Chỉ ít ngày sau khi Nhật Bản nối lại ODA cho Việt Nam, ngày 3/3 vừa qua, “Diễn đàn kinh tế Việt Nhật” đã được diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam – ông Mitsuo Sakaba cùng nhiều đại diện của doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn lần này tập trung vào nhiều vấn đề phát triển kinh tế giữa hai nước, trọng tâm chính của cuộc thảo luận tại Hà Nội vừa qua tập trung vào nhiều vấn đề của ngày công nghiệp phụ trợ Việt Nam. Tại buổi thảo luận, Đại sứ Nhật Bản dành phần lớn thời gian phát biểu về những tồn tại mà công nghiệp phụ trợ Việt Nam mắc phải sau khi ông có chuyến đi thị sát các doanh nghiệp Nhật Bản. Đại sứ Nhật Bản nói rằng hiện sản xuất phụ tùng linh kiện chưa phát triển tại Việt Nam, gây khó khăn cho các doanh nghiệp Nhật. Điều đó cho thấy hiện tỷ lệ nội địa hoá đang ở mức rất thấp. Trong khi đó, các nhà sản xuất phụ tùng, linh kiện của Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đang dần từng bước tham gia vào thị trường Việt Nam. Đại sứ Mitsuo Sakaba khuyến cáo với các bộ ngành Việt Nam có liên quan về công nghiệp phụ trợ rằng vận mệnh của công nghiệp Việt Nam sẽ ảnh hưởng đến tương lai phát triển kinh tế của đất nước. Đại sứ cũng mong muốn Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam nâng cao trình độ cho các nhân viên trong ngành phụ trợ bằng cách cử cán bộ sang nhằm bổ sung kiến thức cho công nhân viên trong các doanh nghiệp. Thực tế, qua đánh giá của một số chuyên gia, hiện chính bản thân nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về ngành công nghiệp phụ trợ nên sự hợp tác với các doanh nghiệp Nhật giàu kinh nghiệm là rất cần thiết cho sự phát triển của ngành này. Hiện Việt Nam đã có Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp phụ trợ, tuy nhiên phía Nhật đề xuất cần nhanh chóng lập kế hoạch hành động để phát triển ngành này. Hai bên cũng đang chuẩn bị cho Sáng kiến chung Nhật – Việt giai đoạn 3, trong đó công nghiệp phụ tùng ôtô là trung tâm thảo luận. Bên cạnh đó, Diễn đàn lần này còn thảo luận về liên kết sản xuất và đào tạo nhân lực trong hợp tác giữa hai nước liên quan tới những thay đổi môi trường kinh doanh do khủng hoảng kinh tế. Hiện Nhật Bản là nhà đầu tư nước ngoài và tài trợ hàng đầu của Việt Nam, ODA của Nhật cho Việt Nam từ năm 1992 đến nay lên tới 14 tỷ USD. Qua cuộc gặp gỡ lần này cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật tới môi trường đầu tư và tiềm năng của Việt Nam vẫn rất lớn, bằng chứng là ban đầu số lượng doanh nghiệp đăng ký sang Việt Nam là 40-50, nhưng sau đó tăng lên gần 90. |