thức mới cho 100% cán bộ quản lý đô thị các cấp

Một trong những vấn đề nổi cộm được đề cập trong các diễn đàn hướng đến Ngày đô thị Việt Nam tuần qua là câu chuyện về chất lượng cán bộ quản lý đô thị. Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, trong những năm qua, các chính quyền đô thị đã rất quan tâm đầu tư để xây dựng đội ngũ, liên tục đào tạo, bồi dưỡng trình độ cán bộ làm công tác quản lý đô thị bằng nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cũng như từ sự giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức quốc tế. Mặc dù vậy, những cán bộ đã qua đào tạo chuyên môn lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị mới chỉ chiếm 9 – 11% ở cấp xã, phường, chưa đáp ứng được mức độ đòi hỏi của khối lượng công việc. Mặt khác, do lĩnh vực quản lý đô thị và kinh tế đô thị còn là vấn đề khá mới mẻ, chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm để phù hợp với đặc thù của đất nước do đó ở nhiều nơi, vai trò của chính quyền đô thị trong việc điều phối các đối tượng và điều tiết nguồn lực tham gia trong quá trình phát triển đô thị còn có nhiều hạn chế, dẫn đến thực tế vẫn còn phổ biến tình trạng thiếu thông tin, chồng chéo giữa các lĩnh vực.

Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) phạm Xuân Điều cũng có nhận định tương tự. Ông Điều cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng quản lý, phát triển đô thị nước ta còn nhiều hạn chế, bất cập là hệ thống chính quyền các đô thị chưa đủ năng lực kiểm soát hiệu quả tiến trình đô thị hoá, lực lượng cán bộ, công chức hành chính Nhà nước các cấp, trong đó phần lớn cán bộ lãnh đạo chính quyền phụ trách về phát triển đô thị chưa được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng, quản lý phát triển đô thị, kiến thức quản lý hành chính Nhà nước.

trong khi đó, theo phân tích của ông Điều, yêu cầu về quản lý xây dựng và quản lý đô thị theo Định hướng phát triển đô thị đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi đội ngũ công chức lãnh đạo chuyên môn đô thị các cấp không những phải có trình độ chuyên môn mà còn phải nắm vững hệ thống pháp luật, trình độ quản lý về xây dựng, quản lý hành chính đô thị, năng động và hội nhập khu vực và quốc tế.

Vấn đề đặt ra ở đây là khắc phục thực trạng nói trên như thế nào? Ông Đỗ Đức Viêm (Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam) đề xuất: Đối với các cơ quan trung ương và cấp tỉnh, cán bộ làm công tác quản lý đô thị cần được tuyển chọn từ các chuyên ngành như kiến trúc sư quy hoạch, kiến trúc, kỹ sư đô thị. trên cơ sở các kiến thức chuyên ngành đã được trang bị, họ còn cần được trang bị thêm các kiến thức về quản lý, kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Theo ông Viêm, để có thể triển khai công tác quy hoạch và quản lý xây dựng đô thị một cách hiệu quả, cùng với việc xây dựng các văn bản pháp quy làm căn cứ cho công tác thiết kế quy hoạch, cũng như công tác quản lý xây dựng đô thị, một yêu cầu mang tính chiến lược là phải không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này.

Đồng tình với quan điểm trên, ông phạm Xuân Điều cho rằng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý xây dựng và phát triển đô thị cho cán bộ, công chức lãnh đạo, chuyên môn của chính quyền đô thị các cấp là yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã giao cho Học viên nghiên cứu đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về quản lý và phát triển đô thị đối với công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp giai đoạn 2010 – 2015” trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đề án là nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp về công tác quản lý xây dựng và phát triển đô thị Việt Nam trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm đến năm 2015 trang bị cho 100% công chức lãnh đạo, chuyên môn đô thị các cấp thuộc 750 đô thị cả nước những kiến thức cơ bản, một số kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo  điều hành và thực thi các nhiệm vụ quản lý quy hoạch đô thị, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đô thị, quản lý phát triển và sử dụng đất đô thị, quản lý tài chính đô thị, quản lý môi trường, kiến trúc – cảnh quan đô thị, kiểm soát phát triển đô thị, tổ chức bộ  máy  quản lý đô thị.

Bên cạnh sự chủ động của Bộ Xây dựng, tại các diễn đàn, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hiệp hội Các đô thị Việt Nam cùng cam kết tìm kiếm mọi cơ hội, mọi nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức các đô thị, giúp các đô thị phát triển toàn diện, bền vững. Đây thực sự là một kênh hợp tác khá hiệu quả. Bởi chỉ riêng Hiệp hội, mỗi năm tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tập huấn, đào tạo ngắn hạn… tập trung vào những nội dung quản lý, xây dựng và phát triển đô thị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *