Chuyển đổi mô hình Cty Mẹ – Cty Con: Hoàn thiện “Bộ luật con” để đạt mục tiêu lớn










Xung quanh tiến trình chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình “Cty mẹ – Cty con” tại các TCty xây dựng xuất hiện nhiều chuyện “nóng” mà khi đưa ra bàn nghị sự đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các đơn vị. Dĩ nhiên, đó là những biểu hiện bộc lộ sự lúng túng tất yếu ban đầu khi bắt tay triển khai một mô hình mới, cụ thể là các vấn đề xung quanh mối quan hệ giữa “mẹ” và “con”, mối quan hệ giữa Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc trong tình hình mới, Quy chế hoạt động đối với người quản lý phần vốn của TCty tại các DN khác cần ra sao để hiệu quả được nâng lên?…



Nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách cho mô hình
“Cty mẹ – Cty con”. (Ảnh mang tính minh họa).   Ảnh: TB




Rất may là, trong khi nhiều vấn đề bất cập đang tồn tại, thậm chí vẫn chưa tìm được câu trả lời xác đáng thì điểm thuận lợi là chủ trương phát triển các TCty ngành Xây dựng theo mô hình Cty mẹ – Cty con đã nhận được sự ủng hộ rất cao từ chính bản thân các DN đang hàng ngày cọ xát với thực tiễn sống động của nền kinh tế. Thực tế triển khai mô hình Mẹ – Con trong những năm qua cho thấy hoạt động của các TCty nhanh chóng ổn định, hiệu quả hơn và chuyển sang vị thế mới: Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm bước đầu được xác định, bộ máy quản lý được sắp xếp gọn nhẹ, năng động hơn, mối quan hệ giữa TCty với các đơn vị thành viên bước đầu đã chuyển từ quan hệ mệnh lệnh hành chính sang quan hệ kinh tế thông qua sở hữu vốn. Từ đó tạo điều kiện cho TCty (Cty mẹ) cơ cấu lại vốn để tập trung đầu tư vào ngành nghề mũi nhọn, ngành nghề mới hiệu quả hơn…



Về ưu điểm của các TCty sau cuộc chuyển đổi “Mẹ – Con” đã rõ, nhưng chỉ quan tâm đến ưu điểm mà không quan tâm đến những vấn đề thực tiễn bức xúc nảy sinh trong quá trình “Mẹ – Con” hoá tại các TCty sẽ không thúc đẩy được tiến trình này nhanh chóng đạt được các mục đích lớn đã được Chính phủ và lãnh đạo Bộ Xây dựng kỳ vọng. Quan điểm của Bộ Xây dựng là không kéo dài giai đoạn quá độ này mà phải nhanh chóng đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế chính sách cho mô hình “Cty mẹ – Cty con”. Và yêu cầu, dứt khoát được đưa ra để làm “nền tảng” cho việc hoàn thiện các “bộ luật con” của mô hình này là Chủ tịch HĐQT các TCty không được kiêm nhiệm bất cứ chức danh Chủ tịch HĐQT của bất cứ DN thành viên nào. Bên cạnh đó, còn phải tiếp tục hoàn thiện Quy chế người đại diện quản lý phần vốn của TCty tại các Cty CP, qua đó nâng cao vai trò trách nhiệm cũng như đổi mới phương thức quản lý vốn tại DN theo hướng đổi mới, hiệu quả cao…



Xung quanh vấn đề này, nhiều DN phản ánh, sở dĩ phải cử lãnh đạo TCty kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT các Cty thành viên là vì với những dự án đặc biệt quan trọng, yêu cầu người đứng đầu DN phải là người có tiếng nói, có uy tín, có quan hệ rộng để làm việc với các đối tác, các ngân hàng… trong khi DN thành viên chưa có “ứng cử viên đủ tầm gánh vác trọng trách ấy, chưa kể đó là những cán bộ có bề dày kinh nghiệm quản lý, năng lực cọ xát trên thương trường, có khả năng chịu sức ép tiến độ công việc nên không thể thiếu họ trong những giai đoạn nhạy cảm và quan trọng. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân tôn trọng và rất thông cảm với thực tiễn DN, nhưng ông kiên quyết cho rằng, đó là những trường hợp cá biệt, chỉ áp dụng khi có dự án đầu tư quan trọng, còn khi DN đã đi vào vận hành thì không nên kéo dài cách làm đó bởi quá nhiều lý do bất cập. Quan điểm của Bộ trưởng hết sức dứt khoát: “Khi đã giải phóng sức sản xuất cho Cty con thì lãnh đạo TCty phải nghiên cứu để giúp Cty con hoàn thiện bộ máy tổ chức của họ. Điều mà TCty cần quan tâm hơn cả là phải ban hành được cơ chế để kiểm soát phần vốn Nhà nước tại các Cty thành viên cũng như phát huy vai trò của những người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN”.



Thực tế bấy lâu, không ít người đại diện phần vốn Nhà nước (vốn của TCty) tại các Cty con chỉ hoạt động cho có “hình thức”, bởi khi cần biểu quyết vấn đề trọng đại nào đó, có lãnh đạo TCty lại vô tư… gạt họ sang một bên để “nhảy vào” biểu quyết mà không hề biết đó là điều pháp luật không cho phép. Cũng bởi hoạt động hình thức nên không ít nơi đội ngũ cán bộ này chỉ có chức mà chẳng phải làm gì, chẳng phải chịu trách nhiệm về điều gì. Nhưng trái lại, cũng không ít nơi, những người thuộc “tay trong” của TCty tại DN lại… quay lưng với quyền lợi của TCty, của Nhà nước. Tất cả là bởi quy chế quản lý người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN chưa được chú ý làm rõ. Nói như vậy để thấy với đội ngũ 17 TCty ngành Xây dựng và hệ thống hàng trăm Cty con, Cty liên kết…, nếu việc đào tạo đội ngũ cán bộ đại diện phần vốn Nhà nước được thực hiện chu tất, thì đó quả là một “trường đào tạo khổng lồ” làm nên đội ngũ cán bộ giàu bản lĩnh, kinh nghiệm và kiến thức vô tận để tạo nên những đột phá lớn cho các hoạt động kinh tế xây dựng cũng như mang lại lợi ích to lớn cho đất nước…



Nhưng dù quá trình “Mẹ – Con” hoá phát triển mạnh với hiệu quả lớn đến mức nào chăng nữa, vai trò kiểm soát của Nhà nước cũng không thể lơi là, xem nhẹ, bởi suy cho cùng nó liên quan chặt chẽ tới sự hưng vong của nền kinh tế. Không chỉ mối quan hệ giữa Cty mẹ và các Cty con cần được làm rõ hơn, hoàn thiện hơn mà mối quan hệ giữa các TCty với Bộ cũng cần phải có những quy định nghiêm túc để việc phát triển kinh tế luôn bảo đảm đi đúng hướng. Mối quan hệ giữa Cty mẹ và các Cty “cháu” cũng là vấn đề nảy sinh mới mẻ từ thực tiễn mà dứt khoát không được buông lơi. Quan điểm của Bộ Xây dựng là, mô hình “Mẹ – Con” sẽ không ngừng mở rộng quy mô, hình thức nên cũng sẽ không hạn chế cấm đoán, nhưng điều kiện tiên quyết để sinh “cháu”, thậm chí sinh “chắt” là dứt khoát Cty mẹ phải quản lý được thì mới được tiến hành, nếu không hậu hoạ sẽ không thể lường hết được. Chưa hết, quá trình “Mẹ – Con” hoá đang tiến hành song song với việc cơ cấu lại vốn đầu tư của các TCty… Đây là một loạt những vấn đề nhạy cảm nhưng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa ra các định hướng chỉ đạo sát sao nhằm đưa quá trình “Mẹ – Con” hoá các TCty vào quỹ đạo phát triển an toàn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *