Hà Nội & những tiềm ẩn











Khi Hà Nội được quyết định mở rộng, ai cũng mừng. Mừng vì lẽ Hà Nội sẽ là một đô thị mở, không phải loanh quanh bởi 36 phố phường, không phải nặng lòng vì hệ thống hạ tầng đã lỗi thời, không phải lăn tăn vì những con phố chật hẹp “thênh thang tám thước”… Nhưng bên cạnh đấy là những nỗi lo. Lo vì với hệ tư duy của những luỹ tre làng, liệu những vùng đất mới có lặp lại những quy hoạch cũ. Lo vì những văn hoá làng xã cũ liệu có nhanh chóng thích nghi với tư duy của một Thủ đô mới. Lo vì một nền nếp quản lý đô thị đã lỗi thời có kịp thay đổi khi xuất hiện những quyết định đột phá của một tư duy quy hoạch mới…



Theo thông tin mới nhất, UBND thành phố Hà Nội đã rà soát được hơn 500 đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2000 và 1/500, trong đó có hơn 400 đồ án được cấp thẩm quyền phê duyệt với diện tích khoảng 40 nghìn hécta và dân số hơn 2,1 triệu người. Điều đáng suy nghĩ là có quá nhiều sự mất cân đối của các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư trên từng địa bàn và trên các lĩnh vực đầu tư đã xuất hiện. Các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cơ bản như đường giao thông, cấp thoát nước, xử lý rác thải, nước thải, cấp điện chồng chéo lên nhau đến… buồn cười. Các chuyên gia cho rằng sự chồng chéo này đang là tiềm ẩn một tương lai phát triển không bền vững.



Nhiều đồ án quy hoạch dự án đầu tư sử dụng đất canh tác nông nghiệp làm mặt bằng nhưng thiếu sự nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động qua lại giữa các mặt kinh tế – xã hội, giữa an ninh nông thôn và vấn đề phát triển tam nông, giữa vấn đề sử dụng đất trồng lúa và tạo công ăn việc làm khi dự án thực thi…



Nhiều người cho rằng nguyên nhân cơ bản những thiếu sót của những dự án trên là dựa trên tư duy nền kinh tế phát triển quá “nóng” của năm 2007, khi áp vào tình trạng kinh tế suy thoái trên thế giới cũng như trong nước, giờ đây đã không còn phù hợp. Các nhà đầu tư chắc chắn sẽ không thể huy động được lượng vốn theo như mong muốn của mình để thực hiện các cam kết. Việc này sẽ dẫn đến những quy hoạch “treo”, những dự án “treo” ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người nông dân vốn đã vô cùng lam lũ.



Nêu vấn đề này, những mong các nhà chức trách cân nhắc và có những quyết định để có thể dừng, hoặc hoãn, hoặc giảm, hoặc giãn, hoặc chuyển công năng những dự án chưa cần thiết để góp phẩn cùng cả nước chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới có một không hai của thế kỷ.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *