Ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, cho hay, tính đến 17h15 ngày 10/3, riêng ngành môi trường Hà Nội đã vớt được khoảng 1 tấn cá dọn bể. > Cá dọn bể chết hàng loạt trên sông Nhuệ Theo ước tính, có khoảng 10 tấn cá dọn bể đã chết trong những ngày vừa qua và hiện vẫn đang tiếp tục chết với số lượng ít hơn. Nguyên nhân cá chết được xác định là do khúc sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội đã cử cán bộ xuống các điểm xả nước thải ra sông Nhuệ, lấy mẫu phân tích để tìm ra điểm xả thải các độc tố để báo cáo thành phố Hà Nội xử lý. Cá chết do thiếu oxy Trao đổi với PV, ông Lưỡng cho hay, ngay sau khi nhận được thông tin có hiện tượng cá chết như báo chí đã nêu, Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội đã cử một đội quan trắc đến khu vực sông Nhuệ để tìm hiểu. Tại đây, đoàn kiểm tra thấy cá chết dạt vào hai bên bờ sông rất nhiều. Trong đó có 90% là cá dọn bể (con nhỏ nhất có chiều dài 6cm, con to nhất có chiều dài 30cm). Mặt sông có màu đen sẫm, bốc mùi hôi thối. Sau khi xác định vị trí các điểm đo tại khu vực cá chết nhiều nhất, đoàn kiểm tra đã lấy mẫu về phân tích tại phòng thí nghiệm. Kết quả các mẫu cho thấy, hàm lượng oxy hòa tan thấp hơn quy chuẩn cho phép từ 14 đến 26 lần; hàm lượng amoni vượt chuẩn từ 35 đến 37 lần và hàm lượng nitrit vượt quy chuẩn hơn 2 lần. Về nguyên nhân giảm hàm lượng oxy hòa tan trên sông, các cán bộ thuộc Trung tâm này đưa ra nhận định: Có thể do chất hữu cơ từ các khu vực dân cư và chất thải công nghiệp từ các công ty, các khu, cụm công nghiệp thải vào sông không qua xử lý dẫn đến việc dư thừa chất hữu cơ và các chất độc hại. Ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Kiểm soát ô nhiễm (Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội), cho rằng, hiện tượng cá ở sông Nhuệ chết cũng như các hồ chết trong nội thành Hà Nội trước kia. “Thường khi trời nồm, chuyển đổi áp suất không khí thì tại những dòng sông, hồ bị ô nhiễm, khả năng oxy hòa tan bị giảm khiến cá chết”, ông Hải nói. Ngoài ra, ông Hải cho hay, nguyên nhân chính là do nước xả thải không qua xử lý. Hiện tượng cá chết vừa rồi có thể có một cơ sở nào đó thải trộm nước thải có nhiều độc tố ra sông, gây nên hiện tượng bất thường của dòng nước. Cá chết, sông cũng… “thoi thóp” Ông Hải cũng nói, khúc sông nơi cá dọn bể chết nhiều không phải là khu vực ô nhiễm nhất trên dòng sông Nhuệ tại Hà Nội. Điểm ô nhiễm nhất được xác định từ cầu Hà Đông (quận Hà Đông) đến xã Đại Áng (Thanh Trì). Cụ thể, đoạn tính từ cống Liên Mạc (điểm khởi nguồn, kết nối từ sông Hồng vào sông Nhuệ) đến địa phận Cầu Đôi (xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm) được coi là có môi trường tốt nhất dòng sông này. Ông Hải kể rằng, khoảng 10 năm trước, người dân còn nuôi thủy sản ở khúc sông này. Song, do mức độ ô nhiễm ngày càng cao cộng với mực nước sông ngày một cạn nên không ai còn nuôi cá lồng ở đây nữa. Số cá còn sống sót là cá ngoài tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Lưỡng bổ sung, cũng tại khúc sông này, có một số khu công nghiệp vừa và nhỏ. Trong đó, cụm công nghiệp Từ Liêm có 36 doanh nghiệp, đang làm thủ tục xin xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, trong lúc chưa xây dựng, nước thải của khu này đã để chảy ra sông mà chưa qua xử lý. Đó là chưa kể tới một số cửa xả tự do của các làng, khu vực dân cư ven sông. “Theo kết quả kiểm tra ban đầu, nước sông Nhuệ tại khu vực này hiện đã bị ô nhiễm cao nhất từ trước tới nay. Các loài cá khác khó sống ở khúc sông này, cá dọn bể tuy khỏe là thế mà đến bây giờ cũng chết…,” ông Lưỡng cho biết. Tối 10/3, bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc công ty Thủy lợi sông Nhuệ cho phóng viên hay, hiện tượng nước sông Nhuệ bị đen từ khu vực Cầu Noi (Cổ Nhuế, Từ Liêm – như đã nói) đến hôm nay đã loang tới địa phận giáp ranh huyện Phú Xuyên (Hà Nội). “Như vậy, cả khúc sông dài hơn 30km đã bị nhiễm thứ nước này. Tuy nhiên, màu đen đã loãng hơn, mùi cũng bớt hôi thối,” bà Hạnh nói. Cứu lấy dòng sông Trước tình trạng khúc sông đang “chết” dần, Trung tâm Quan trắc và Phân tích tài nguyên môi trường Hà Nội đã kiến nghị phải ngăn chặn nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt không qua xử lý đổ vào sông. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh để xử lý nếu các đơn vị, cơ sở không tuân thủ xử lý nước thải trước khi thải ra sông. Để giải quyết tạm thời, Trung tâm này cũng đề nghị sử dụng nước sông Hồng cung cấp qua cống Liên Mạc để hòa loãng, giảm thiểu ô nhiễm trên sông. Nhất là khi việc sục khí bằng máy tại dòng sông này là rất khó thực hiện. Về phía Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, ông Lưỡng cho hay, đã cử đoàn thanh tra, khảo sát xuống lấy mẫu nước ở những cống xả thải được xem là có nguy cơ gây ô nhiễm lớn cho dòng sông Nhuệ dẫn đến cá chết hàng loạt. Từ đó tìm ra đơn vị nào gây ô nhiễm, trình thành phố để có quyết định xử lý. Tuy nhiên, trên thực tế, những cơ sở gây ô nhiễm thường không trực tiếp làm cống chảy thẳng ra sông. Họ thường xả ra hệ thống cống chung vòng vèo trước khi xả thải ra sông Nhuệ. “Trước kia, chúng tôi đã từng kiểm tra và xử lý một số cơ sở thải trực tiếp, gây ô nhiễm cho khúc sông này như Công ty giấy Tây Đô, sơn Cầu Diễn…,” ông Lưỡng nói. Về việc kiểm tra các cơ sở gây ô nhiễm toàn thành phố, ông Lưỡng phân bua rằng, Hà Nội có tới 4.000 doanh nghiệp, trong khi đó, Chi cục ít người, phương tiện cũng như kinh phí nên mỗi năm chỉ đi thanh tra được khoảng 100 – 150 doanh nghiệp. Thực tế, “Chi cục cũng đang đề xuất thành phố để bắt đầu đi điều tra, khảo sát xem nguồn thải chảy ra sông Nhuệ mức ô nhiễm đến đâu,” ông Lưỡng cho biết. Ngoài ra, ông Lưỡng cũng nói rằng, trước kia, môi trường sông Nhuệ chưa được quan tâm đúng mức. Năm 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ – Đáy. Giới chuyên môn và người dân hy vọng, khi đề án này được thực hiện, môi trường ở 2 lưu vực sông này sẽ thực sự được cải thiện như trong mục tiêu đề ra. Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Dương Tùng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường (thuộc Tổng Cục Môi trường), cho hay, trong năm nay, sẽ có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các lưu vực sông. Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo Luật định Đến năm 2020 sẽ khôi phục lại môi trường xanh, sạch, đẹp vốn có của lưu vực, 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Theo TTXVN/Vietnam+
Trong khi đó, đoạn từ khu vực Cầu Đôi tới cầu Hà Đông được xem là khu vực ô nhiễm tương đối cao do có cửa xả của cơ sở sản xuất giấy Tây Đô (khu vực những ngày qua xuất hiện xác cá dọn bể nhiều). Hơn nữa, cả tuyến này có cửa xả của làng lụa Vạn Phúc, một bên sông là hàng loạt những nhà hàng vịt nướng. “Toàn bộ chất thải của nhà hàng đều được trút xuống sông,” ông Hải nói.
Được biết, mục tiêu cụ thể đến năm 2010 của Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ – Đáy: bắt buộc 100% các cơ sở sản xuất mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; phấn đấu 40% các khu đô thị, 70% các khu công nghiệp, chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; thu gom 90% chất thải rắn sinh hoạt; xử lý 60% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế…
Cá chết, khúc sông Nhuệ cũng “hấp hối”
3
Bài trước