Quản lý dự án đầu tư – búc xúc từ thực tiễn








>>Bài 1: Rắc rối từ khái niệm

>>Bài 2: Xác định sự cần thiết phải đầu tư: Chủ quan, duy ý chí

>>Bài 3: Vòng luẩn quẩn về chọn vị trí đầu tư

>>Bài 4: Công nghệ và kỹ thuật của dự án: Lực bất tòng tâm

Bài 5: Những nghịch lý từ… quy hoạch






Khi đã có dự án đầu tư xây dựng theo đúng quy định, chủ đầu tư phải nộp cho các cơ quan có thẩm quyền để xin “chấp thuận chủ trương đầu tư”, đăng ký đầu tư hoặc “giấy phép đầu tư” và “xin” thuê đất. Một vướng mắc nữa xuất hiện, đó là: quy hoạch.



Đã có 30 dự án thép được cấp phép ngoài… quy hoạch,
gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường.



Quy hoạch, theo từ điển Tiếng Việt là “bố trí, sắp xếp toàn bộ theo một trình tự hợp lý trong từng thời gian, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch dài hạn”. Quy hoạch là công việc rất quan trọng đối với công tác quản lý Nhà nước các cấp. Để một địa phương, một vùng, một quốc gia phát triển cân đối, thỏa mãn được những yêu cầu khác nhau về KT-XH, không thể không có quy hoạch.



Cái quy hoạch đầu tiên chủ đầu tư gặp phải là quy hoạch về sử dụng đất đai. Có lẽ ít ai biết được những bản quy hoạch về đất đai ấy được hoàn thành từ bao giờ và lưu giữ tại đâu. Song, nếu dự án là đầu tư xây dựng nhà máy xi măng và khi đối chiếu với “quy hoạch”, mảnh đất dự định xin thuê lại được dự kiến xây dựng nhà máy thuộc ngành công nghiệp sạch, công nghiệp không khói, hoặc khu du lịch sinh thái… là coi như chưa tìm được đất dự án. Khi đó, mọi việc lại phải trở về điểm xuất phát ban đầu: đi tìm một khu đất mới nếu không đủ mạnh để “sửa” cái quy hoạch đã được phê duyệt. Việc đi tìm một khu đất mới ở nơi khác cũng đồng nghĩa với việc viết lại dự án đầu tư vì chi phí GPMB, tiền thuê đất, tiền vận chuyển nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm (dự kiến)… đã hoàn toàn thay đổi.



Sau quy hoạch về đất đai là quy hoạch phát triển ngành kinh tế kỹ thuật. Quản lý kinh tế là phải hướng tới tương lai. Do đó, trong những năm gần đây, ngành nào cũng xây dựng quy hoạch phát triển cho mình với những cái tên rất hoành tráng như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành, quy hoạch phát triển và tầm nhìn đến năm 2030 của ngành… Chưa nói đến tính khoa học và chính xác của nó, việc xây dựng những quy hoạch ấy là hoàn toàn cần thiết để định hướng cho sự phát triển của bất kỳ một ngành kinh tế – kỹ thuật nào. Song, đau đớn là ở chỗ, các chủ đầu tư, thậm chí cả những nhà tư vấn chuyên nghiệp cũng không thể tìm thấy những bản quy hoạch của các ngành này. Thế cho nên, không ít dự án đầu tư sau khi hoàn thành phần luận chứng, xin được chấp thuận đầu tư của địa phương, khi làm việc với bộ “chủ quản” của ngành kinh tế – kỹ thuật liên quan đã nhận được “phán quyết” rất nhẹ nhàng “không phù hợp với quy hoạch phát triển ngành”. Cơ sở pháp lý của cái “phán quyết” ấy chính là bản quy hoạch phát triển ngành đã được công bố.



Một câu chuyện “không tin được, dù đó là sự thật” đã xảy ra với một chủ đầu tư, một nghệ nhân trong ngành thủ công, mỹ nghệ. Nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công, mỹ nghệ từ mây, tre, chủ đầu tư đã lập một dự án trồng 300ha mây (còn gọi là mây tắt – tên trong văn bản pháp quy) tại Hà Giang. Dự án đầu tư đã được tỉnh chấp thuận, hợp đồng thuê đất đã được ký kết, hạt mây giống đã được gieo, thành cây mây con chỉ còn chờ đưa vào rừng trồng và chăm bón. Tổng đầu tư của dự án là 30 tỷ đồng, chủ đầu tư đã chi 10 tỷ, số còn lại phải vay của Quỹ hỗ trợ phát triển (nay là Ngân hàng phát triển). Khi thẩm định dự án, Quỹ hỗ trợ phát triển đã từ chối cho vay vì lý d Theo quy hoạch trồng rừng (cây ngoài gỗ) do bộ chủ quản ban hành, cây mây không được trồng ở Hà Giang, chỉ được trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng. Thế là, chủ đầu tư đành… bó tay. Bởi vì, không thể chuyển dự án trồng mây về Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên!



Đó mới là những vướng mắc từ quy hoạch của cơ quan cấp bộ. Ngoài ra, những quy hoạch của địa phương cũng gây khó khăn không nhỏ cho việc thực hiện các dự án của các nhà đầu tư.



Thế nhưng, tình trạng “phá vỡ quy hoạch” lại vẫn xảy ra. Vừa qua, kiểm tra việc cấp phép đầu tư cho ngành thép, người ta đã chỉ ra có tới hơn 30 dự án được cấp phép ngoài… quy hoạch. Nếu thực hiện một cách nghiêm minh theo quy định của pháp luật thì những dự án ngoài quy hoạch ấy phải dừng lại. Song, nếu thu hồi giấy phép đầu tư của những dự án ấy thì thiệt hại của các nhà đầu tư ai sẽ chịu trách nhiệm?



Câu hỏi đặt ra là: cơ sở khoa học của những “quy hoạch tổng thể” ấy là gì?



Có thể khẳng định rằng, phần lớn các quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt là có cơ sở khoa học và cần kiên quyết thực hiện. Song, cũng có những quy hoạch mang tính cục bộ của ngành và thiếu cơ sở khoa học. Chẳng hạn, khá nhiều “quy hoạch” về đất đai là quy hoạch “treo” nhằm chiếm giữ đất phục vụ cho những mục đích cá nhân của các nhóm quyền lực; với cơ chế chủ quản, bộ quản lý ngành muốn giữ thế độc quyền cho các DN của bộ mình nên đã đưa vào “quy hoạch” nhằm hạn chế sự phát triển của các DN thuộc khu vực kinh tế tư nhân hoặc đặt ra những giấy phép con vô lý.



Những “quy hoạch” thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn đã và đang là cản trở lớn cho việc thực hiện các dự án đầu tư của các DN Việt Nam. Xin gióng lên hồi chuông cấp báo!.




(Kỳ sau: Thách thức từ… vùng nguyên liệu)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *