Hầu hết các KĐT mới khi bán cho người dân đều được quy hoạch đầy đủ hạ tầng và các công trình công cộng, trong đó không thể thiếu trường học. Thế nhưng, nếu như tốc độ xây dựng các khu nhà cao tầng nhanh bao nhiêu thì tốc độ xây trường lại chậm bấy nhiêu. Lý do đơn giản, xây dựng trường học không đem lại lợi nhuận nhanh và nhiều như căn hộ nên chủ đầu tư không mặn mà. Thế nên, nhiều năm trôi qua, việc xây dựng trường trong các KĐT chỉ dừng ở lời hứa hoặc vẫn “nằm trong quy hoạch”. Chính điều này đã gây ra nỗi bức xúc cho người dân. Chị Bích Ngọc, KĐTM Mỹ Đình cho biết: Từ ngày chuyển về đây sinh sống, chị vẫn phải đưa con đi học trái tuyến cách nhà gần chục cây số. Bản thân chị Ngọc và các hộ dân sống ở đây năm nào có con đi học cũng phải chạy ngược chạy xuôi tìm trường. “Không biết đến bao giờ KĐT này mới có đủ trường học”, chị Ngọc nói.
Thực tế này không chỉ diễn ra ở KĐTM Mỹ Đình. Tại huyện Từ Liêm, nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh của Hà Nội với trên 15 KĐT lớn nhỏ, hàng chục ngàn căn hộ, chung cư, biệt thự, nhà vườn… thu hút hàng vạn người dân đến sinh sống cũng chỉ KĐTM trung Hòa – Nhân Chính, Mỹ Đình II có từ nhà trẻ đến THpT. Nhưng tất cả đều là trường dân lập với mức học phí đắt đỏ, không phải người dân nào cũng có điều kiện cho con em theo học. Các KĐT khác ở Hà Nội, từ cao cấp đến bình dân như Nam trung Yên, Mễ trì Hạ…. đều trong hoàn cảnh tương tự. Tình trạng thiếu trường học đã gây ra nỗi bức xúc cho cư dân sống tại các KĐT. Người có điều kiện kinh tế thì cho con em vào học tại các trường dân lập. Nhiều người phải cho con đi học xa hàng chục kilômet, hoặc cho về nơi có hộ khẩu cũ học, hoặc học ké tại trường làng gần các KĐT. Điều này đã gây ra tình trạng quá tải cho các trường công lập cũ, vốn không được xây dựng để đáp ứng cho cả một KĐT. Nhiều cư dân tại các KĐTM than thở, mang tiếng là sống ở KĐT hiện đại mà không biết cho con học ở đâu? Lý giải về vấn đề này, ông Đào Ngọc Nghiêm, phó chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội cho rằng: Các KĐTM ở Hà Nội không thiếu trường trong quy hoạch, nhưng do chưa có sự đầu tư đồng bộ giữa việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật với nhà ở nên dẫn đến nhà thì ở kín, mà trường thì vẫn trống trơn. Bộ Xây dựng cũng đã ban hành tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị, trong đó, chỉ tiêu tối thiểu trên 1.000 người đối với trường mẫu giáo là 50 chỗ, tiểu học là 65 chỗ, THCS 55 chỗ và THpT 44 chỗ. Tuy vậy, đa số các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến việc xây nhà bán kiếm lời, mà chưa quan tâm đến trách nhiệm với cộng đồng. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý cũng chưa quan tâm đến vấn đề này. Việc xây dựng các KĐTM dường như mới chỉ được quản lý về mặt nhà ở chứ chưa quản lý được trường học. Ngành Giáo dục cũng không thể kiểm soát nổi số lượng học sinh đang tăng nhanh theo tốc độ gia tăng cư dân đô thị hiện nay. Do vậy, để cải thiện tình trạng trống trường tại KĐT, một số chuyên gia cho rằng, quỹ đất xây trường trong KĐT nên để cho chính quyền địa phương hoặc ngành Giáo dục quản lý để điều tiết một cách hiệu quả. Nhà nước cũng nên có chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư vào giáo dục. Nhưng trước tiên, cơ quan quản lý và cộng đồng cần giám sát chặt chẽ, phản biện tích cực và có chế tài xử lý khi nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết trách nhiệm xây dựng đồng bộ nhà ở và trường học theo đúng quy hoạch. |