cách đây bốn năm rồi, tôi có dịp tới đất nước pa-ki-xtan mà đến nay vẫn còn đọng lại trong lòng một ấn tượng đẹp đẽ về thủ đô i-xla-ma-bát. mặc dù công việc khá bận rộn của một chuyến công tác, nhưng mấy anh em báo chí chúng tôi vẫn tranh thủ nhờ người lái xe đưa đi vòng quanh i-xla-ma-bát để được thưởng ngoạn quang cảnh của thành phố trẻ này. có thể gọi i-xla-ma-bát là “thủ đô xanh”, bởi vì ở đây đã được trồng tới hơn 6 triệu cây các loại, tạo thành những vành đai xanh, rợp bóng quanh các khu nhà, đường phố…
năm 1967, i-xla-ma-bát chính thức trở thành thủ đô của pa-ki-xtan (thay cho thủ đô cũ ca-ra-chi), nhưng công việc xây dựng vẫn tiếp tục hoàn thiện cho đến vài năm sau. từ năm 1959, i-xla-ma-bát được pa-ki-xtan lựa chọn là nơi để xây dựng thủ đô mới và đã mời những nhà quy hoạch nổi tiếng thế giới thiết kế. đến đầu năm 1961, pa-ki-xtan bắt tay vào xây dựng thủ đô i-xla-ma-bát theo kiến trúc hồi giáo xen lẫn với phong cách phương tây hiện đại. i-xla-ma-bát được quy hoạch thành 8 khu riêng biệt: khu hành chính, thương mại (trung tâm là siêu thị zi-na và an-pa-ra), khu công nghiệp nhẹ, khu dân cư, viện nghiên cứu… mỗi khu đều có vành đai cây xanh và công viên cùng những vườn cây, hoa lá. khu ngoại thành được quy hoạch theo ý tưởng tương lai mở rộng. i-xla-ma-bát có địa hình không bằng phẳng, thoải dần từ chân đồi ma-ga-la xuống bình nguyên pot-oa với nhiều gò cây, bãi cỏ chạy dọc theo những con đường dài như càng tôn thêm cái dáng thơ mộng của một thành phố trẻ đang sung sức vươn tới đỉnh cao của văn minh, hiện đại. nếu đứng trên đỉnh da-man-e-koh của đồi ma-ga-la nhìn xuống thì thấy ngay một bức tranh toàn cảnh thành phố i-xla-ma-bát hiện ra rất sinh động với những tòa nhà kiến trúc độc đáo như: nhà quốc hội, nhà thờ hồi giáo quốc gia fai-san, trường đại học kai-đi a-zam, khu ngoại giao đoàn và nhiều địa danh văn hóa nổi tiếng khác như lok virsa-một bảo tàng trưng bày bộ sưu tập về nghệ thuật, thủ công và nhạc cụ… nhưng cái ấn tượng đẹp nhất mà chúng tôi cảm nhận được ở nơi đây là màu xanh của muôn vàn cây lá ôm lấy những con đường, khu phố, tạo ra cảm giác thật hài hòa giữa con người với thiên nhiên. những đồi cây, bãi cỏ nằm trên địa hình cao, thấp khác nhau cứ dập dờn, vi vút như một làn sóng xanh bất tận. cây xanh không những ở bên ngoài mà còn được đưa vào cả trong nhà, công sở, trên sân thượng mỗi gia đình như một vật dụng không thể thiếu được của con người nơi đây… i-xla-ma-bát quả là xứng đáng với cái tên gọi “thủ đô xanh” mà đã từng được nhiều vị khách quốc tế trầm trồ khen ngợi, bởi vì hơn 6 triệu cây các loại ở đây đều nằm trong quy hoạch và được thành phố này quản lý chặt chẽ.
chiếc ô tô chạy trên con đường uốn lượn, rợp bóng cây xanh đưa chúng tôi tới nhà thờ hồi giáo fai-san (do kiến trúc sư nổi tiếng thổ-nhĩ-kỳ thiết kế) tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 2.000m2 với 4 tòa tháp cao chọc trời ở 4 góc nhà thờ (mỗi tháp cao 88 mét). một tòa nhà kiến trúc hình vòm cao 40 mét là nơi cầu nguyện chính của nhà thờ fai-san có thể chứa tới 24 nghìn người. toàn bộ khuôn trang nhà thờ này đủ sức thu hút khoảng 40 nghìn người đến tham quan, cầu nguyện trong cùng một thời điểm.
bảo tàng ta-xi-la cách trung tâm thủ đô i-xla-ma-bát khoảng 35km, xung quanh nơi đây có các khu vực khảo cổ với niên đại đã được xác định trên 1.000 năm (từ 600 năm trước công nguyên đến 500 năm sau công nguyên). bảo tàng là một tòa nhà xây dựng theo kiểu gô-tíc, tường phủ dây leo nằm giữa khu vườn cây xanh tuyệt đẹp! bảo tàng ta-xi-la trưng bày nhiều hiện vật di tích của nền văn hóa gan-đa-ra. từ những bức tượng-dấu ấn của phật giáo đến vàng, bạc, châu báu, tiền cổ… được sắp xếp theo thứ tự thời gian phát triển của nền văn minh rực rỡ ấn hà cách đây 5 nghìn năm lịch sử. theo lời giới thiệu, chúng tôi được biết: từ thời vua a-sô-ca thuộc các triều đại mau-ria (thế kỷ thứ 4 trước công nguyên đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên), gan-la-đa là một trung tâm nổi tiếng về nghiên cứu phật học của tiểu lục địa ấn độ. ta-xi-la là trường đại học đầu tiên của tiểu lục địa ấn độ này, nó có ảnh hưởng sâu rộng đến áp-ga-xtan và trung á. ta-xi-la còn nằm trên con đường “tơ lụa” của miền đông bắc ấn độ tới trung quốc, trung á, vùng vịnh và hy lạp, sớm mang tới cho người dân sự văn minh thương mại.
mặc dù trên đất nước pa-ki-xtan – “mảnh đất thuần khiết” mà ở đâu đó vẫn còn vang lên tiếng đạn bom, nhưng với tinh thần bất diệt của nền văn hóa, lịch sử lâu đời, tin rằng 150 triệu con người nơi đây sẽ có cuộc sống yên ổn. “thủ đô xanh” i-xla-ma-bát luôn được nhân dân thế giới hướng tới để xây dựng những đô thị xanh, nhằm mang lại một màu xanh bất tận cho cả trái đất này./.
|