Mực nước biển dâng 30 cm ứng với kịch bản 1, dâng 75 cm ứng với kịch bản 2, dâng 100 cm sẽ ứng với kịch bản 3. Theo nhiều chuyên gia trong Ban chỉ đạo Quốc gia Quy hoạch tổng thể ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ĐBSCL cần phải đối phó ngay từ bây giờ.
ĐBSCL nằm giữa khu kinh tế năng động và phát triển: kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và toàn vùng Đông Nam Á rộng lớn, nằm giữa Nam Á và Đông Á, gần Châu Úc và các quần đảo trên Thái Bình Dương. ĐBSCL có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch dày, thuận lợi cho giao thông đường thủy. Với diện tích 3,94 triệu ha, dân số gần 18 triệu người (quý 4/2009), ĐBSCL có nhiều thuận lợi không những về điều kiện tự nhiên mà còn là địa phương cung cấp lực lượng lao động nông nghiệp chính của cả nước. Tuy vậy, khu vực này hiện đang phải hứng chịu không ít khó khăn, đặc biệt là về khí hậu. Nước mặn xâm hại, hiện tượng chua phèn, lũ và ngập lụt, hạn hán và thiếu nước ngọt, xói lở, cháy rừng và ô nhiễm nguồn nước là những gì mà ĐBSCL hiện đang phải đối mặt. Theo dự báo, đến năm 2030, lưu vực sông Mekong sẽ có nhiệt độ trung bình tăng 0,79 độ C, lượng mưa trung bình tăng 200 mm (tăng 15,3% lượng mưa hàng năm), tổng lượng dòng chảy hàng năm tăng 21%, lũ tăng trên tất cả các vùng trong toàn lưu vực, đặc biệt gây tác động lớn đến phía hạ lưu sông Mekong – lưu vực chảy qua lãnh thổ Việt Nam. Có ba kịch bản ứng phó với biến đổi khí hậu được các nhà khoa học đưa ra: Mực nước biển dâng 30 cm ứng với kịch bản 1, dâng 75 cm ứng với kịch bản 2, dâng 100 cm sẽ ứng với kịch bản 3. trong kịch bản 1, các nhà khoa học đưa ra phương án xây dựng bờ bao ven sông để bảo vệ nội đồng và lắp cống trong hệ thống kênh rạch, đặc biệt là kênh đào để chủ động nguồn nước. GS.Nguyễn Sinh Huy, nguyên giám đốc trung tâm Thủy Lợi 1 (thuộc Đại học Thủy Lợi), khu vực phía Nam cho biết: Để xây dựng kịch bản hoàn chỉnh phù hợp với thực tế địa phương, chúng ta phải nhận dạng được mực nước biển dâng: đỉnh triều dâng như thế nào, chân triều dâng như thế nào, biển Đông và biển Tây dâng như thế nào. Thực tế, ĐBSCL đang có hiện tượng đỉnh triều dâng nhanh, chân triều dâng chậm, do đó biên độ dâng tăng lên nên sức công phá lớn hơn. Hiện tại, ĐBSCL có rất nhiều hệ thống kênh rạch, cả tự nhiên và nhân tạo nhưng không có công trình phụ trợ nào để chủ động nguồn nước. GS.Huy phân tích: “Nếu xây đập ở hai đầu các con kênh này thì kênh tự nhiên hóa thành hồ, như thế cục diện sẽ hoàn toàn khác. Một khi biến kênh thành hồ thì không những giữ được nước ngọt đổ về từ thượng nguồn mà còn chủ động thoát nước khi có dấu hiệu lũ về”. Đối với kịch bản 2 và 3, các nhà khoa học tính đến phương án ngăn các cửa sông ở phía biển Đông và xây dựng các hồ chứa lớn ở khu vực biển Tây. Cụ thể, tại Bến tre, đang triển khai hoàn chỉnh các hệ thống công trình quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế sớm, thiết thực như 3 Dự án của WB, dự án Bắc Bến tre, dự án Kiểm soát lũ vùng Tứ Giác Long Xuyên… Riêng dự án Bắc Bến tre, Ban chỉ đạo Quốc gia Quy hoạch tổng thể ĐBSCL xác định 5 cụm công trình cơ bản để ngăn nước biển và giữ ngọt toàn bộ vùng Ba Lai. Điểm mấu chốt của dự án này là có nên đầu tư ngay 2 cống An Hóa và Bến tre hay không? Đây là vấn đề quan trọng mà dự án quy hoạch tổng thể đang đặt ra. GS. Nguyễn Sinh Huy đưa ra quan điểm, tại ĐBSCL, cho dù mực nước biển có dâng lên từ 1 – 1,5 m thì cũng không đến nỗi phải ngăn sông. Nếu chúng ta tận dụng được hệ thống thủy lợi hiện hữu, đặc biệt là các con đê ngăn mặn thì sẽ giảm được công sức và tiền của cho dự án quy hoạch này. Các nhà khoa học cũng cho rằng, trước mắt cần tập trung hoàn chỉnh, nâng cấp hệ thống đê biển, khép kín theo từng vùng, sau đó sẽ nâng cấp tiếp theo diễn biến của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2020. Quan điểm của Ban chỉ đạo Quốc gia Quy hoạch tổng thể ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho rằng, việc quy hoạch phải hướng đến phát triển thủy lợi tổng hợp, đa mục tiêu, linh hoạt, uyển chuyển nhưng chủ động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội ngày càng cao và thích ứng với mọi điều kiện khí hậu. Nguyên tắc quy hoạch mà Ban chỉ đạo Quốc gia đưa ra là: tôn trọng hệ thống công trình thủy lợi hiện trạng, điều chỉnh, bổ sung để mang lại hiệu quả cao nhất; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông và bố trí dân cư./. Hàng năm, ĐBSCL phải chịu những đợt lũ từ thượng nguồn đổ về |
Đối phó với biến đổi khí hậu bằng quy hoạch
7