Những năm gần đây, việc phát triển xây dựng các đường hầm, cầu vượt là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm tránh ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Tuy nhiên, sau thời gian đưa vào sử dụng, vấn đề nổi nên là làm thế nào để quản lý tốt cảnh quan của những đường hầm, cầu vượt, cầu chui ấy?
Đi một vòng qua những cây cầu vượt trên toàn Hà Nội, chúng tôi thấy bất kỳ khoảng trống nào cũng chằng chịt những nét vẽ với đủ các màu sắc, hình dạng. Cầu chui đoạn ngã ba Trần Duy Hưng – Phạm Hùng – Láng Hoà Lạc là một ví dụ điển hình. Cây cầu dài gần 300m, hai bên tường được phủ kín bởi những nét vẽ xanh đỏ đen trắng. Nào là những câu thơ tình bất hủ, những lời tỏ tình ngọt ngào, những câu chửi bới không giống ai. Người nào yếu bóng vía đi qua cây cầu này có thể sẽ bị choáng vì sự dày đặc của các màu sắc ma quái. Đoạn đường hầm dành cho người đi bộ và xe đạp hiện đại nhất Hà Nội tại Ngã Tư Sở cũng được xem như một nơi lý tưởng dành cho những người… thích tỏ bày tâm tình. Đoạn đường nằm sâu dưới mặt đất 8m với chiều dài 462m này cũng được nhiều người quan tâm mà xuống “góp vui” chút ít tâm sự. Vào buổi tối người dân xung quanh thường đi bộ, trẻ con đạp xe thư giãn dưới đường hầm, thế nhưng những bức tường sáng trắng 2 bên không còn nguyên vẹn mà đã bị vẽ bậy bẩn rất mất mỹ quan. Gần đây nhất, cầu chui đoạn ngã tư Kim Liên – Đại Cồ Việt vừa thông xe kỹ thuật buổi sáng, chỉ qua một đêm tường hầm đã chi chít những nét vẽ. Trong khi đó, các hạng mục khác của công trình vẫn còn dang dở chưa được hoàn thành. Điều này cho thấy nhu cầu… thích thể hiện tâm trạng của một số người là vô cùng lớn. Xem ra các phương tiện truyền thông như tivi, điện thoại, blog cũng vẫn chưa đủ diễn tả hết cảm xúc riêng tư của mỗi người (!) Tương tự như vậy, cầu chui trên đường Láng – Hoà Lạc sau những ngày đầu hoàn thành, một số kẻ đã vẽ lên tường dùng đủ các loại hình. Mặc dù trước đó, nhà quản lý đã cảnh giác, treo biển “cấm vẽ bậy”. Thế nhưng sự việc cũng không được cải thiện là mấy, một số kẻ vẫn lén lút vẽ bậy. Riêng ở đường hầm đoạn Ngã Tư Sở, cơ quan chức năng đã gắn camera để theo dõi người tham gia giao thông và chống cả những kẻ muốn làm bẩn tường rào. Nhưng giải pháp này vẫn không hiệu quả. Có thể nói, đến thời điểm này các nhà chức trách xem ra chưa có được biện pháp nào triệt để. Ở các nước có mật độ đường hầm và cầu chui lớn trên thế giới như Nhật Bản, Singapore… các khoảng tường trống được phủ kín bằng những khối gạch men hoặc những bảng điện tử thông tin về thời tiết, nhiệt độ hay tỷ giá ngoại tệ trong ngày. Nhưng quan trọng hơn có lẽ là ý thức tôn trọng mỹ quan đô thị của người dân nơi đây. Còn tại Hà Nội, ý thức của người dân có lẽ còn phải bàn. Theo người viết, nên chăng nhân rộng mô hình của dự án Con đường gốm sứ. Giờ đây đi dọc con đường ven sông Hồng, chúng ta dễ dàng thấy trên tường bê tông của đê bao xây kè, các nhà mỹ thuật đã thiết kế và ốp những bức tranh ghép từ gốm sứ sinh động, giàu chất văn hóa và mang tính giáo dục truyền thống cao. Biện pháp này vừa chống vẽ bậy làm bẩn tường, mất mỹ quan đô thị, vừa tạo cảnh quan thẩm mỹ cho con đường.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Phạm Quang Nghị vừa kiến nghị UBND TP về tình trạng sơn vẽ bậy, làm bẩn tường và hiện tượng quảng cáo, rao vặt trái phép gây mất mỹ quan đô thị ở một số công trình công cộng trên địa bàn TP. Theo bản kiến nghị này, ông Phạm Quang Nghị đưa ra một số giải pháp chỉ đạo các cơ quan chức năng nhằm khắc phục hiện tượng trên, đặc biệt là trong dịp hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội như: Nhắc nhở mọi người tự giác chấp hành quy định về quảng cáo, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; Các cơ quan chức năng cần có biện pháp vận động giáo dục những thanh thiếu niên đã có những hành vi vi phạm tham gia khắc phục hậu quả, đồng thời cần giao cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật; Cần tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân đã tự nguyện tổ chức đi sơn lại, làm sạch đường phố; sớm xây dựng các đề án cụ thể nhằm phân công, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, có giải pháp và chế tài xử phạt những người cố tình vi phạm. |
Các công trình công cộng ở Hà Nội: “Ô nhiễm” thẩm mỹ
6