Mưu sinh bằng nghề “săn” hoằng đằng

Khoảng ba tháng trở lại đây, hàng ngàn người dân các xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, Quảng trị) đổ xô vào rừng đào cây hoằng đằng (loại cây quý thuộc nhóm IIA, đưa vào Sách đỏ Việt Nam 1996 loại cây đang được bảo vệ) mang về bán cho những thương lái. Tuy vậy, nhưng các ngành chức năng Quảng trị vẫn không hề hay biết.

Đi “săn” hoằng đằng

Từ khi đến tái định cư ở đây khoảng 250 hộ dân thôn Tân Hiệp, Bản Chùa xã Cam Tuyền cuộc sống mưu sinh bằng nghề rà tìm phế liệu, tuy nhiên với thu nhập không đủ trang trải và nuôi con ăn học. Mới đây, có một số thương lái từ phía Bắc vào tìm mua thân, rễ… cây hoằng đằng, lúc này người dân bắt đầu đổ xô đi khai thác. Ban đầu giá mỗi kilôgam là 2.500 đồng, rồi lên 6.000 đồng/kg. Đến nay, các thương lái đã thu mua mỗi kilôgam lên 15.000/kg.


Hoằng đằng được người dân “săn“ chắt phơi khô để bán cho thương lái.

Từ sáng sớm hàng ngàn người dân cơm đùm gạo bới, cuốc, xà beng, rựa… Và mỗi chuyến đi của họ thường 2-3 ngày, ăn ngủ tại rừng. Anh Nguyễn Văn, một thợ “săn” hoằng đằng cho biết, trước đây, cả gia đình phụ thuộc vào việc đi rà tìm phế liệu của anh nhưng cho thu nhập thấp lại rất nguy hiểm. Từ khi chuyển sang “nghề săn” hoằng đằng, mỗi ngày hai vợ chồng  kiếm được trên 50kg. trừ chi phí cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Còn chị Nguyễn Thị Thuỷ, một hộ dân khai thác hoằng đằng nói: “Không biết cây này họ mua mần chi, nghe đâu để chữa bệnh đường ruột. Họ trả cao nên tui tranh thủ đi kiếm thêm, cải thiện kinh tế gia đình. Mỗi ngày cả nhà cũng chặt được trên dưới một tạ rễ. Không có thời gian phơi nên bán tươi, kiếm cũng được vài trăm ngàn”.

Có mặt tại các thôn trong xã nói trên và bất cứ nhà nào đều thấy hoằng đằng phơi đầy sân, rễ hoằng đằng được chặt dài khoảng 4 – 5cm, phơi khô rồi cho vào bao. Hàng ngày, hàng chục chuyến xe tải nhỏ vào tận thôn thu mua.

Tận diệt cây quý

Ông Lê Hữu Khoa – Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Cam Lộ cho biết: “Cho đến nay chúng tôi mới chỉ cấp phép vận chuyển, khai thác cây hoằng đằng cho 80 hộ dân ở 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền. Những hộ dân này có đất rừng, họ xin khai thác số lâm sản ngoài gỗ là hợp pháp, không cho cũng không được. Ngoài ra, những hộ dân không phép, nếu khai thác “bừa” chúng tôi sẽ xử phạt gấp 3 – 5 lần so với số lượng hoằng đằng bị bắt giữ”.

Cũng theo ông Khoa, thời gian qua lực lượng Kiểm lâm Cam Lộ đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ khai thác vận chuyển hoằng đằng từ phía tây Quảng trị đi qua địa bàn. Đặc biệt, hai tháng trở lại đây Hạt Kiểm lâm huyện đã bắt giữ 6.890 kg rễ hoằng đằng.

Kiểm lâm nói một đằng nhưng thực tế lại khác xa. Bởi con số 80 hộ dân được cấp phép này quá nhỏ so với đội quân khai thác đang rộ lên từ các xã.

Theo quan sát của chúng tôi, số lượng người dân đổ xô đi khai thác hoằng đằng gấp 2 – 3 lần so với số hộ được cấp phép. Mỗi ngày hàng chục tấn hoằng đằng từ các cánh rừng trồng “chảy” về các kho của thương lái. Có ai dám chắc sau khi cây hoằng đằng ở Cam Tuyền, Cam Chính, Cam Nghĩa bị cạn kiệt  người dân sẽ không leo lên các cánh rừng nguyên sinh ở phía tây Quảng trị để “săn” tiếp.

Ông Nguyễn Thanh trung – Chủ tịch UBND xã Cam Tuyền khẳng định: Mặc dù tình trạng khai thác cây hoằng đằng ở địa bàn mới xảy ra khoảng 3 – 4 tháng trở lại đây, nhưng qua nhưng trận mưa lũ vừa rồi gây xói lở đất, tận diệt cây hoằng đằng đã hiển hiện. Ở các bìa rừng đã thấy vô số vực đất bị cày xới nham nhở. trước thực trạng này, Hạt Kiểm lâm huyện cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Cây hoằng đằng là loại cây thuốc, rễ, thân, lá… được dùng để chữa nhiều loại bệnh về tiêu hóa, tuần hoàn, bệnh mắt, đau lưng… Đây là loại cây quý thuộc nhóm IIA, cần được bảo vệ khẩn cấp. Loài cây nguy cấp Sách đỏ của Việt Nam (1996) xếp ở mức độ đe dọa bậc V.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *