Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của Quốc hội, nội dung được các đại biểu và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm là Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Tp.HCM. Nhiều đại biểu tỏ ý lo lắng về hiệu quả kinh tế – xã hội cũng như phương án huy động lượng vốn dự kiến gần 56 tỷ USD của dự án này. Tờ trình của Chính phủ nêu 4 phương án đầu tư đường sắt trên trục dọc Bắc – Nam, trong đó kiến nghị chọn phương án 4 nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương, đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách. Tổng mức đầu tư của dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55,853 tỷ USD. Dự án đầu tư đề ra 2 phương án huy động vốn nhưng chủ yếu từ ngân sách Nhà nước. Đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra như với nguồn vốn bình quân mỗi năm phải huy động 4,368 tỷ USD, thì vốn Nhà nước rất lớn, khó có thể đáp ứng được, trong khi vẫn phải đảm bảo nhu cầu vốn cho các dự án, công trình quan trọng khác. Hơn nữa, liệu đường sắt cao tốc có cạnh tranh được với hàng không? Ở nước ngoài, lượng khách chính là người sử dụng tàu cao tốc từ nhà đến công sở ở xa. Còn ở nước ta, liệu người dân có thói quen này? Với dự tính giá vé bằng 75% vé máy bay, cần xem xét ảnh hưởng như thế nào đối với lượng hành khách đi tàu khi đối tượng này còn có cơ hội lựa chọn phương tiện khác là đường hàng không. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội cũng cho thấy: Tờ trình của Chính phủ chưa phân tích rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản và cũng đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư. Theo Báo cáo đầu tư, ước tính có 16.529 hộ sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất. Báo cáo cũng dự trù việc đền bù cho những hộ nói trên. Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Đặng Vũ Minh, trong tờ trình của Chính phủ cũng như báo cáo đầu tư, phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này. Mặt khác, cũng có đại biểu cho rằng, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo đầu tư chưa phân tích những khả năng xảy ra rủi ro đối với hiệu quả kinh tế của Dự án do thời gian dự kiến thực hiện rất dài, với những biến động khó lường. Ðó là những rủi ro trong quá trình xây dựng dẫn tới tăng vốn đầu tư vì tăng khối lượng và đơn giá xây dựng cơ bản, phát sinh những vấn đề liên quan đến thiết kế, biến động về tỷ giá, giá cả, thị trường… Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần lượng hóa tác động của những rủi ro này cũng như đánh giá mức độ nhạy cảm của các chỉ tiêu kinh tế ảnh hưởng tới Dự án để đánh giá mức độ rủi ro khi quyết định đầu tư. Nhiều đại biểu đề nghị các Ủy ban khác của Quốc hội cần tham gia đánh giá, thẩm tra tính khả thi của dự án này, nếu cần có thể lấy ý kiến góp ý của các nhà khoa học và trưng cầu ý kiến của nhân dân để làm cơ sở cho Quốc hội quyết định về chủ trương.
|
Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP.HCM: Nhiều băn khoăn!
0