Tìm lại “Không gian xưa” của người Mường cổ





Hỏi thăm những người dân bản xứ, chúng tôi mới biết về Bảo tàng “ Không gian Văn hoá Mường” là công trình văn hoá, nghệ thuật bắt ngồn từ niềm cảm hứng sâu sắc của một hoạ sĩ, với tên đầy đủ là Vũ Đức Hiếu (hay còn gọi là Hiếu “Mường”) sinh năm 1977 tại Hà Nội, nhưng lớn lên và trưởng thành trên đất Mường- Hoà Bình. Bảo tàng nằm trên vạt đồi, trong một thung lũng đá vôi nhỏ hẹp, cách trung tâm Thành phố Hoà Bình gần 7 km quốc lộ 6 cũ (mới được đặt tên là Đường Tây Tiến), xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hoà Bình) và nơi đây vốn là địa bàn sinh sống của người Mường cổ.



Lần đầu gặp, trông anh Hiếu già dặn hơn với tuổi 33 của mình. Rít một hơi thuốc lào anh nói: “ xa gia đình vợ con ở trên này chỉ có chiếc điếu cày làm bạn thôi”. Sau khi tốt nghiệp loại ưu của hai trường Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu (nay là Đại học Mỹ thuật Hà Nội) và trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 2000 và 2001, anh Hiếu được nhận vào làm việc tại tờ tạp chí Văn Nghệ Công Nhân trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, tham gia Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hoà Bình, từng mở phòng trưng bày tác phẩm hội hoạ tại Thủ đô Hà Nội, trưng bày tác phẩm tại Anh, Singapore, Hồng Kông. “ Tôi cũng thích làm nghề báo như các bạn vì nghề này được đi nhiều nơi và có cuộc sống phóng khoáng. Tuy không phải người làm báo nhưng tôi cũng có được những ngày lang thang khắp các bản làng của 4 Mường Bi, Vang, Thàng, Động (Hoà Bình), có đi mới thấy được cái hay, cái lạ của văn hoá Mường” – anh tâm sự.


Khi chúng tôi hỏi: Anh có ý tưởng dựng lại “Không gian xưa” của người Mường cổ tự bao giờ? – Anh nói: Lúc đầu tôi chỉ sưu tầm những hiện vật liên quan đến đời sống hàng ngày của người Mường cho vui, nhưng dần dà mới thấy văn hoá Mường thật phong phú, sâu sắc. Vả lại tôi thấy trong cuộc sống hiện đại, chúng ta đang sống, những nét văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Mường Hoà Bình nói riêng và người Mường Việt Nam nói chung đang dần bị mai một. Từ đó, tôi chuyên tâm sưu tầm, gom nhặt, ghi chép và cất giữ những gì thuộc về văn hoá Mường. Sau gần 10 năm sưu tầm, Bảo tàng đã có hơn 3.000 hiện vật, trong đó nhiều hiện vật có giá trị lớn ( cồng chiêng, các lư, ninh bằng đồng…) phần nào tái hiện được đầy đủ các mặt trong đời sống, sinh hoạt kinh tế, tinh thần của người Mường như: công cụ đánh bắt cá, công cụ dệt, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình, dụng cụ săn bắn, phòng tang ma…Đặc biệt Bảo tàng còn xây dựng được một vườn cây thuốc Nam của người Mường với diện tích 500 m2, hơn 200 loài, hơn 600 cá thể và được chia thành nhiều nhóm thuốc như: thuốc Xương khớp, thuốc Gan, thuốc Cảm, Sốt, Ho, thuốc Tiêu hoá v.v… Có thể nói Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” là một quần thể xã hội Mường thu nhỏ ( nằm trong khoảng 2ha đồi, rừng), là nơi thể hiện sự phân biệt giai cấp trong xã hội Mường, với 4 ngôi nhà Tạo như: nhà Lang ( thuộc tầng lớp cao nhất trong xã hội Mường); nhà Ậu ( là tầng lớp giúp việc cho Lang); nhà Noóc ( thuộc tầng lớp bình dân trong xã hội Mường); nhà Noóc trọi (là tầng lớp nghèo nhất trong xã hội Mường). Mỗi một ngôi nhà trong Bảo tàng được bố trí theo đúng vị trí xã hội của chủ nhân nó trước kia. Bên cạnh đó, Bảo tàng lấy “ Không gian Văn hoá Mường” làm trung tâm, cách trang trí bày đặt đơn giản, gần gũi không cầu kì, tất cả những chi tiết ( hàng rào, đường đi, sắp đặt đồ đạc, bàn thờ thổ công…) đều phản ánh, tái hiện những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Mường.


Đến với Bảo tàng “ Không gian Văn hoá Mường” du khách không chỉ để tham quan, giải trí, mà còn để tìm hiểu, nghiên cứu về một dân tộc có bề dày và truyền thống văn hoá lâu đời. Một dân tộc được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định là người Việt cổ, nằm trên vùng đất văn hoá lớn đã được thế giới công nhận (Nền Văn Hoá Hoà Bình). Bởi vậy, ngày 16/12/2007, Bảo tàng “Không gian Văn hoá Mường” của hoạ sĩ trẻ, Hiếu “Mường” được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng gõ tiếng cồng khai trương và chính thức đi vào hoạt động. Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Bảo tàng đã thu hút hàng trăm lượt khách đến tham quan, ăn và nghỉ đêm tại Bảo tàng với số lượng lên đến 4.650 khách, trong đó có 50 lượt khách là người nước ngoài đến từ các nước: Pháp, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản.


Chia tay anh Hiếu “Mường” ra về mà trong lòng nuối tiếc, nếu có dịp tôi sẽ trở lại “ Không gian xưa” để được ngắm, nhìn và hoà mình vào cuộc sống của người Mường như dệt vải, quay sợi, tham gia các trò chơi dân gian…, điều mà anh Hiếu và chúng tôi mong muốn là các cơ quan, ban ngành, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ vì mục đích giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Mường ./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *