trong những năm qua, thực hiện chủ trương CNH, HĐH đất nước, cùng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế – xã hội của cả nước, tốc độ phát triển đô thị diễn ra rất nhanh chóng. Đến nay cả nước đã có hơn 700 đô thị trong đó có gần 100 Tp và thị xã. Các đô thị không chỉ phát triển về quy mô, diện tích mà đã được nâng cao nhiều hơn về chất lượng hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và dịch vụ công cộng, từng bước hình thành hệ thống các đô thị hiện đại, văn minh theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý xây dựng nói chung, quản lý xây dựng ở đô thị nói riêng đã được ban hành, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế công tác quản lý xây dựng và phát triển ở các đô thị. Tại các địa phương công tác quản lý xây dựng đã đạt những kết quả nhất định, giúp cho việc quản lý xây dựng đô thị dần đi vào nề nếp, đồng thời là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào đô thị ở nước ta trong thời gian qua; nhiều dự án đầu tư xây dựng KĐTM đồng bộ về hạ tầng cơ sở, khang trang, hiện đại đã được triển khai tạo ra diện mạo mới cho các đô thị; nhiều địa phương đã triển khai thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giảm bớt các thủ tục hành chính trong quản lý xây dựng, đặc biệt là các thủ tục về cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, công tác quản lý xây dựng tại các đô thị vẫn còn nhiều tồn tại và yếu kém: Nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đầy đủ và tập trung đúng mức cho công tác quy hoạch xây dựng (QHXD) cũng như việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chưa tuân thủ theo quy định pháp luật; việc công bố công khai đồ án QHXD đô thị chưa được thực hiện đã dẫn đến tình trạng phải thoả thuận về quy hoạch cho từng công trình, từng dự án, gây khó khăn cho công tác thẩm định thiết kế cơ sở, cấp giấy phép xây dựng và gây phiền hà cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó kiến trúc đô thị chưa được coi trọng và quản lý chặt chẽ dẫn đến bộ mặt đô thị còn lộn xộn, thiếu mỹ quan; công tác cải cách hành chính của một số địa phương trong quản lý xây dựng ở đô thị chưa triệt để, đặc biệt là việc cải cách thủ tục hành chính và thực hiện phân cấp về quản lý xây dựng cho cơ sở; trình độ, năng lực cán bộ ở cấp cơ sở còn hạn chế chưa đáp ứng kịp với yêu cầu nhiệm vụ mới, ngoài ra việc thiếu cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân của những khó khăn và tồn tại nêu trên. Chính vì vậy mặc dù nhiều địa phương báo cáo QHXD chi tiết tỷ lệ 1/2000 được phủ kín 50 – 60% diện tích QHXD chung, thậm chí có nơi được phủ kín 70 – 80%, song giá trị thực tiễn của các đồ án quy hoạch rất thấp, vì vậy nếu nhìn toàn cảnh về “bức tranh đô thị Việt Nam” chúng ta chỉ có những công trình đẹp nhưng chưa có một đô thị đẹp. Chúng ta biết rằng QHXD phải đi trước một bước làm cơ sở cho việc đầu tư xây dựng công trình, khu đô thị mới, song đã nhiều năm, các đồ án QHXD được cấp có thẩm quyền phê duyệt chưa được xem như một chế định pháp luật để thực hiện, đôi khi còn được xem như “một vật trang trí” nhằm để báo cáo thành tích; khi thực hiện thì theo chủ quan của người có thẩm quyền. Điều này đã gây ra một sự lãng phí quá lớn trong đầu tư xây dựng là nguyên nhân của tiêu cực, tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân. Việc buông lỏng quản lý về công tác quy hoạch được thể hiện ngay từ khâu kinh phí đầu tư cho công tác quy hoạch, đôi khi quan niệm một vài tỷ đồng cấp cho công tác quy hoạch là quá lớn, song nếu tính lại hậu quả công tác giải phóng mặt bằng khi đầu tư xây dựng nhiều năm qua thì thấy rằng sự tổn thất là quá lớn so với kinh phí đầu tư cho công tác QHXD. Ở một số đô thị, mặc dù các cấp chính quyền có quan tâm đến đầu tư cho công tác quy hoạch nhưng chất lượng một đồ án quy hoạch còn thấp, nó không có giá trị cho việc quản lý xây dựng theo quy hoạch. Vấn đề chất lượng đồ án quy hoạch phải chăng còn là “đạo đức nghề nghiệp” của các tổ chức, cá nhân trực tiếp làm công tác thiết kế quy hoạch? Một đồ án QHXD sau khi được phê duyệt mà bản đồ chủ yếu là mặt bằng sử dụng đất, mặt bằng của hệ thống giao thông thì sao có thể gọi là một đồ án QHXD? Cách làm này đã cắt bớt quy trình lập QHXD, vi phạm pháp luật về công tác quy hoạch nhưng không có ai chịu trách nhiệm. trách nhiệm ở đây không chỉ là một đồ án quy hoạch chất lượng thấp mà nó là một sự lãng phí không tính hết trong quá trình phát triển xây dựng đô thị, nó còn đang tạo ra những tiêu cực xã hội, những sự khiếu kiện phức tạp mà khó giải quyết dứt điểm. Qua thanh tra công tác QHXD tại Tp Hà Nội, Tp.HCM và một số tỉnh trên toàn quốc cho thấy những tồn tại nêu trên là quá rõ, không hiểu các đô thị trên đất nước này đều có tình trạng như vậy không? Nhưng dù sao các cấp chính quyền cũng cần sớm kiểm tra, rà soát để chấn chỉnh. Nhìn lại bộ mặt đô thị hơn 10 năm qua, đặc biệt là từ khi nền kinh tế thị trường phát triển, chúng ta đã có nhiều khu đô thị mới khang trang, hiện đại, hệ thống giao thông đô thị được mở rộng, nhiều công trình đẹp mọc lên từ thành thị đến nông thôn làm cho bộ mặt đất nước thay đổi. Hệ thống văn bản pháp luật về công tác QHXD đã cơ bản đồng bộ và đầy đủ, những hành vi vi phạm về công tác quy hoạch như đã nêu trên thì giờ đây những hành vi đó có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật nếu tiếp tục tái diễn. Mặc dù đã muộn nhưng điều cần làm ngay là các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện từng đồ án quy hoạch theo đúng trình tự lập, thẩm định và phê duyệt đã được pháp luật quy định. Hiện nay lực lượng những người làm công tác QHXD của đất nước không thiếu, vấn đề là những người đứng đầu của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền quyết tâm thực hiện và phải coi đồ án QHXD sau khi được duyệt như một chế định pháp luật để quản lý, điều hành trong việc xây dựng. Bên cạnh đó, những người lãnh đạo ở các Viện, các tổ chức tư vấn cần có “tâm” và có trách nhiệm với sự nghiệp QHXD của đất nước, chắc chắn trong tương lai chúng ta sẽ có những đô thị, những điểm dân cư nông thôn đẹp và phát triển bền vững. TS phạm Gia Yên |
Công tác quy hoạch xây dựng: Thực trạng và những yêu cầu
2