Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương:
KTS Hoàng Đạo Cương – Ảnh: Việt Dũng |
TTCT – Hầu như Hoàng Đạo Cương không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, nhưng tên anh thì ai nghe cũng có cảm giác… quen quen.
Là con trai kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính và cháu nội cụ Hoàng Đạo Thúy, Cương đang ở trong nếp nhà cổ năm gian giữa làng Ngọc Hà – hương hỏa của dòng họ Hoàng Đạo danh tiếng.
Là người được giao trọng trách hương khói tổ tiên, cộng thêm tính chất công việc, Cương sống hơi “cổ lỗ” và khép kín. Cha anh đăng đàn diễn thuyết nhiều nên anh chọn cách… im lặng. Tính ông bố ưa phản biện, không chỉ về kiến trúc mà còn về bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống mà ông thấy chướng tai gai mắt, anh con trai lại rất mềm mỏng và dễ dàng thuyết phục được hầu hết chủ đầu tư về các phương án thiết kế của mình.
Ông bố viết phê bình và thẩm định kiến trúc nhiều hơn là vẽ công trình, anh con trai thì thủy chung một mực chỉ vẽ chứ không bao giờ đụng bút viết. Ông bố hào hoa thì con trai nói năng nhát gừng. Nhưng họ chung nhau một niềm đam mê gia truyền: kiến trúc.
1. Không phải đến lúc được giao thiết kế ngôi chùa lớn nhất VN và Đông Nam Á, Hoàng Đạo Cương mới được giới trong nghề biết đến như một tay thiết kế chùa có hạng. Những công trình mang tính chất tôn giáo – tín ngưỡng mà Cương từng chủ trì thiết kế đều được xếp vào hàng đẳng cấp: Thích Ca Phật đài Vĩnh Phúc, thiền viện Vân Sơn, đền Mẫu Âu Cơ, bến thả hoa và đài tưởng niệm liệt sĩ bên bờ sông Thạch Hãn, Quảng Trị…
Nói về công trình của mình, Cương bao giờ cũng bảo: “Phải đến xem tận mắt, mà phải xem công trình khi cây cối đã lên xanh, chùa đã có mùi hương khói, có bước chân đi về thì mới thấy cái hồn của kiến trúc, chứ cứ nhìn bản vẽ với nghe kiến trúc sư “phán” thì công trình nào chả như công trình nào”.
Công trình có ngôn ngữ kiến trúc giản dị và công năng cao nhất mà Cương thực hiện là bến thả hoa và đài tưởng niệm liệt sĩ Quảng Trị, kết hợp giữa “bến” với “đài”, không gian mở hết mức về phía bờ sông, tạo sự giao hòa tuyệt đối với thiên nhiên, xoa dịu nỗi đau của những người hành hương, trong khi ấn tượng về sự thiêng liêng và mất mát lại hằn in dưới mái cong của đền chính. Hăng năm, hăng tháng, hăng ngày đều có người đến đây thắp hương, thả hoa, nhớ đến người đã khuất.
Vào những ngày lễ trọng, sự xuất hiện của các nguyên thủ quốc gia cùng các hoạt động tưởng niệm lớn với sự tham gia của hàng chục nghìn người đều được diễn ra ở đây. Một không gian sinh hoạt văn hóa tinh thần mang âm hưởng tâm linh được thiết kế với vật liệu hiện đại, chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết, lại tiện lợi cho việc bố trí âm thanh, ánh sáng, các trang thiết bị nghe nhìn, thu phát hiện đại… Rất ít công trình cùng loại dù đã cũ hay mới xây dựng đáp ứng được các yêu cầu trên như công trình bên bờ Thạch Hãn.
Một góc đền Mẫu Âu Cơ |
Đền Mẫu Âu Cơ thờ người đã sinh ra Quốc tổ Hùng Vương, đền phải đạt đến độ thành kính xứng với vai trò của bà Âu Cơ trong lịch sử dân tộc, nhưng cũng phải toát ra được chất “mẹ” gần gũi và âu yếm trong lòng mỗi người Việt.
Vị trí được chọn xây đền là đỉnh núi Vặn, cao gần bằng núi Nghĩa Lĩnh – đỉnh cao nhất trong khu di tích lịch sử đền Hùng. Đền hướng ra hồ Lạc Long với gò Rồng ở giữa, tựa lưng vào gò đất như cái án, trải trên dải đất tương đối phẳng có sẵn mà không phải san gạt nhiều.
Ngôi đền xây ở thời hiện đại phải có kiến trúc như thế nào? Lặp lại các tiền mẫu thời Lê, thời Nguyễn? Hay làm theo kiến trúc mới?
Cương và các cộng sự chọn giải pháp mềm: kế thừa cấu trúc kinh điển của ngôi đền Việt; khai thác và lồng ghép các môtip trang trí từ trống đồng; kết hợp với cảm thụ và thẩm mỹ đương đại.
Nhờ ý tưởng ấy mà bước đến ngôi đền vừa mới hoàn thành, thoạt đầu ta nhận ra diện mạo quen thuộc của một nơi thờ cúng, rồi dần nhận ra những tín hiệu – liên tưởng về một thời xa thăm thẳm và sau nữa ta nhận ra cách tiếp nhận của thời nay với những giá trị và những hương thơm của dĩ vãng trong không gian kiến trúc chọn lọc, vừa quen vừa lạ ấy.
Cấu trúc không gian của đền gồm cổng đền, tứ trụ, trụ biểu, nhà bia, tả và hữu vu, đền chính. Bố cục gắn kết chặt chẽ đến mức không gì thừa. Các môtip lấy từ trống đồng và qua sự cách điệu đã kết hợp một cách tự nhiên vào cấu trúc gỗ, hòa vào các mảng phù điêu trên lan can đá, khắc họa trên các đầu trụ biểu. Các lan can đá được sử dụng đúng chỗ, trong sự gắn kết với sân thềm và với thế đất, mang lại cái duyên đặc biệt cho kiến trúc đền.
Có người nói sao không thiết kế ngôi đền to hơn? Các tác giả cho rằng: “Cần ngoái sang ba ngôi đền cũ trên núi Nghĩa Lĩnh và cũng không nên san ủi núi Vặn. Vả lại các cụ ta vốn ít lấy cái to tát thay cho cái tâm”.
Công trình đền Mẫu Âu Cơ đã nhận giải thưởng Kiến trúc VN 2004, giải thưởng thật ra không có ý nghĩa quá lớn với Cương nhưng khẳng định thành công của con đường độc đáo và độc đạo mà anh đã chọn: không phải những công trình dân dụng thời thượng dễ kiếm tiền, không phải những công trình hiện đại quy mô lớn, cũng không phải những công trình mang phong cách tiên phong dễ làm nổi bật tên tuổi kiến trúc sư, mà là một hướng đi hoàn toàn khác, không mới, thậm chí cũ, nhưng rất căn cốt: tạo không gian tín ngưỡng, tâm linh mới bằng kiến trúc cổ truyền dân tộc.
Và vì là một trong những người đầu tiên chọn con đường này, anh có cái may mắn nhất trong công việc nhiều cạnh tranh của những kiến trúc sư: một mình một cõi!
VIỆT HOÀI