Hà Giang: Xoa dịu “cơn khát” trên cao nguyên đá





Chị Múng Thị Xuân xã Xà Phìn huyện Đồng Văn (Hà Giang) tươi cười và vui vẻ lắm khi gặp chúng tôi: “Nhà báo ơi, nước về cao nguyên nhiều lắm tất cả là nhờ Nhà nước đó, các anh công nhân đã về xây những cái hồ đầy nước cho dân mình dùng đấy. Cao nguyên đá chúng mình đang được xoa dịu cơn khát rồi đấy”. Nhìn ánh mắt ngập tràn niềm vui của chị Xuân, chúng tôi cảm nhận rõ được niềm vui của những cư dân trên miền khát này. Vậy là hồ treo, một giải pháp công nghệ đã thành công, đã đưa được nước về cao nguyên đá.


Đã từ bao đời nay, người dân ở các huyện trên vùng cao nguyên đá đều phải chịu cảnh “mùa khát nước”. Từ tháng 10 năm trước cho đến tháng 4 năm sau, người dân phải thức dậy từ 3, 4 giờ sáng và đi hàng vài cây số để gùi nước về dùng. Để giải cứu cho miền cao nguyên khát, các cấp, các ngành ở Trung ương, các nhà khoa học đã dày công tìm kiếm nguồn nước. Chương trình hỗ trợ của tỉnh Hà Giang giúp người dân xây bể nước cũng đã góp phần làm người dân vơi đi nỗi vất vả về nước trong mùa khô. Vì thế, cao nguyên đá vẫn “khát” như một lời “thách thức” đối với các cấp, các ngành và các nhà khoa học…


Trong khó khăn, ý tưởng xây dựng hồ treo trên cao nguyên đá với sự kiện hồ treo xã Xà Phìn (Đồng Văn), xã Tả Lủng (Mèo Vạc) được xây dựng thử nghiệm và đưa vào sử dụng đạt hiệu quả như một lời giải cho bài toán khó về nước. Các hồ treo đã giúp cho người dân ở xung quanh khu vực hồ vượt qua được những “mùa khát”. Trên cơ sở đó, trong chuyến lên thăm Hà Giang vào dịp đầu xuân của năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đi thị sát thực tế, đồng thời ghi nhận những thành công và hiệu quả mà các hồ treo thử nghiệm ở 2 xã Xà Phìn, Tả Lủng. Từ đó, Thủ tướng đã đồng ý cho xây dựng 30 hồ treo chứa nước trên cao nguyên đá với tổng kinh phí đầu tư là 90 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.


Với sự quan tâm, đầu tư của Chính phủ, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, các chủ đầu tư, các nhà thầu xây dựng đã tích cực triển khai xây dựng các công trình hồ treo trên nhiều địa bàn. Từ đó, đến nay đã có 6 hồ treo được khánh thành và đưa vào sử dụng là hồ: Há Pống Cáy, Sủng Nhỉ, Khâu Vai (Mèo Vạc); hồ Lùng Phủa, Ha Bua Đa, Cờ Lắng (Đồng Văn). Theo Ban quản lí Dự án hồ chứa nước sinh hoạt ở 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc cho biết: Dự kiến trước mùa mưa năm nay sẽ hoàn thành xây dựng 4 hồ nữa và khi có mưa xuống sẽ kiểm tra được khả năng chứa nước của các hồ. Với ý nghĩa “giải khát” cho cao nguyên đá, các hồ treo được đầu tư, thiết kế và phân bổ khá đồng đều ở những địa bàn thiếu nước nên sẽ góp phần giúp cho người dân có thể dễ dàng tiếp cận với nguồn nước.


Tại huyện Mèo Vạc, nơi được coi là địa bàn khó khăn nhất trong số các huyện của cao nguyên đá về nước sinh hoạt trong mùa khô, đến nay huyện đã có 4 hồ treo được hoàn thành, 3 công trình khác đang được khẩn trương xây dựng và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2009. Ông Hoàng Văn Đế, Trưởng Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng hồ treo của tỉnh cho biết: Các hồ treo đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả cao trong mùa khô này. Vì thế, tình trạng thiếu nước trầm trọng trên địa bàn 4 huyện đã giảm nhiều so với các năm trước.


Từ thị trấn Mèo Vạc, chúng tôi về xã Sủng Trà, một xã với đa phần là đồng bào Mông. Xã được đầu tư xây dựng một hồ treo ở xóm Há Pống Cáy. Hồ treo này được khởi công từ tháng 3 và hoàn thành vào tháng 9/2008. Với dung tích 7.797m3, đến nay, hồ đã được đưa vào sử dụng một cách hiệu quả. Để hiểu hơn về niềm vui cũng như thấy được những tiện lợi của hồ treo này, chúng tôi đã ghé thăm gia đình ông Vàng Chá Hơu, Bí thư Chi bộ xóm. Ông niềm nở cho biết: Trước đây vào mùa khô, người dân Há Pống Cáy cũng như xã Sủng Trà rất thiếu nước sinh hoạt, cuộc sống vất vả lắm. Được Nhà nước đầu tư xây bể chứa nước nhưng cũng chỉ đủ dùng phần nào, khi hết nước, người dân lại phải đi rất xa để tìm nước. Đến khi có hồ treo ở Tả Lủng cách xa xã khoảng 4km, dù đi xa 1tý nhưng có nước thì người dân cũng đã vui rồi. Nhờ có hồ treo Há Pống Cáy nên năm nay là năm đầu tiên trong “mùa khát”, người dân của 4 xóm của xã Sủng Trà là: Xóm Sủng Trà, Há Pống Cáy, Há Chế, Sủng Pờ A gồm có 322 hộ với 1.623 khẩu không chỉ có đủ nước ăn mà còn có cả nước để tắm và giặt, một điều mà từ trước đến nay chưa bao giờ có.


Tiếp chuyện chúng tôi, Hiệu phó trường cấp II Sủng Trà Phan Thị Sinh, vui vẻ tâm sự, mọi năm khi thiếu nước, số tiền bỏ ra để mua nước sinh hoạt cho các em học sinh nội trú dân nuôi cũng phải mất từ 1,5 – 1,7 triệu đồng. Nhưng năm nay, với 160 học sinh nội trú ở đây, nhà trường không còn phải lo đến chuyện thiếu nước sinh hoạt cho các em nữa. Nước được bơm từ hồ về đủ phục vụ cho nhu cầu của cả thầy và trò, cuộc sống vì thế cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều. Cụ ông Và Thả Và, 85 tuổi, một trong những người Mông già nhất ở xã Sủng Trà tâm sự: Ngày xưa vào lúc hạn hán, phải vất vả đi rất xa để hứng từng giọt nước ở các khe chảy ra. Nhưng nay được Nhà nước đầu tư xây cho hồ treo, dân trong xã không phải đi xa nên vui lắm. Anh Hầu Mí Sinh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết, để quản lý, sử dụng có hiệu quả hồ treo, tới đây xã sẽ phân công người quản lí hồ, đảm bảo giữ gìn vệ sinh công trình quý giá này.


Trên đường rời Há Pống Cáy trở về Hà Giang, chúng tôi gặp 3 bố con nhà Ly Chúa Lềnh địu can đi lấy nước ở hồ treo trở về trong nét mặt tươi vui. Ly Chúa Lềnh nói: “Những năm trước, vào dịp này, gia đình mình cũng như mấy chục hộ khác còn phải đi bộ hơn 4km sang Tả Lủng để lấy nước, giờ cái nước đã về Há Pống Cáy, cuộc sống của người Mông nơi đây giờ sướng hơn rồi”.


Cái khát bao đời đang dần dần được hóa giải, người dân ở quanh hồ treo Há Pống Cáy cũng như nhiều nơi trên cao nguyên đá bớt đi vất vả. Miền đá đang dân hết khát, cơn khát đã được xoa dịu bởi một công nghệ – Hồ treo những cái hồ nước đong đầy niềm vui và hạnh phúc. Miền đá khô khát Hà Giang đang dần hết khát. Đó là thành quả và sự vươn lên của chính quyền, người dân và sự quan tâm của Chính phủ với miền biên cương địa đầu tổ quốc Việt Nam. Chiều xuôi về phố thị bên những vạt nương những hàng ngô trùng điệp lấp ló lên xanh trên hốc đá, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống lại trở về với cao nguyên sau bao ngày khô hạn…/.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *