Chuyện như đùa ở khu phố “văn hóa”! Xây dựng làng, khu phố văn hóa là một trong những nội dung lớn của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gọi là những khu phố văn hóa, thế nhưng thực tế bên trong của những khu phố như thế này cần phải xem xét lại. Ảnh: Hùng Trọng Theo như lời kể của một số người trong khu phố thì người dân sống ở đây chủ yếu nhập cư từ các tỉnh. Họ thường xuyên tụ tập đánh bài, ăn nhậu, ca hát suốt đêm, gây mất trật tự nơi công cộng. Khi có người đến nhắc nhở thì bị họ chửi bới, đòi đánh nên không ai dám động đến. Một số người dân do quá bức xúc đã cầu cứu công an phường đến giải quyết nhưng theo phản ánh của các hộ dân này thì rất ít khi thấy công an đến giải quyết hoặc kiểm tra?! Chị Thu My, người dân sống tại đây cho biết: “Công an phường ít khi đến đây kiểm tra lắm, thường một năm chỉ đến vài ba lần vào dịp lễ lớn hoặc khi có đánh lộn. Có khi cả năm không thấy đến…”. Tại khu phố này có hàng trăm ngôi nhà nhưng chỉ có vài thùng đựng rác nhỏ được đặt ở đầu hẻm ra vào nên việc xả rác bừa bãi trở nên phổ biến. Cũng tại đây, chúng tôi chứng kiến cảnh một dòng kênh nhỏ rác quá nhiều, không còn chỗ trống cho nước chảy. Hàng chục, thậm chí hàng trăm bao rác được người dân thải xuống dòng kênh lâu ngày tạo nên mùi hôi thối nồng nặc. Dòng kênh ô nhiễm tạo điều kiện cho ruồi muỗi phát triển gây ra các dịch bệnh nguy hiểm nhưng một số em nhỏ còn lội xuống dòng kênh này để bắt cua chơi.
Cuối khu phố, ở hai bên đường chúng tôi chứng kiến tận mắt các loại ống kim tiêm nằm la liệt. Địa hình ở cuối khu phố này đất trống còn nhiều, chủ yếu là các gò đất cao, rất thích hợp cho những con nghiện có chỗ hút chích. Tình hình an ninh trong khu phố rất phức tạp, một số thanh niên trong khu phố thường hay rủ rê bạn bè đến tổ chức nhậu rồi gây gổ đánh lộn, tổ chức đá gà độ kiếm tiền, Khi khu phố văn hóa “trăm hoa đua nở” Còn ở một vài khu phố trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, ngày Tết đã qua từ lâu nhưng nhiều người dân vẫn tụ tập để đánh bài ăn tiền. Người chơi nhiều, người xem cũng không ít, gây mất trật tự khu phố nhưng không thấy dân phòng, công an phường đến dẹp.
Khu phố 3, phường Long Bình Tân, TP. Biên Hòa, Đồng Nai được công nhận khu phố văn hóa từ lâu nhưng tình trạng các băng nhóm giang hồ đánh nhau xảy ra không ít. Do mâu thuẫn, các đối tượng hù dọa đốt nhà, mang mã tấu đi thanh toán nhau làm người dân nhiều phen hoảng hồn… Theo ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, việc khu phố văn hóa “trăm hoa đua nở” là kết quả của bệnh thành tích. “Trong tình trạng chung, bề dày thành tích đã ăn sâu vào nhiều lĩnh vực, trong đó có việc xây dựng khu phố văn hóa. Đặc biệt khi Trung ương giao cho các quận, huyện tự công nhận khu phố văn hóa trên địa bàn mình thì các khu phố văn hóa “đua nhau mọc” để không thua kém nhau” – ông Đằng nói thêm. Cũng theo ông Đằng, nếu dựa vào các tiêu chí của khu phố văn hóa một cách đúng đắn thì rất ít khu phố đạt chuẩn. Chỉ riêng chuyện người dân lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, xả rác bừa bãi cũng làm khu phố không đạt văn hóa, còn việc khu phố văn hóa không có người nghiện, không có tệ nạn xã hội là điều khó. Theo ông Đằng, để giải quyết việc “khu phố văn hóa mà không văn hóa”, trước hết cơ quan chức năng cần chỉ đạo gắt gao các cơ quan, chính quyền địa phương kiểm soát; có biện pháp hạn chế, khắc phục tệ nạn xã hội… trên địa bàn mình. Lập các đoàn thanh, kiểm tra bất kỳ và đề nghị xem xét xử lý những sai phạm ở khu phố chứ không chỉ đi… cho có. “Không thể có chuyện khu phố văn hóa mà cảnh hút chích xảy ra ngang nhiên giữa ban ngày; bắt trẻ em lao động cực khổ trong những cơ sở tư nhân; các tụ điểm ăn chơi, mại dâm mọc lên không kiểm soát được” – ông Đằng nói. “Thà ít khu phố văn hóa mà chất lượng còn hơn có cũng như không”.
|