Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM 9: Thông qua 10 sáng kiến hợp tác







Tăng cường quan hệ song phương






Với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á – Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế – tài chính và các thách thức toàn cầu”, Hội nghị FMM 9 đã  thành công với nhiều kết quả quan trọng, nổi bật.


Các Bộ trưởng chụp ảnh chung tại Hội nghị.



Hội nghị FMM 9 là hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên kể từ khi ASEM chính thức mở rộng lên 45 thành viên. Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và nhiều thách thức toàn cầu, FMM 9 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để các thành viên ASEM đưa ra những biện pháp nhằm triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM 7, hướng tới Hội nghị Cấp cao ASEM 8 tại Bỉ trong năm 2010. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Trong hai thập kỷ qua, thế giới đã và đang chứng kiến nhiều chuyển biến to lớn và sâu sắc, châu Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới, trong khi châu Âu đạt được những tiến bộ to lớn trong tiến trình nhất thể hóa”. Thủ tướng khẳng định, ASEM thực sự đã trở thành một diễn đàn quan trọng cho đối thoại và hợp tác Á-Âu, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị FMM 9 là dịp để các thành viên ASEM tăng cường phối hợp hành động để triển khai các kết quả của Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 7.



Hội nghị đã nhất trí nhiều giải pháp nhằm vượt qua khủng hoảng,  tăng cường hợp tác kinh tế trong ASEM, đặc biệt là về việc sớm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEM tại Ấn Độ trong năm 2009 và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEM tại Tây Ban Nha trong năm 2010. Hợp tác đối phó với các thách thức toàn cầu như: Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an toàn hàng hải… Thông qua đối thoại thẳng thắn, các thành viên đóng góp về một số vấn đề quốc tế cùng quan tâm, tăng thêm sự hiểu biết giữa các thành viên ASEM. Hội nghị đã nhất trí sẽ tiếp tục mở rộng ASEM do nhiều nước mong muốn gia nhập. Các Bộ trưởng hoan nghênh Ôtx-trây-lia và Nga xin tham gia ASEM và giao cho các quan chức cao cấp thảo luận về phương thức để hai nước này có thể chính thức gia nhập ASEM tại Hội nghị thượng đỉnh ASEM lần thứ 8 tại Brúc-xen. Đây là một trong những kết quả nổi bật của FMM9. Hội nghị đã thông qua 10 sáng kiến hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực: Công nghệ thông tin, phát triển bền vững, biến đổi khí hậu… góp phần nâng cao tính thiết thực của ASEM. Bên lề Hội nghị đã có gần 100 cuộc tiếp xúc song phương giữa các Trưởng đoàn, góp phần quan trọng vào việc tăng cường quan hệ hợp tác giữa các thành viên. Lần đầu tiên, cuộc gặp cấp Bộ trưởng giữa EU Troika và Myanmar đã được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hiểu biết giữa các bên.



Theo đánh giá của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm, Hội nghị FMM 9 đã thành công tốt đẹp, đặt dấu mốc quan trọng cho tiến trình hợp tác trong ASEM. Chuyển thông điệp chính trị của ASEM về tinh thần trách nhiệm và đoàn kết, hợp tác một cách hài hòa trong đa dạng, nhằm tích cực cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với khủng hoảng kinh tế – tài chính và các vấn đề toàn cầu khác.







Những đóng góp của Việt Nam


 


Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị FMM 9, Việt Nam đã có những đóng góp cụ thể cho thành công của Hội nghị.


Thứ nhất, Việt Nam đã đề xuất chủ đề và xây dựng một chương trình nghị sự của Hội nghị thiết thực đáp ứng tâm tư chung của các thành viên, phù hợp với thời sự quốc tế và khu vực; với các thành viên ASEM tham dự đông đủ, ở cấp cao với sự có mặt của gần 30 Bộ trưởng Ngoại giao và đóng góp tích cực tại Hội nghị. Việt Nam cũng đã có cách thức điều hành Hội nghị khéo léo, hiệu quả, trong đó xử lý linh hoạt những mối quan tâm đa dạng của các thành viên ASEM,  chủ động đề xuất nhiều giải pháp tăng đồng thuận, đưa Hội nghị đi đến thành công.


Tại Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất hai sáng kiến “Diễn đàn ASEM về biến đổi khí hậu và biện pháp thích ứng” và “Diễn đàn Á-Âu về hợp tác kinh tế và phát triển”. Hội nghị FMM 9 đã nhất trí ủng hộ việc triển khai các sáng kiến này, đồng thời nhiều thành viên như Đan Mạch, Anh, Indonesia, EC, Singapore, Nhật và Philippines nhất trí đồng sáng kiến với Việt Nam.


Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau Hội nghị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm đánh giá: “Hội nghị FMM 9 là một hoạt động ngoại giao đa phương quan trọng của nước ta trong năm 2009, nhằm góp phần tiếp tục triển khai chính sách của Đảng và Nhà nước về tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, là người bạn và là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cùng với việc Việt Nam đang hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và đang chuẩn bị đảm nhận trọng trách Chủ tịch ASEAN năm 2010, việc tổ chức thành công Hội nghị FMM 9 góp phần tiếp tục phát huy, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.”   


Mỹ phượng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *