Thiên nhiên đã tạo nên một vịnh Hạ Long hoành tráng và hoàn hảo đến mức tuyệt đối. Nhưng khi đến vịnh Bái Tử Long thì thấy khó quá, bởi thắng cảnh đẹp chẳng kém gì nhau. Thực ra thì hai vịnh kề nhau, nước liền nước, núi liền núi không dễ nhận biết ranh giới. Tìm hiểu kỹ thì thấy có rất nhiều điểm khác biệt. Đi tham quan trên vịnh Hạ Long, bao giờ thấy các hòn đảo phía trước là đảo đất thì đó chính là khu vực ranh giới vịnh Bái Tử Long. Ngược lại, nếu đi từ vịnh Bái Tử Long hết các đảo đất, phía trước là các đảo đá, đó là vịnh Hạ Long. Nếu gặp mưa nhỏ thì chỉ mưa một trong hai vịnh, bên này nắng, bên kia mưa, tính chất khí hậu khác biệt nhau cứ giống y chuyện cổ tích. Cũng vì có già nửa là đảo đất nên người Việt cổ đã chọn vịnh Bãi Tử Long thuộc huyện đảo Vân Đồn làm nơi sinh sống.
Đến Vân Đồn lần này chúng tôi gặp lão thành cách mạng phạm Học, nguyên Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn. Vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, ông nói về những ý tưởng phát triển kinh tế – xã hội của Vân Đồn, chỉ ra một số hạn chế trong quy hoạch của khu kinh tế mở mà Thủ tướng Chính phủ vừa duyệt (Quyết định 1296/QĐ-TTg ngày 19/08/2009). Chuyện sân bay, đường cao tốc, cầu Vân Tiên… trong quy hoạch ông phạm Học không bàn nhiều, mà chỉ xoáy sâu vào chuyện cảng cá, dịch vụ nghề cá, nuôi trồng và chế biến thủy sản. Ông nói: “Quy hoạch làm cảng ở sông Voi. Chỗ đó toàn là cồn đá, mức thủy triều thấp, luồng lạch khó khăn, lại xa mặt biển, sao bắt ngư dân đến đó được”. “Cụ thể là thế nào hả ông?”. “Các anh không biết, tỉnh không biết, tôi sinh ra ở đây tôi biết chỗ nào làm được cảng cá, dân chịu nghe. Nếu làm, chắc thất bại”. Ông tuôn ra một tràng và lắc cái đầu liên hồi. Ông tiếp: “Nghị quyết về phát triển kinh tế đã 5 năm mà vẫn chưa làm được gì, thí dụ như vấn đề phát triển ngư nghiệp. Không làm được thì đừng có đưa ra mục tiêu lớn quá. Dân Vân Đồn ăn sóng nói gió, họ thật thà, không nghe chuyện bánh vẽ đâu”. Nói rồi ông cười lớn, đầu lắc mạnh hơn. Nếu nhìn thành quả đổi mới của huyện đảo này được nhân dân thừa nhận thì chỉ có mấy sự kiện kể từ ngày thành lập huyện Vân Đồn 1994 đến nay. Con đường từ thị trấn ra cảng Cái Rồng hiện tại trước đây là bãi triều. Thời ông Nguyễn Đức Hà – Chủ tịch UBND huyện, ông phạm Học – Bí thư huyện ủy, đã cho phép một Cty từ phía nam đến đổ đất làm thành đường và đổi đất hai bên đường cho DN này bán cho dân ở. Bây giờ gọi là phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Ngân sách huyện không mất mà lại còn thu được nhờ các hoạt động xung quanh chủ trương này. Giá trị lớn hơn, dân có một quỹ đất khá lý tưởng và một con đường chạy thẳng ra biển hiện đang sử dụng làm cảng cá và du lịch. Cách làm này rất mới, nếu so ở Quảng Ninh đây là dự án đầu tiên. Nhưng rất tiếc, người đưa ra nhiều chủ trương có tính đột phá ấy, mặc dù dự án nào cũng rất hiệu quả thành công, nhưng va chạm với tư duy thủ cựu của đại đa số cán bộ đảng viên nên không thể thực hiện suôn sẻ. Đổi mới ở huyện Vân Đồn không phải là chuyện đơn giản. Năm 2005 khánh thành cụm cầu Vân Đồn, nối huyện đảo với đất liền. Sự kiện này thực sự là bản lề làm thay đổi rõ nét hơn cả. Cụm cầu Vân Đồn bằng nhiều giải pháp, ngân sách tỉnh là chủ yếu và có một phần phương thức đổi đất lấy hạ tầng. Con người tâm huyết nhất của dự án này là ông Hà Hiền Chủ tịch Quảng Ninh lúc đó (nay là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và ngân sách của Quốc hội). Khánh thành cây cầu, dân huyện đảo đi về không lệ thuộc phà đò Tài Xá, những nền văn minh từ đất liền ùa ra huyện đảo, khuấy lên một sắc thái sôi động pha chất biển đảo mặn mòi và khoáng đạt. Thế là huyện đảo Vân Đồn tự nhiên được chú ý. Nếu nói về môi trường thì nơi đây lý tưởng nhất, trong lành tinh khiết. Chất lượng hải sản khỏi phải bàn. Toàn dân làm nghề cá, người bán nhiều, người mua ít. Nếu gặp vụ sản lượng thu hoạch lớn, không có người mua, hàng ế la liệt nên mức sống của ngư dân rất thấp. Cái thế mạnh thủy sản chỉ đi có một chân, khai thác, nuôi trồng xem như nằm trong ranh giới phát triển, nhưng không có thì thiếu, có thì thừa, khâu chế biến trắng đầu tư. Chúng tôi cũng xem lại những động thái gọi là chủ trương, giải pháp của Huyện ủy, UBND huyện. Tất cả “vẫn y nguyên” như ngày trước nên diện mạo của ngành thủy sản – xương sống nền kinh tế của huyện đảo – vẫn mang tính tự phát là chính. Gặp ông Nguyễn trọng Minh, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn, ông tỏ ra như một nhà ngoại giao đầy kinh nghiệm. Nói chuyện lai rai chẳng đâu vào đâu, hỏi sâu thì hẹn lúc khác, cái gì cũng biết và cũng chẳng đâu vào đâu. Không hỏi được gì sâu bèn tán chuyện ngoài chính sử: “Sao nghe dân họ đồn ông là cái barie của Vân Đồn? Ông gác cổng chặt vậy từ bao giờ?”… Ông Chủ tịch cười phá lên, nói buâng quơ: “Sinh năm Bính Thân, đến phút hiệp phụ rồi, sao làm cái barie được!”. Tất cả đều cười. Tiếng cười kéo dài mãi lắng sâu vào đêm tối. Biển đảo Vân Đồn xưa và nay dường như vẫn thế, biển vẫn đầy nước, trời vẫn đầy mây, con người vẫn ăn sóng nói gió. Một thoáng Vân Đồn sao thấy bồng bềnh chơi vơi… |
Bồng bềnh biển đảo Vân Đồn
4
Bài trước