Hà Nội: Vẫn “nóng” cuộc giành đất xây trường











Trường tiểu học dành cho con em 13.000 dân phường Tứ Liên vẫn nép dưới sân đình.

KTĐT – Cứ tưởng thiếu đất làm trường chỉ diễn ra trong nội thành. Ngay những khu đô thị mới đầu tư hiện đại nhưng trường học vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Phần lớn tỷ lệ đất dành cho trường học trong các khu đô thị này không đáp ứng nhu cầu.

Thấy gì qua lớp học nơi sân đình, cửa Phật


Phường Tứ Liên, quận Tây Hồ có trên 13 ngàn dân nhưng duy chỉ có ba trường với ba cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Sau vài chục năm xây dựng, giờ đây cả hai cấp học của phường này vẫn dựa vào ngôi đình Nội Châu làm nơi giảng dạy.


Trường THCS có 11 lớp, thì 5 lớp phải nhờ sân đình làm nhà phục vụ 350 học sinh; 400 học sinh tiểu học cũng dựa vào khuôn viên đình làm trường. Đặc biệt, hơn 500 cháu nhỏ có nhu cầu đi học nhưng trường mầm non nơi đây chỉ chăm sóc được 300 cháu, còn lại phụ huynh tùy nghi tìm địa chỉ học cho con.


Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Đình Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên bức xúc: Chúng tôi rất quan tâm dành đất làm trường, và đã làm dự án trình thành phố nhiều năm nhưng chưa được duyệt. Lý do được đưa ra là chờ quy hoạch…


Khu vực ngoài đê chờ quy hoạch đã đành. Nội thành Hà Nội cũng không ít trường học dưới bóng sân đình, cửa chùa và các công trình khác. Trường tiểu học Lý Tự Trọng, quận Hoàn Kiếm nằm sâu trong ngõ 18, phố Hàm Long. Tinh ý mới có thể nhận ra tấm cửa sắt rộng 1,2m gọi là cổng trường nằm khiêm tốn bên lối vào chùa Hàm Long.


Tương tự như thế, Trường tiểu học Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm có tới 3 địa điểm, không có sân. Mỗi lần tập hợp học sinh lại một lần ngăn đường làm sân, rất bất tiện. Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, quận Ba Đình vốn đã hình thành từ lâu trong khuôn viên khu vực đình làng Kim Mã Thượng. Diện tích 800m2 đủ chỗ cho 800 đến 900 học sinh ai “đứng đâu, nguyên đấy. Trong khuôn khổ đó, nhiều năm qua nhà trường chỉ có thể sửa chữa nhỏ, lợp mái tôn duy trì 13 phòng học với 22 giáo viên.


Cô Hiệu trưởng nhà trường buồn rầu nói: Hơn chục năm qua, trường liên tục nằm trong tình trạng chờ di chuyển địa điểm. Khi thành phố đã có quyết định chuyển sang địa điểm số 50 Liễu Giai thì cũng vướng, vì không giải phóng được mặt bằng…


Đất xây trường trong khu đô thị mới: Không buông lỏng


Lâu nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có chủ trương khảo sát, lập kế hoạch chuẩn bị quỹ đất, quỹ nhà cho việc tách cấp, tách trường và di dời những hộ dân ra khỏi trường học. Việc thực hiện kế hoạch trên đã đạt được một số kết quả như xoá toàn bộ các phòng học cấp 4 cả ở cấp tiểu học, THCS, giáo dục thường xuyên; tách một số trường tiểu học với THCS… thuộc Hà Nội (cũ). Tuy nhiên, sau khi mở rộng, danh sách những trường khó khăn về cơ sở vật chất lại tăng lên, tập trung ở những huyện xa như Ba Vì, Sóc Sơn, 4 xã của tỉnh Hòa Bình mới nhập về Hà Nội.


Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, thì khu vực Hà Nội (cũ) hiện còn 6 điểm trường chưa thể chia tách vì không có đất hoặc không thể giải phóng được mặt bằng. Điển hình như trường hợp lấy 3649,3m2 đất của Công ty TNHH một thành viên cơ khí Trần Hưng Đạo tại 193 Bà Triệu theo Quyết định 3804/QĐ-UB của thành phố để xây dựng Trường THCS Vân Hồ, đến nay chưa kết quả; đối với Trường THCS Lê Ngọc Hân, quận Hoàn Kiếm lại có vướng mắc khác.


Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có Văn bản số 1172/QHKT-P1 chỉ rõ địa điểm mà trường xây dựng là chỗ Công ty Rượu Hà Nội khi nhà máy di rời đi nơi khác theo kế hoạch của thành phố. Nhưng nhiều năm qua, việc thực hiện văn bản trên vẫn nằm trên giấy. Người ta có cảm tưởng, công cuộc đầu tư vào giáo dục cơ bản như vấn đề xây dựng trường mà làm theo kiểu “bắc nước chờ gạo người” thế này thì không biết bao giờ mới xong?


Chưa hết, để giành lại đất xây trường, Hà Nội đang phải căng sức di chuyển các hộ dân sống trong khuôn viên các trường học từ nhiều năm. Hiện có khoảng 382 hộ dân sống trong khuôn viên các trường học, trong đó có 273 hộ dân trong các trường thuộc diện Sở quản lý, 109 hộ thuộc các trường diện quận, huyện quản lý.Mặc dù đầu tư nhiều công sức và tiền của, nhưng mới chỉ giải quyết được trên 20 trường hợp, còn lại hàng trăm hộ vẫn cố thủ trong trường học và có khuynh hướng lấn thêm đất của trường khi có điều kiện.


Cứ tưởng thiếu đất làm trường chỉ diễn ra trong nội thành. Ngay những khu đô thị mới đầu tư hiện đại nhưng trường học vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Phần lớn tỷ lệ đất dành cho trường học trong các khu đô thị này không đáp ứng nhu cầu.


Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn cho rằng, một trường THCS, THPT trong khu đô thị như Linh Đàm, Định Công cần ít nhất là 5ha đất. Vậy mà thực tế, người ta chỉ dành từ 1 đến 2ha đất/trường, thật quá nhỏ, không đủ chỗ cho trẻ vui chơi chứ chưa nói đến việc tập luyện, giáo dục thể chất. Thế nên xuất hiện tình trạng có nơi nhiều, nơi ít trường, phát sinh quá tải, trái tuyến… gây khó khăn cho người dân.


Thiết nghĩ, khi phê duyệt dự án đô thị, cấp thẩm quyền cần xác định rõ các tiêu chí cho trường học, dành tỷ lệ đất thỏa đáng xây dựng trường chứ không để cho chủ đầu tư làm theo kiểu mỗi nơi mỗi cách như hiện nay



Theo CAND

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *