Hình thành tập đoàn kinh tế theo mô hình Cty mẹ – Cty con: Những vấn đề cần nghiên cứu, trao đổi (bài 8)







Bài 8: Quản trị tập đoàn kinh tế – những thách thức lớn



Từ những đặc trưng cơ bản của Tập đoàn kinh tế (TĐKT), việc quản trị TĐKT đã gặp những khó khăn, thách thức vô cùng lớn.



Trước hết, chủ thể của việc quản trị TĐKT không được khẳng định rõ ràng về mặt pháp luật. Thông thường, trong các TĐKT có một Cty đầu tư vốn vào các Cty khác với tỷ lệ chi phối và trở thành Cty mẹ. Cty mẹ có tư cách là chủ sở hữu vốn đối với các Cty con. Song, nếu để thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, Cty mẹ ban hành một văn bản yêu cầu các Cty con phải thực hiện những quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ bị thất thoát vốn thì văn bản đó rất dễ bị cho là trái quy định của pháp luật vì các Cty con là những pháp nhân độc lập. Sự thừa nhận của Cty con đối với sự chỉ đạo hay chính xác hơn là sự quản lý như vậy của Cty mẹ chỉ hoàn toàn là tự nguyện. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi hiện nay, một số Cty mẹ trong một vài TĐKT thuộc khu vực ngoài quốc doanh đã đưa cụm từ “Tập đoàn” vào thành một bộ phận trong tên gọi của mình như “Cty CP Tập đoàn…”. Tên gọi đó ngoài mục đích quảng bá về tập đoàn còn có ý nghĩa khẳng định vị trí là chủ thể quản trị trong tập đoàn.



Thứ hai, quyền của chủ sở hữu – Cty mẹ trong tập đoàn – cũng rất hạn chế và không rõ ràng. Khoản 1 Điều 147 Luật DN quy định: “Tuỳ thuộc vào loại hình pháp lý của Cty con, Cty mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên, chủ sở hữu hoặc cổ đông trong quan hệ với Cty con theo quy định tương ứng của Luật này và pháp luật có liên quan”. Quy định nêu trên có nghĩa là, Cty mẹ không được thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động của Cty con mà chỉ được thực hiện các quyền đó trong các cuộc họp Hội đồng thành viên đối với Cty TNHH; HĐQT và đại hội đồng cổ đông đối với Cty CP. Đó là điều không hợp lý. Bởi lẽ, việc quản lý vốn đầu tư của chủ sở hữu phải thực hiện theo nguyên tắc thường xuyên, liên tục nhằm ngăn ngừa tình trạng thất thoát vốn từ các Cty con. Nếu chỉ kiểm tra, giám sát theo định kỳ của các cuộc họp hội đồng thành viên, HĐQT hay đại hội đồng cổ đông thì Cty mẹ không bao giờ quản lý chặt chẽ được số vốn của mình đã đầu tư vào Cty con. Tỷ lệ vốn Cty mẹ đầu tư vào Cty con càng lớn thì sự vô lý này càng nghiêm trọng hơn. Vì vậy, không ít Cty mẹ trong TĐKT đã phải thực hiện những biện pháp cứng rắn khác cho dù là không đúng với quy định của pháp luật.



Thứ ba, khó có thể áp dụng một cơ chế, biện pháp thống nhất để quản trị TĐKT.  Quản trị TĐKT chính là quản trị các quan hệ trong sự liên kết tự nguyện. Song, sự liên kết trong TĐKT lại theo “những nguyên tắc và phương thức nhất định” tức là nó không giống nhau giữa các TĐKT và cũng không giống nhau trong sự liên kết giữa Cty mẹ với các Cty con khác nhau trong cùng một TĐKT. Chẳng hạn, trong một TĐKT, sự kiểm soát, chi phối của Cty mẹ với Cty con này thông qua vốn đầu tư nhưng lại kiểm soát, chi phối Cty con khác thông qua công nghệ sản xuất và kiểm soát, chi phối một Cty con khác nữa thông qua thị trường tiêu thụ… Như vậy, cơ chế, biện pháp cần thiết để Cty mẹ thực hiện quyền của chủ sở hữu với những Cty con trong những liên kết khác nhau rất khác nhau.



Thứ tư, không thể thực hiện những mệnh lệnh hành chính trong quản trị TĐKT. Nếu những văn bản, mệnh lệnh hành chính như quyết định bổ nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật, thông báo, lệnh điều động… được coi là công cụ đặc biệt quan trọng trong việc quản trị các Cty, TCty, thì với quản trị TĐKT, những văn bản hành chính đó, về nguyên tắc, là không thể thực hiện. Lý do cơ bản là, theo quy định của pháp luật, không một ai có thể nhân danh Tập đoàn để ban hành những mệnh lệnh hành chính ấy; Cty mẹ là một pháp nhân độc lập cũng không thể ra lệnh cho những pháp nhân độc lập khác trong tập đoàn.



Thứ năm, quản trị TĐKT đòi hỏi người chủ sở hữu – chủ của Cty mẹ – phải có năng lực quản lý ở trình độ cao. Khác với những Cty, TCty độc lập, TĐKT thường có quy mô lớn, đa sở hữu, đa ngành nghề và hoạt động trong một phạm vi rộng. Hơn nữa, sự liên kết giữa các Cty trong tập đoàn cũng rất phong phú. Vì vậy, người có vai trò là chủ sở hữu – đại diện cho Cty mẹ phải có năng lực quản lý ở trình độ cao và toàn diện. Một sự khiếm khuyết dù nhỏ ở vị trí này cũng có thể dẫn tới những hậu quả lớn trong toàn bộ tập đoàn.



Ở nước ta, trong mấy năm gần đây, hình thành các TĐKT dường như đã trở thành một “phong trào”. Đi tiên phong trong “phong trào” này là việc chuyển từ các TCty Nhà nước thành TĐKT. Chỉ trong một thời gian ngắn, 8 TĐKT Nhà nước đã hình thành. Mục tiêu của việc cho ra đời những TĐKT ấy là để tạo ra “những quả đấm thép”, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Song, đến nay, những thách thức lớn trong quản trị một TĐKT như đã trình bày ở phần trên đã là hiện hữu trong các TĐKT Nhà nước. Nếu để các TĐKT Nhà nước hình thành và hoạt động theo đúng quy luật vốn có của nó, tức là bằng những liên kết tự nguyện và do đó, đối tượng của quản trị là một “tập hợp mờ” thì tình trạng thất thoát vốn Nhà nước, đầu tư tràn lan, hiệu quả sử dụng vốn thấp… là điều khó tránh khỏi. Vì lý do này, để khắc phục sự lúng túng trong quản trị TĐKT, không ít trường hợp TĐKT đã bị “biến dạng”, đã bị “hành chính hóa” bằng cách cho TĐKT một pháp nhân và có quyền lực hành chính bao trùm đối với các Cty trong tập đoàn. Điều đó, về bản chất là sử dụng cơ chế, biện pháp trong quản lý các Cty, TCty đối với TĐKT. Làm gì và làm thế nào để quản trị các TĐKT mà không làm “biến dạng” nó, không quay trở lại phương thức cổ truyền là hình thành một “cơ quan chủ quản”? Đó là câu hỏi đến nay các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đang loay hoay chưa tìm ra lời đáp!



Những thách thức đã nêu trong quản trị TĐKT cũng xuất hiện đầy đủ và rõ nét đối với các TĐKT ngoài quốc doanh. Ngoài những thách thức chung ấy, các TĐKT ngoài quốc doanh còn đối mặt với một thách thức riêng đối với khu vực kinh tế này, đó là: Sự mâu thuẫn gay gắt giữa tính “xã hội hóa” trong quản trị TĐKT với phương thức “gia đình trị”. Thách thức này xuất phát từ bản thân các DN Việt Nam. Từ quy mô gia đình đi lên, phần lớn các chủ DN đều mang nặng phong cách quản lý gia đình và hậu quả bao trùm là sự thiếu minh bạch trong mọi hoạt động và sự liên kết rất có thể bị phá vỡ.



(Kỳ sau: Những ưu, nhược điểm của Tập đoàn kinh tế).



Luật gia Vũ Xuân Tiền 
Tổng giám đốc Cty CP Tư vấn Quản lý và Đào tạo VFAM Việt Nam
.



Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *