“Bảo tồn đình làng là phải cho nó có cuộc sống, phải có không gian chứ không phải bảo tồn theo kiểu biến nó thành di tích. Đã là di tích thì đình làng sẽ chết”, GS. Sử học Lê Văn Lan.
Trong hội thảo Không gian văn hóa đình làng Bắc bộ Việt Nam – Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản sáng 10/12 tại Đại học Mỹ Thuật Việt Nam, GS. Sử học Lê Văn Lan đã đưa ra rất nhiều khuyến nghị cho việc bảo tồn không gian văn hóa đình làng trước nguy cơ đang dần bị biến dạng và mai một.
Theo ông Lê Văn Lan, đình làng là biểu tượng thể hiện thẩm mỹ và hồn cốt của người Việt; trung tâm tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa của làng xã, đình làng quy tụ và gắn kết mọi thành phần trong cộng đồng. Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc, điêu khắc dân gian thuần Việt, mà còn là kho tàng về di sản văn hoá Việt như diễn xướng, lễ hội, huyền thoại, thần tích, truyền thuyết về các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, người có công mở đất dựng làng, vị tổ nghề…
“Nền tảng của đình chính là những ngôi làng mà các đình ấy tồn tại. Với tốc độ đô thị hóa hiện nay, làng đang đứng trước nguy cơ biến tướng, mất dần. Thế nhưng hiện nay, việc khôi phục cái gì? Phát huy cái gì? Bảo tồn cái gì? ở không gian văn hóa đình làng vẫn đang khiến các cơ quan liên ngành bối rối, chưa có sự tổng hợp liên kết”, GS. Lê Văn Lan bày tỏ.
Còn theo GS. Trần Lâm Biền, nguyên nhân chính khiến diện mạo đình làng – “ngôi nhà chung” của làng xã, đang có nguy cơ mất dần vai trò với cộng đồng là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức giữ gìn của con người. Cùng với sự vận động lớn của lịch sử thì con người ngoài làng và cả trong làng cũng đang góp phần vào phá hoại di tích, biến dạng đình làng.
“Thế nên, người ta càng thấy rõ hơn sự cần thiết, cũng như ý nghĩa của những triển lãm nghệ thuật, các hoạt động nghiên cứu học thuật và giáo dục hướng đến đình làng, để bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống”, GS. Trần Lâm Biền nói.
Cùng quan điểm, GS. Phạm Công Thành cho rằng: “Đình làng – “ngôi nhà chung” vừa phải là nơi thể hiện văn hóa tín ngưỡng thờ thành hoàng làng tôn nghiêm, vừa phải là nơi tự do sinh hoạt cộng đồng”. Theo GS. Thành, không gian di sản đình làng mới chủ yếu được nhắc đến với tư cách là nơi thờ tự các vị thành hoàng làng, anh hùng chống giặc ngoại xâm, các vị tổ nghề; nơi gìn giữ những tinh hoa kiến trúc, điêu khắc của dân tộc. Trong khi đó, chức năng quy tụ và gắn kết các thành viên trong cộng đồng của đình làng chưa được bàn nhiều.
Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Bùi Thị Thanh Mai, người khởi xướng dự án chia sẻ: “Càng đi sâu tìm hiểu, tôi càng thêm tự hào về sự tài hoa, tinh tế, lạc quan, yêu cuộc sống, yêu lao động và đặc biệt là tinh thần gắn kết con người với cộng đồng làng xã mà ông cha ta để lại.
Thế nhưng, kết quả nghiên cứu, khảo sát thực tế của các chuyên gia thuộc trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (từ năm 2011 đến nay) cho thấy phần lớn, chỉ có những người cao tuổi tại các địa phương còn ghi nhớ những câu chuyện truyền thuyết, thần tích về ngôi đình, các vị thành hoàng làng được thờ tự ở đó. Trong khi đó, giới trẻ bây giờ rất hiếm khi tham gia các sinh hoạt cộng đồng chung ở đình làng. Họ thường chỉ tới đó vào những dịp lễ hội.
Ông Lê Văn Sửu – Hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, cho biết thời gian tới, Đại học Mỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa những dự án về “ngôi nhà chung” của làng xã để nâng cao ý thức bảo tồn vào phát huy giá trị di sản, tránh tình trạng tình dân rạn nứt vì đình làng chùa chiền như thời gian vừa qua.
T.Lê