>>
>>
Hơn 10 năm trước, vùng Nam Cần Thơ là vùng trồng lúa, rau cải, cây trái và giá đất rẻ như bèo, mỗi công đất (1.000m2) chỉ 3-5 chỉ vàng. Còn nay dọc theo tuyến Quang trung – Cái Cui (quận Cái Răng) một khu đô thị mới khá hoành tráng đã hình thành.
Nhưng đó chỉ là một phần đã hoàn thành của khu đô thị mới này. Bên cạnh những công trình được xây dựng, phát triển tại khu đô thị mới Nam Cần Thơ đã được hình thành, sau những căn nhà phố mới xây vẫn còn um tùm lau sậy trên đất hoang. Nhiều dự án không thể giải phóng mặt bằng (GpMB) hoàn toàn vì nhà đầu tư và một số người dân có đất nằm trong dự án vẫn chưa thỏa thuận được việc bồi thường giải tỏa.
Dự án khu đô thị Hưng phú của Công ty Cp Đầu tư xây dựng số 8, ngay sau khi khởi công đầu năm 2003, nhà đầu tư đã thỏa thuận bồi thường, giải tỏa được khoảng 80% diện tích trong số hơn 43ha thuộc dự án. Vậy mà đến nay doanh nghiệp đành “bó tay” trước số diện tích còn lại, vì người dân vẫn còn giằng co về chuyện bồi thường.
Theo người dân có đất trong dự án này, như ông Lê Việt Tâm, thì: “trước năm 2001, khi Nhà nước thu hồi 6.000m2 đất của tôi để làm đường Quang trung và vòng xoay cầu Cần Thơ, dù chỉ đền bù cho mỗi công đất có 11 triệu đồng, không có chỗ tái định cư, tôi vẫn chấp nhận thiệt thòi, hi sinh quyền lợi vì lợi ích công. Còn nay, Công ty Cp Đầu tư xây dựng số 8 muốn thực hiện dự án kinh doanh, xây dựng nhà để bán mà lại mua đất của tôi giá rẻ mạt, bắt dân hi sinh quyền lợi cho công ty làm sao tôi chấp nhận được”.
Vì vậy, ông Tâm kiên quyết không chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư với giá bồi thường do Nhà nước quy định là 44,1 triệu đồng/1.000m2 (tương đương một công đất) mà đòi doanh nghiệp phải trả cao gấp 10-20 lần giá quy định của Nhà nước, đồng thời còn yêu cầu phải bố trí tái định cư cho gia đình ông. Công ty không đồng ý, ông Tâm đã đâm đơn khiếu kiện khắp nơi.
Vì vậy, gần bảy năm qua phía Công ty Cp Đầu tư xây dựng số 8 không thể GpMB còn lại do còn vướng hàng chục hộ dân như trường hợp ông Tâm. Bởi theo ông trần Nhân Cử – trưởng Ban quản lý dự án Tây Nam bộ, thuộc Công ty Cp Đầu tư xây dựng số 8: “Giá Nhà nước phê duyệt chỉ có hơn 44 triệu đồng/1.000m2, vậy mà họ đòi bồi thường 800.000-1,5 triệu đồng/m2 đất nông nghiệp, làm sao giải quyết được”.
Tại Nam Cần Thơ còn nhiều dự án khác như dự án khu dân cư Thiên Lộc, khu dân cư Hưng phú 1, khu dân cư Long Thịnh, tuy đã GpMB được từ 70% đến gần 90% nhưng cũng đành “bó tay” vì gặp khó khăn tương tự trong GpMB như trường hợp đã kể trên.
Theo ông trần Thanh Hoàng – trưởng Ban quản lý khu đô thị Nam Cần Thơ – công tác GpMB tại dự án này gặp khó là vì còn nhiều văn bản chồng chéo. Dân ai cũng muốn được đền bù giá cao nên đến nay không đồng ý giao đất, làm phát sinh nhiều phức tạp nhưng không có biện pháp chế tài.
Một giám đốc dự án cho rằng sở dĩ công tác GpMB ở khu đô thị này gặp khó vì ngay từ đầu đã áp dụng cơ chế bồi thường theo thỏa thuận, Nhà nước để các nhà đầu tư “tự bơi”. Do đó, người dân ai cũng muốn đòi bồi thường theo kiểu “được voi đòi tiên” nên các nhà đầu tư khó lòng đáp ứng nổi. Ông Võ Thành Vạn – giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc – cho rằng đó còn là do các chính sách về cơ chế giá đất đền bù GpMB không rõ của Tp Cần Thơ; tính kỷ luật trong thực hiện các nghị định, nghị quyết, thông tư còn nhập nhằng chưa nghiêm.
Còn các nhà đầu tư thì thiếu liên kết để vạch ra kế hoạch chung nhằm đề xuất, tham mưu cho chính quyền tốt hơn trong chính sách đền bù đất. Do đó, khi các dự án gặp khó, không GpMB được để thực hiện thì “Nhà nước thất thu về thuế, nhà đầu tư không có mặt bằng để thi công, còn người dân bị vướng quy hoạch 1/500 nên cũng không xây dựng được” – ông Vạn nói.
Vì vậy, các doanh nghiệp đang chờ đợi khi triển khai thực hiện nghị định 69 Chính phủ vừa ban hành liên quan đến việc GpMB, tái định cư các dự án trong thời gian tới, gánh nặng như đã nêu của các nhà đầu tư sẽ được san sẻ tốt hơn.