Trang chủ » Đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội: Chú trọng bảo tồn di sản

Đồ án quy hoạch chung xây dựng Hà Nội: Chú trọng bảo tồn di sản

bởi Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (QHC) của Liên danh tư vấn quốc tế ppJ, tất cả các giải pháp quy hoạch đô thị đều được thiết lập dựa trên tiêu chí bảo tồn. Cụ thể, đối với khu đô thị lõi lịch sử, đồ án QHC định hướng kiểm soát và giảm quy mô dân số từ 1,2 triệu dân xuống còn 0,8 triệu, khống chế tầng cao, mật độ xây dựng và có quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan từ đường vành đai 2 đến lõi trung tâm, đặc biệt là khu vực xung quanh Hoàng thành, khu Ba Đình, khu phố cổ, phố pháp, hồ Gươm, hồ Tây và một số làng truyền thống như làng hoa Tây Hồ, hoa Ngọc Hà, làng đúc đồng Ngũ Xã, làng Bưởi…, các di tích tín ngưỡng trong các ô phố, khu dân cư. Bên cạnh đó, vấn đề bảo tồn cầu Long Biên, lập kế hoạch khảo sát, đánh giá toàn diện các di tích Thăng Long cổ, khảo cổ để trùng tu, sửa chữa cũng được đề cập.


Các giải pháp quy hoạch đô thị đều được thiết lập dựa trên tiêu chí bảo tồn

Các di tích nằm ngoài đô thị lõi lịch sử sẽ tiếp tục được khảo sát và xây dựng danh mục công trình, cụm công trình di tích để đánh giá, xếp hạng và có kế hoạch bảo tồn. Các cụm công trình có giá trị về văn hóa lịch sử như thành Cổ Loa, Sơn Tây, các làng cổ (Đường Lâm, Bát tràng…), các chùa Thầy, chùa Tây phương, đình Thụy phiêu, đình Tây Đằng, Chu Quyến… tiếp tục nâng cấp bảo tồn di tích, khoanh vùng bảo vệ và kiểm soát các hoạt động xây dựng khu vực xung quanh di tích, loại bỏ các kiến trúc ảnh hưởng đến cảnh quan di tích.

Ngoài ra, đồ án cũng đề xuất bảo tồn các vùng cảnh quan sinh thái đặc biệt quan trọng như vườn Quốc gia Ba Vì, hồ Đồng Mô, hồ Tây, Hương Sơn, khu thiên nhiên bán sơn địa vùng Sơn Tây, vùng sinh thái tự nhiên ven sông Hồng, sông Đáy…

Đối với khu phố cổ Hà Nội, đồ án đề xuất bổ sung quy chế quản lý xây dựng và phát triển, phân kỳ tôn tạo cho các tuyến phố, cải tạo thí điểm chỉnh trang mặt đứng kiến trúc và không gian 1 tuyến phố trên cơ sở hiện trạng kiến trúc hiện nay, giảm mật độ cư trú, cải tạo điều kiện vệ sinh môi trường, sau đó nhân rộng nhiều khu phố khác.

Đối với khu phố pháp bảo tồn cấu trúc đô thị, giảm mật độ xây dựng, không phá dỡ biệt thự cũ, trả lại nguyên dạng, xóa bỏ các cơi nới xung quanh các công trình kiến trúc pháp xây dựng trước năm 1954, không xây dựng xen cấy các công trình mới đặc biệt là các công trình cao tầng đồng thời nâng cấp và trùng tu các công trình hạ tầng kỹ thuật…

Về cơ bản, nội dung bảo tồn di sản của đồ án QHC nhận được sự đồng tình của tư vấn phản biện và các nhà khoa học. Theo tư vấn phản biện Worley parsons, các hạng mục kiến trúc, tự nhiên, khu phố cổ, khu phố pháp, nhà thấp tầng trong khu vực lõi lịch sử Hà Nội với các đặc tính riêng cần được bảo vệ. Hà Nội sẽ nhạt đi nếu không còn sự phong phú như hiện tại. Do vậy, Hà Nội cần có một khung pháp lý đủ mạnh để bảo đảm việc tuân thủ đồng thời cần sửa đổi hệ thống giao thông trong khu đô thị lõi hiện nay. trong đô thị lõi không khuyến khích sử dụng ôtô cá nhân mà nên nâng cao khả năng đi lại, cấp điện, quản lý rác thải, quản lý ngập lụt, cấp nước, chất lượng không khí và các khía cạnh cần được ưu tiên quan tâm.

Mặc dù nhận định: Đề xuất giảm mật độ dân cư đô thị lõi xuống còn 0,8 triệu người vào năm 2030 của đồ án QHC là ý tưởng hay tuy nhiên GS phạm Ngọc Đăng (Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam) cũng cho rằng đây là việc khó khả thi, nhất là khi dân cư của khu vực này đang duy trì ở con số 1,2 triệu. GS Đăng cũng cho rằng các vấn đề giải quyết tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, thoát nước mưa, giải quyết úng ngập của Hà Nội cũ, giải quyết ô nhiễm môi trường nước các sông, hồ nội thành, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn phức tạp không kém.

trong khi đồ án QHC vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến của cộng đồng và ý kiến thẩm định của các bộ ngành, thì trước đó, trong công văn thông báo kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về đồ án QHC (báo cáo lần 3), Thủ tướng Chính phủ đã sớm yêu cầu Ban Chỉ đạo quy hoạch và đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Bộ Xây dựng, UBND Tp Hà Nội làm việc với tư vấn ppJ lưu ý một số nội dung. Theo đó, đối với khu vực đô thị trung tâm, nghiên cứu phương án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ và các nhà biệt thự trong khu phố cũ để tôn tạo, bảo tồn, có kế hoạch phục hồi, trùng tu duy trì phong cách kiến trúc đặc thù của các công trình này. Thủ tướng đồng thời yêu cầu UBND Tp Hà Nội chỉ đạo dừng ngay việc phá các nhà biệt thự cũ và xây dựng các tòa nhà cao tầng trong khu vực trung tâm. Đối với các khu chung cư cũ, khi cải tạo cần thực hiện chủ trương bảo đảm nghiêm ngặt các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị như mật độ xây dựng, tỷ lệ đất dành cho giao thông, cây xanh… để từng bước hoàn thiện đô thị văn minh, hiện đại.

Như vậy là cho dù đồ án chưa được phê duyệt nhưng tinh thần chủ đạo đối với đô thị lõi đã sớm nhận được sự chỉ đạo cao nhất. Tất cả đang nỗ lực hướng đến phát triển một Hà Nội văn hiến.

Có thể bạn cũng thích

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành, kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.