Trang chủ » Khoảng lặng Sơn La

Khoảng lặng Sơn La

by Kien Truc - Kientruc.vn
0 comments

1. Lần đầu tôi gặp cô bé vào một buổi chiều tà, khi những tia nắng muộn màng cuối ngày đang cố gắng nhuốm chút sắc vàng tàn phai và mệt mỏi xuống vùng đồi núi đìu hiu, heo hút. Con bé mặc chiếc áo khoác màu hồng cũ nhưng nom khá sạch sẽ, vẹo sườn bế thằng em đứng từ xa nhìn lại buổi lễ phát động thi đua. Thỉnh thoảng, một vài người đi qua, tiện mồm đùa với nó: “Béo, về lấy áo xanh LILAMA mặc làm thành viên danh dự cho oách tý chứ!”. Mỗi lần như vậy nó lại toét miệng cười, lấy hết sức xốc thằng bé con đang tụt dần khỏi cái hông bé nhỏ của con chị. Giữa đám trẻ còm nhom và nhếch nhác đang tí tởn chạy nhảy nô đùa xung quanh, con bé rạng rỡ và nổi bật bởi khuôn mặt tròn bầu bĩnh, làn da nâu hồng sáng mịn và hàm răng đều chằn chặn. Tôi lân la làm quen:

– Mẹ cháu đâu?

– Mẹ cháu đang đi làm ca.

– Mẹ cháu làm ở Cty này (chi nhánh LILAMA 10 tại Sơn La) à?

– Vâng! Mẹ cháu là thợ điện.

– Thế bố cháu có làm cùng Cty không?

– Bố cháu vừa mới mất năm nay. Mọi người kể bố cháu bị tai nạn, rơi xuống hố không cứu được.

Thoáng chết sững! Một phần bởi cái thông tin không mong đợi, phần vì khi con bé nhắc đến chuyện ấy bằng vẻ mặt trong veo, nhẹ nhàng như thiên sứ. Nó khiến cho người đối diện muốn ôm con bé vào lòng, xiết nhẹ chia sẻ, thay vì sự xuýt xoa thương hại. Câu chuyện của chúng tôi thân mật hơn khi tôi khéo léo gợi ý mong muốn làm cầu nối để cô bé kết bạn với con gái tôi, cũng bằng tuổi cô bé. Nó vui hẳn lên, háo hức kể tôi nghe về trường lớp, về gia đình và cuộc sống của hai mẹ con. Thế nhưng tôi không thể nào thuyết phục được con bé bày tỏ niềm mơ ước về một món quà gì đó để tôi được gửi tặng nhân dịp năm mới. Cuối cùng tôi cũng “moi” được một thông tin con bé bộc bạch trong lúc nói chuyện: “Cháu rất cần một cái bút mực viết nét thanh nét đậm mà mẹ cháu chưa có tiền gửi cô giáo mua giúp”. Thời gian có hạn, tôi chỉ kịp để lại số điện thoại và lời hẹn mong được làm quen với chị Hảo, mẹ cháu.


Nhà ở công nhân trên công trường Thủy điện
Sơn La.    Ảnh: Việt Hùng

2. Những ngày giáp Tết cuốn tôi vào với công việc và những chuyến đi liên miên. Thỉnh thoảng, tôi vẫn giữ vai trò cầu nối cho con gái tôi và cô bé nơi đại ngàn xa xôi, heo hút. Tôi muốn con tôi biết học cách chia sẻ và ý thức hơn với những may mắn của mình đang có. Cả tôi và chị Hảo mẹ cháu đều đồng tình với quan điểm ấy. Mùng 4 Tết, tôi gặp lại hai mẹ con chị Hảo tại bến xe Hà Đông. Mẹ con chị bắt xe từ quê nội Hát Môn – phú Thọ về Hà Đông, chuyển xe đi Mường La, lên với công trường thủy điện Sơn La, kịp ngày ra quân mùng 5. Khuôn mặt con bé bừng sáng khi nhận từ tay tôi hai cây bút mực và con búp bê nhỏ, quà của con gái tôi gửi tặng. Nó cúi đầu mỉm cười nói lời cảm ơn tôi.

Chị Hảo 45 tuổi, thợ điện bậc 5. Thoát ly từ luỹ tre làng của một huyện nghèo thuộc tỉnh Hưng Yên, chị vào nghề xây dựng, gặp anh cùng cảnh dân công trường, kết duyên chồng vợ. Cả hai anh chị đều là công nhân của LILAMA 10, nên những tháng ngày hạnh phúc của cái tổ ấm nhỏ nhoi ấy gắn hầu hết với các công trình xây dựng. Con gái đầu lòng của anh chị theo bố mẹ vào công trường Tây Nguyên… đã tốt nghiệp cao đẳng lâm nghiệp đang làm thời vụ cho một công việc trái nghề tại phía Nam. Bé Yến Ngọc, tên cô bé tôi gặp ở Sơn La là con gái thứ hai của anh chị, theo mẹ lên công trường Sơn La ngay từ những ngày đầu khởi công, hiện đang theo học trường tiểu học Sông Đà – Mường La. Mới 10 tuổi mà nó đã biết tự lo cho bản thân, ở nhà một mình, tự học bài, chơi với trẻ con hàng xóm và thường thức đến 11h đêm đón mẹ sau mỗi khi chị Hảo đi làm ca 3 tại công trường trở về khu tập thể. Mỗi năm con bé được về xuôi một lần vào dịp Tết, ăn Tết ở quê nội và ngoại cùng với cô dì, chú bác.

3. Có lẽ trái tim đa cảm của người phụ nữ không cho phép tôi nguôi đi một nỗi day dứt khó diễn tả trong lòng kể từ cái ngày “duyên kỳ ngộ”! Tôi tự nhận mình đang “mắc nợ” cô con gái bé bỏng của người thợ điện bình thường nơi công trường xa xôi ấy. Họ sẽ về đâu, khi chỉ một năm nữa thôi, đại công trường thuỷ điện Sơn La sẽ hoàn thành giai đoạn cuối? Đương nhiên, sẽ lại là một công trình nào đó vì cơ hội việc làm với người LILAMA không phải là ít. Sẽ đỡ day dứt hơn nếu như tổ ấm ấy vẫn ríu rít cùng bao người lao động khác theo những công trình mới bằng cả hai chân: Chồng – Vợ. Tôi cứ tự hỏi: Người đàn bà nhỏ bé ấy sẽ ra sao khi quá nửa đời người lại một mình gánh nặng hai vai? Và day dứt hơn cả là 10 năm nữa, khi chị gối mỏi chân chồn, đến tuổi nghỉ hưu, đâu sẽ là chốn an cư cho mẹ con chị sau những năm tháng lang bạt các công trường xây dựng chỉ có những gian nhà tập thể đơn sơ, tạm bợ. Viết lên câu chuyện này, tôi hy vọng sẽ có những tấm lòng tương thân tương ái của tình người xây dựng, rộng mở sẻ chia, giúp đỡ để  mẹ con chị Hảo sớm có chốn an cư.  Tôi tin điều đó sẽ đến sớm, bởi cuộc sống vốn luôn ẩn chứa bao điều kỳ diệu bất ngờ.

You may also like

Leave a Comment

Về chúng tôi

Kientruc.vn là trang thông tin dành riêng cho những ai đam mê kiến trúc và xây dựng, nơi hội tụ của những ý tưởng sáng tạo, giải pháp đột phá, và niềm đam mê cháy bỏng với nghề. Chúng tôi thực hiện sứ mệnh kết nối kiến trúc sư, kỹ sư, chủ đầu tư, cùng nhau xây dựng một nền kiến trúc bản địa vững mạnh, hòa nhập với dòng chảy quốc tế. Hơn cả một nền tảng trực tuyến, chúng tôi mong muốn trở thành người bạn đồng hành cùng giới kiến trúc, giữ lửa đam mê và chung tay tạo nên những công trình đẹp làm rạng danh Việt Nam.

@2024 – All Right Reserved kientruc.vn.