Sở dĩ nói là tái khởi động vì cách đây hơn chục năm, Tp Hà Nội từng có chủ trương giao UBND Q.Hoàn Kiếm và TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) thực hiện dự án giãn dân phố cổ đến KĐTM Việt Hưng (nay thuộc Q.Long Biên, cách phố cổ chưa đầy 8km, với diện tích 28,6ha). Nhưng vì đây là dự án “nhạy cảm”, ảnh hưởng đến hàng vạn người dân đang sinh sống ở phố cổ và vì nhiều lý do khách quan khác nên dự án gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Khó khăn đến nỗi câu chuyện giãn dân phố cổ đến nay vẫn là đề án mà Q.Hoàn Kiếm đang trình Sở KH&ĐT (chủ trì) thẩm định trước khi trình UBND Tp phê duyệt. Mới đây nhất, Q.Hoàn Kiếm vừa nhận được công văn của Sở QH-KT thông qua chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu vực giãn dân phố cổ tại KĐTM Việt Hưng với diện tích đất được bàn giao đã đầu tư xong hạ tầng kỹ thuật là 11,2ha. Như vậy để triển khai được dự án giãn dân phố cổ theo đúng trình tự đầu tư xây dựng cơ bản thì vẫn còn cả chặng đường dài mà trước tiên đề án giãn dân phố cổ và đồ án điều chỉnh quy hoạch khu vực giãn dân phải được UBND Tp phê duyệt…
Nói về tính khả thi của công tác giãn dân phố cổ, bà Lê Quỳnh Anh – phó BQL phố cổ Hà Nội – tỏ ra lạc quan vì theo bà khoảng 2 năm trở lại đây, Tp và Q.Hoàn Kiếm quyết tâm cao độ cho việc thực thi công tác giãn dân. Bằng chứng là theo chủ trương của Tp, quận đã thành lập phòng quản lý giãn dân phố cổ trực thuộc BQL phố cổ. Và hiện nay, tiến độ triển khai đề án giãn dân đã thực hiện được khoảng 80% khối lượng công việc. Mặc dù vậy, bà Lê Quỳnh Anh vẫn chưa thể đưa ra được một mốc tiến độ cụ thể nào. Tuy nhiên, bà Lê Quỳnh Anh cũng chia sẻ một vài thông tin. Theo đề án, giai đoạn I sẽ có hơn 1.800 hộ dân trong khu phố cổ sẽ di dời đến KĐTM Việt Hưng. Đối tượng di chuyển gồm các hộ dân sống trong khuôn viên các công trình công cộng, di tích lịch sử – văn hóa, trường học, cơ quan công sở, các hộ sinh sống trong nhà cũ nát, nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ và một số dự án của Tp cần giải phóng mặt bằng… Khu phục vụ giãn dân ở Việt Hưng sẽ được điều chỉnh theo hướng quy hoạch thành các khu nhà ở và khu hỗn hợp, trung tâm dịch vụ thương mại để bảo đảm người dân có điều kiện tiếp tục duy trì nhu cầu buôn bán như khi sinh sống ở khu phố cổ. Được biết, sức chứa của khu giãn dân ở Việt Hưng chỉ xấp xỉ 2.000 hộ trong khi đó, theo điều tra của BQL phố cổ những năm trước, số hộ dân cần di dời lên đến 24.000 hộ. Vậy ngoài Việt Hưng, những khu vực nào sẽ tiếp tục được bố trí dành cho giãn dân? trả lời về vấn đề này, bà Lê Quỳnh Anh cho biết, Tp sẽ giao cho quận thêm một vài khu đất khác phục vụ công tác giãn dân, tuy nhiên đến thời điểm này chưa khẳng định đó là những khu vực nào và ở đâu. Cũng theo bà Lê Quỳnh Anh, giãn dân phố cổ là công tác nhạy cảm, khó, rất khó, do vậy để dự án được triển khai hiệu quả thì cần có nguồn lực và những cơ chế, chính sách hợp lý. Hơn nữa, việc vận động, thuyết phục các hộ dân di dời đến nơi ở mới cũng là vấn đề không hề đơn giản. Việc giãn dân phải cần đến một quá trình bởi đó không chỉ là thay đổi chỗ ở mà còn liên quan đến môi trường kinh doanh, buôn bán… của người dân trong phố cổ. Do vậy, khu ở phục vụ giãn dân phải thực sự hấp dẫn để cư dân phố cổ chấp nhận chuyện đến định cư. Và khi khu giãn dân ở Việt Hưng đã hình thành nhà ở, môi trường kinh doanh thương mại rồi thì việc tuyên truyền vận động người dân có thể sẽ dễ hơn. phố cổ Hà Nội hiện đang là nơi có mật độ dân cao nhất cả nước. Điều kiện hạ tầng, điều kiện sinh hoạt quá thấp. Nhà ở và di tích bị xuống cấp nhiều. Việc giãn dân không chỉ để cải thiện điều kiện ăn, ở của người dân mà còn đồng thời giảm mật độ dân cư. Công tác bảo tồn, trùng tu tôn tạo phố cổ sẽ thuận lợi hơn. |
Quản lý, bảo tồn phố cổ Hà Nội: Kỳ III: Tái khởi động công tác giãn dân
1
Bài trước